Thông tư 47/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 39/2015/TT-BGTVT về hướng dẫn Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam - Campuchia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 47/2019/TT-BGTVT
Ngày ban hành 28/11/2019
Ngày có hiệu lực 15/01/2020
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Nhật
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2019/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2019

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 39/2015/TT-BGTVT NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 2015 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIỆP ĐỊNH VÀ NGHỊ ĐỊNH THƯ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HOÀNG GIA CAMPUCHIA

Thực hiện Hiệp định vận tải đường hộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia ký ngày 01 tháng 6 năm 1998 (sau đây gọi tắt là “Hiệp định”);

Thực hiện Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường hộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 (sau đây gọi tắt là (“Nghị định thư”);

Thực hiện Nghị định thư về việc sửa đổi Nghị định thư thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường bộ ký ngày 26 tháng 02 năm 2019 (sau đây gọi tắt là “Nghị định thư 2019”);

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 39/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành một số điều của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 39/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành một số Điều của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

1. Sửa đổi Điều 3 như sau:

“1. Danh sách các cặp cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Campuchia.

Việt Nam

1. Lệ Thanh (Gia Lai)

2. Hoa Lư (Bình Phước)

3. Xa Mát (Tây Ninh)

4. Mộc Bài (Tây Ninh)

5. Bình Hiệp (Long An)

6. Dinh Bà (Đồng Tháp)

7. Tịnh Biên (An Giang)

8. Hà Tiên (Kiên Giang)

Campuchia

1. O Za Dao (Rattanakiri)

2. Trapeang Sre (Kratie)

3. Trapeing Phlong (Kông Pông Chàm)

4. Bà Vét (Svây Riêng)

5. Prây Vo (Svây Riêng)

6. Bon Tia Chắc Crây (Prey Veng)

7. Phơ Nông Đơn (Tà Keo)

8. Prek Chak (Kam Pốt)

2. Danh sách cặp cửa khẩu quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Campuchia được hai Bên ký kết cho phép thực hiện vận tải qua biên giới hai nước theo Nghị định thư 2005.

Việt Nam

Bu Prăng (Đắc Nông)

Campuchia

Đắk Đam (Mundulkiri)

3. Danh sách các cặp cửa khẩu khác giữa Việt Nam và Campuchia nếu được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế bởi Chính phủ hai nước sẽ được thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Campuchia.

Việt Nam

1. Đắk Peur (Đắk Nông)

2. Hoàng Diệu (Bình Phước)

3. Lộc Thịnh (Bình Phước)

4. Chàng Riệc (Tây Ninh)

5. Mỹ Quý Tây (Long An)

6. Thường Phước (Đồng Tháp)

7. Khánh Bình (An Giang)

8. Vĩnh Xương (An Giang)

9. Vĩnh Hội Đông (An Giang)

10. Giang Thành (Kiên Giang)

Campuchia

1. Nam Lea (Mondulkiri)

2. Lapakhe (Mondulkiri)

3. Tonle Cham (Tboung Khmum)

4. Dar (Tboung Khmum)

5. Somrong (Svay Rieng)

6. Koh Roka (Prey Veng)

7. Chrey Thum (Kandal)

8. Kaom Samnor (Kandal)

9. Kampong Krosaing (Takeo)

10. Ton Hon (Kampot)

4. Các phương tiện vận tải chỉ được ra/vào và qua bất kỳ cặp cửa khẩu quốc tế giữa hai nước và cặp cửa khẩu Bu Prăng/Đắk Đam.

2. Sửa đổi khoản 3 Điều 4 như sau:

“3. Phương tiện phi thương mại là ô tô chở người không quá 09 chỗ ngồi (kể cả người lái xe) và ô tô chở hàng hóa không thu tiền, bao gồm:

a) Phương tiện công vụ thuộc quyền sử dụng của các cơ quan, tổ chức gồm:

Phương tiện của các cơ quan trung ương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ;

Phương tiện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam;

Phương tiện của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đoàn thể, các tổ chức sự nghiệp ở trung ương và địa phương;

b) Phương tiện do người nước ngoài tự lái: phương tiện sử dụng bởi người có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của nước thứ ba cấp (hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu không phải của Việt Nam hoặc Campuchia);

c) Phương tiện cá nhân;

d) Phương tiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp/hợp tác xã đó và không tham gia vận chuyển người và/hàng hóa có thu tiền;

đ) Phương tiện cứu hỏa, phương tiện cứu thương, phương tiện cứu hộ, phương tiện thực hiện sứ mệnh nhân đạo”.

3. Sửa đổi khoản 3 Điều 12 như sau:

[...]