Pháp lệnh Bảo vệ Bí mật Nhà nước năm 1991 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Số hiệu 62-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 28/10/1991
Ngày có hiệu lực 08/11/1991
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 62-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1991

 

PHÁP LỆNH

VỀ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và công dân trong việc bảo vệ bí mật Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Căn cứ vào Điều 78 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 

Điều 1

Bí mật Nhà nước là những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố và nếu bị tiết lộ, thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2

Bảo vệ bí mật Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ bí mật Nhà nước.

Điều 3

Nghiêm cấm mọi hành vi làm lộ, dò xét, chiếm đoạt bí mật Nhà nước.

Việc tiếp xúc, bảo quản và xử lý bí mật Nhà nước phải được thực hiện theo chế độ do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 4

Nghiêm cấm việc lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện kế hoạch Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội.

Chương 2:

PHẠM VI BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Điều 5

Căn cứ vào tính chất quan trọng, các tin tức thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được chia ba mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Điều 6

Những tin tức trong phạm vi sau đây thuộc độ Tuyệt mật:

1- Kế hoạch chiến lược phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên đối phó với chiến tranh; các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh có ý nghĩa quyết định khả năng phòng thủ đất nước;

2- Các chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại chưa công bố hoặc không công bố.

Những tin tức của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà theo yêu cầu của bên giao hoặc được Hội đồng bộ trưởng xác định thuộc độ Tuyệt mật;

3- Tổ chức và hoạt động tình báo, phản gián;

4- Mật mã quốc gia;

5- Dự trữ chiến lược quốc gia; các số liệu dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước về những lĩnh vực chưa công bố hoặc không công bố; kế hoạch phát hành tiền tệ, khoá an toàn của từng mẫu tiền; phương án, kế hoạch thu đổi tiền chưa công bố;

6- Các khu vực cấm mà Hội đồng bộ trưởng xác định thuộc độ Tuyệt mật.

[...]