Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 9-BNV(BĐBP) năm 1992 hướng dẫn thực hiện các Quy chế khu vực biên giới do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 9-BNV(BĐBP)
Ngày ban hành 17/10/1992
Ngày có hiệu lực 01/11/1992
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Lê Minh Hương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 9-BNV(BĐBP)

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1992

 

THÔNG TƯ

SỐ 9-BNV (BĐBP) NGÀY 17-10-1992 CỦA BỘ NỘI VỤ VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC QUY CHẾ KHU VỰC BIÊN GIỚI

Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 427-HĐBT ngày 12-12-1990 về Quy chế khu vực biên giới Việt Nam - Lào, Nghị định số 42-HĐBT ngày 29-1-1992 về Quy chế khu vực biên giới Việt Nam - Căm-phu-chia; Nghị định số 99-HĐBT ngày 27-3-1992 về Quy chế khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Ngày 10-8-1992 Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 289-HĐBT sửa đổi một số điều trong các Quy chế khu vực biên giới nói trên.

Để thực hiện thống nhất các quy chế khu vực biên giới, Bộ Nội vụ hướng dẫn như sau:

I- VỀ KHU VỰC BIÊN GIỚI, VÀNH ĐAI BIÊN GIỚI, VÙNG CẤM

1.a) Khu vực biên giới:

Theo điều I các Quy chế khu vực biên giới thì chỉ những xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã biên giới) có ranh giới tiếp giám trùng với đường biên giới quốc gia mới được xác định là khu vực biên giới.

Các xã biên giới được ghi trong phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.

b) Vành đai biên giới nói trong các Quy chế khu vực biên giới chỉ quy định giới hạn tối đa không quá 1500m tính từ đường biên giới trở vào, không quy định giới hạn tối thiểu. Phạm vi vành đai biên giới rộng hay hẹp là căn cứ vào tình hình an ninh, trật tự, quốc phòng, kinh tế, địa hình và yêu cầu bảo vệ biên giới tại từng khu vực của từng địa phương để quy định cho phù hợp.

Khi thiết lập vành đai biên gới, ở những nơi có chợ biên giới, điểm trao đổi hàng hoá, khu du lịch thì ở những địa điểm nói trên phải bố trí sâu vào phía trong nội địa, ngoài phạm vi vành đai. ở nơi đó, vành đai biên giới thu hẹp lại theo yêu cầu cần thiết.

c) Vùng cấm.

- Trong vành đai biên giới, ở những nơi cần thiết hoặc từng thời điểm cần thiết, quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế thì thiết lập vùng cấm.

- Ngoài vành đai biên giới, trong phạm vi khu vực biên giới, nếu có vùng cấm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước quy định tại Điều 6 (khoản 6), điều 7 (khoản 5) Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước và Điều 9 Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 84-HĐBT ngày 9-3-1992 thì áp dụng theo các quy định đó.

2- Giám đốc Công an thống nhất với đề xuất của chỉ huy Biên phòng tỉnh tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh biên gới, căn cứ vào tình hình cụ thể ở từng nơi để quyết định phạm vi vành đai biên giới, vùng cấm sau khi đã thống nhất với Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng; nếu có những điểm không thống nhất thì Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo lên Chính phủ quyết định.

Quyết định về phạm vi vành đai biên giới, vùng cấm phải có phụ lục kèm theo thuyết minh rõ căn cứ xác định trên bản đồ để đánh dấu trên thực địa bằng các biển báo.

3- Các loại biển báo để chỉ phạm vi ranh giới "khu vực biên giới", "vành đai biên giới" và "vùng cấm" làm theo mẫu thống nhất, bằng xi măng cốt thép, tôn hoặc gỗ cứng dựng ở những nơi dễ nhận biết hoặc để dễ nhận biết. Trên biển báo ghi bằng hai thứ chữ: dòng trên chữ Việt Nam, dòng dưới bằng chữ Trung Quốc hoặc chữ Lào, Căm-pu-chia tương ứng với từng quy chế khu vực biên giới. \'ebcác cửa khẩu quốc tế cho phép người nước thứ 3 qua lại thì ghi thêm dòng chữ Anh, quy cách, kích thước theo phụ lục số 2a, 2b, 2c, kèm theo Thông tư này.

II- CƯ TRÚ, ĐI LẠI TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI

A- CƯ TRÚ TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI.

1- Ngoài những người được cư trú ở khu vực biên giới quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Quy chế khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Điều 5 Quy chế khu vực biên giới Việt Nam - Lào và Quy chế khu vực biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia thì những người được Công an tỉnh biên giới cấp giấy phép cũng được cư trú ở khu vực biên giới bao gồm:

- Những người đến ở khu vực biên giới để xây dựng kinh tế theo quy hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

- Những người đến ở khu vực biên giới để đoàn tụ gia đình (như đến với cha, mẹ, vợ, chồng hoặc với con hiện có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới).

Đối với cán bộ, công nhân, viên chức của các cơ quan, cơ sở kinh tế, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang đăng ký hộ khẩu tập thể ở khu vực biên giới, nay nghỉ hưu, thôi việc muốn ở lại thì đăng ký thường trú theo thủ tục hiện hành.

- Những người đang cư trú hợp pháp ở khu vực biên giới, khi chuyển chỗ ở ra khỏi khu vực biên giới thì họ phải cắt hộ khẩu nơi thường trú để nhập hộ khẩu tại nơi ở mới và phải nộp lại giấy chứng minh biên giới cho cơ quan Công an để xin cấp giấy chứng minh nhân dân ở nơi cư trú mới.

2- Những người không được cư trú ở khu vực biên giới theo quy định tại Điều 5 Quy chế khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Điều 6 Quy chế khu vực biên giới Việt Nam - Lào, Quy chế khu vực biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia.

Khi thực hiện cần chú ý hai trường hợp sau:

- Đối với những người tự đến làm ăn sinh sống ở khu vực biên giới nhưng chưa đăng ký hộ khẩu hợp lệ, chưa được công an tỉnh cấp giấy phép thì chính quyền địa phương, đồn biên phòng sở tại phải kiểm tra, nếu xét họ không thuộc đối tượng không được cư trú, không được vào khu vực biên giới thì một mặt phải xử phạt hành chính theo Nghị định số 141 ngày 25-4-1991, mặt khác xét cho đăng ký tạm trú để quản lý. Nếu họ thuộc diện cấm cư trú ở khu vực biên giới thì chính quyền địa phương buộc họ phải rời khỏi khu vực biên giới trở về nơi thường trú cũ hoặc nơi cư trú bắt buộc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Trường hợp người thuộc diện cấm cư trú ở khu vực biên giới nhưng họ có hộ khẩu thường trú hợp lệ thì xét từng trường hợp cụ thể báo cáo công an tỉnh xem xét trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

[...]