Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 529-TTg năm 1958 quy định tạm thời về chế độ nửa cung cấp hiện nay do Phủ Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 529-TTg
Ngày ban hành 08/12/1958
Ngày có hiệu lực 23/12/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phan Mỹ
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 529-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CHẾ ĐỘ NỬA CUNG CẤP HIỆN NAY

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các Bộ,
- Các Ủy ban Hành chính khu, thành phố,
- Ban cán sự hành chính Lao – Hà – Yên,
- Các Ủy ban Hành chính tỉnh và khu vực Vĩnh Linh
- Các Ban chấp hành trung ương các Đảng, các Đoàn thể

 

Đến nay, cán bộ, công nhân, nhân viên theo chế độ lương kháng chiến vẫn hưởng một khoản cung cấp như nhà ở, điện, nước... Trong dịp cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1958, theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng phủ ra thông tư này nhằm tạm thời quy định một số chế độ nửa cung cấp để thi hành cho thống nhất trong cả hai khu vực hành chính, sự nghiệp và sản xuất.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

Tình hình thi hành chế độ nửa cung cấp hiện nay có nhiều điểm không thống nhất vì thiếu tiêu chuẩn cụ thể nên cùng một chức vụ, người hưởng, người không, người hưởng nhiều, người hưởng ít; nói chung còn có tính chất bình quân, nhưng nói riêng từng mặt, từng loại cán bộ, từng cơ quan, từng địa phương thì lại có sự chênh lệch rõ rệt không khỏi gây ra thắc mắc, so bì, ảnh hưởng tới đoàn kết. Mặt khác, việc quản lý chế độ lại không chặt chẽ, việc sử dụng thiếu tổ chức, nên có tình rạng lãng phí nhiều nhân lực và tài sản Nhà nước.

Bản quy định tạm thời này dựa theo tình hình thực tế, theo tinh thần "cần kiệm xây dựng nước nhà", đồng thời bảo đảm tương đối điều kiện sinh hoạt cho cán bộ, công nhân, nhân viên để công tác được tốt. Vì vậy, cần xây dựng tiêu chuẩn, cần tổ chức cho hợp lý để thực hiện được đúng tinh thần trên.

II. NGUYÊN TẮC VÀ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Từ trước tới nay, không phân biệt rõ giữa phương tiện công tác và phương tiện sinh hoạt, nay cần có phân biệt cho rõ. Về phương tiện công tác, sẽ có bản quy định riêng. Sau đây, chỉ nêu những nguyên tắc và quy định cụ thể về phương tiện sinh hoạt.

A. - Về nhà ở, điện, nước.

1) NGUYÊN TẮC CHUNG:

- Kể từ khi thi hành chế độ lương 1958, các khoản cung cấp về nhà ở, điện, nước đối với những cán bộ, công nhân, nhân viên ở trong biên chế sẽ quy định thành chế độ và tiêu chuẩn căn cứ trên chức vụ, yêu cầu công tác và khả năng nhà cửa hiện nay. Những người sử dụng sẽ phải trả một số tiền theo tiêu chuẩn và mức độ sử dụng.

- Khi quy định mức tiền trả có chiếu cố thích đáng đến mức lương hiện tại. Những người mà thu nhập mới so với thu nhập cũ không tăng thì không phải trả. Những người được tăng không bằng mức tiền phải trả về nhà ở, điện nước thì chỉ trả trong phạm vi số tiền tăng.

- Đối với những cán bộ, công nhân, nhân viên ở Hà Nội, không ở nhà của cơ quan đã được cấp 2500 đồng hay 4500 đồng tiền ra ăn ở ngoài hoặc một số tiền cao hơn để thuê nhà thì nay không cấp nữa, nhưng được cộng số tiền đó vào thu nhập cũ để tính bảo lưu, nếu thu nhập mới thấp hơn thu nhập cũ. Nơi nào đã cấp số tiền cao hơn 2500 đồng hay 4500 đồng thì nay cũng chi theo mức 2500 đồng hay 4500 đồng để tính bảo lưu.

- Việc trả tiền nhà ở, điện, nước có phân biệt sử dụng trong tiêu chuẩn và ngoài tiêu chuẩn. Trường hợp sử dụng ngoài tiêu chuẩn phải do cán bộ, công nhân, nhân viên yêu cầu và được cơ quan đồng ý.

2) QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

a) Tiêu chuẩn sử dụng:

- Về nhà ở (không kể nhà tắm, nhà bếp, nhà để xe ôtô...).

Bộ trưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia, Chánh án Tòa án tối cao, Viện trưởng Viện Công tố, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng phủ, Ủy viên Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Thống nhất, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ: từ 3 đến 4 buồng, tối đa là 100m2.

Thứ trưởng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia, Phó chánh án Tòa án tối cao, Viện phó Viện Công tố, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó ban Thống nhất, Tổng Thanh tra phó, Phó chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng phủ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu: từ 2 đến 3 buồng, tối đa là 75m2.

Đối với các vị cần giao thiệp nhiều với khách nước ngoài như ở Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại thương... hay Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà nội, Hải Phòng thì có thể bố trí ở rộng hơn.

Ủy viên các Ban của Chính phủ, Chánh Phó văn phòng, Chánh Phó giám đốc các Nhà, Sở, Vụ, Viện, Cục trực thuộc Thủ tướng phủ hay các Bộ, Thanh Ngân hàng. Phó chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Hành chính khu, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, Giám đốc xí nghiệp mới... tối đa là 30m2.

Đặc biệt đối với các cán bộ kỹ thuật, khoa học, giáo dục cao cấp phụ trách những công tác quan trọng mà không giữ các chức vụ kể trên, thì cũng chú ý: căn cứ tiêu chuẩn trên và khả năng thực tế mà bố trí nhà ở. Các Bộ và cơ quan sở quan sẽ bàn với Bộ Nội vụ để giải quyết cụ thể.

Các cán bộ, công nhân, nhân viên trong biên chế và ở tập thể, nói chung, mỗi người 3m25. Riêng đối với các cán bộ như Trưởng, Phó phòng Bộ, Nha, Sở, Vụ, Viện, Cục, Chánh, Phó giám đốc khu, Phó chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Hành chính tỉnh, Trưởng Phó ty, Giám đốc xí nghiệp vừa và nhỏ, cán bộ kỹ thuật, chuyên môn y tế, giáo dục giữ trách nhiệm nặng... không quy định tiêu chuẩn buồng riêng vì khả năng nhà cửa còn hạn chế, nhưng tùy tình hình cụ thể, cơ quan chú ý bố trí chỗ ở tương đối thuận tiện, có thể ở rộng hơn tiêu chuẩn chung.

Để tránh phải trả tiền nhà hai lần những người đã trả tiền nhà ở riêng nhưng vì nhu cầu công tác phải ở ngay chỗ làm việc thì không phải trả tiền nhà ở chỗ làm việc (như thường trực cơ quan, công an cứu hỏa...).

Hai vợ chồng cùng công tác ở hai cơ quan khác nhau, tùy theo điều kiện nhà cửa, có thể được thu xếp ở chung tại một cơ quan.

[...]