Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 4-TC/TT-1981 hướng dẫn thi hành chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp theo Quyết định 25-CP-1981 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 4-TC/TT
Ngày ban hành 18/03/1981
Ngày có hiệu lực 02/04/1981
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Võ Trí Cao
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4-TC/TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 1981

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 4-TC/TT NGÀY 18- 3- 1981 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 25-CP NGÀY 21-1-1981 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo Quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981 của Hội đồng Chính phủ, để phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về Tài chính của các xí nghiệp quốc doanh dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Nhà nước, từ nay ngoài nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước giao, Nhà nước khuyến khích xí nghiệp chủ động sản xuất thêm sản phẩm chính, sản phẩm phụ, làm các công việc có tính chất công nghiệp hoặc mở rộng diện kinh doanh nếu xí nghiệp còn năng lực sản xuất và có khả năng tự cung ứng những điều kiện vật chất.

Như vậy, kế hoạch của xí nghiệp gồm ba phần: Phần kế hoạch Nhà nước giao, phần xí nghiệp tự làm và phần sản xuất phụ. Xí nghiệp phải phân biệt thật rõ ràng, tính toán cân đối cả ba phần kế hoạch này và tổng hợp vào kế hoạch thu chi Tài chính của xí nghiệp. Từ nay không còn mặt hàng nào coi là hàng ngoài kế hoạch của xí nghiệp và việc giao nộp sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh phải theo đúng các chế độ, chính sách về phân phối và lưu thông của Nhà nước.

1. Định mức lợi nhuận và giá bảo đảm kinh doanh.

Sản phẩm chính và phụ được kế hoạch Nhà nước giao, hay do xí nghiệp tự làm, mua bán theo giá nào phải hạch toán theo giá đó. Xí nghiệp phải hạch toán riêng sản phẩm mua bán theo giá thỏa thuận, tránh để lẫn lộn với sản phẩm mua bán theo giá chỉ đạo.

a) Đối với mặt hàng sản xuất theo kế hoạch Nhà nước giao, thì căn cứ vào giá thành kế hoạch và lợi nhuận định mức hiện hành để quy định giá bán buôn xí nghiệp. Phần chênh lệch giữa giá bán buôn công nghiệp với giá bán buôn xí nghiệp là mức thu quốc doanh.

Thí dụ: Xí nghiệp đường X giá thành hợp lý 1 tấn đường theo kế hoạch Nhà nước giao là 1.161đ. Lợi nhuận định mức 4% là 46 đ. Giá bán buôn xí nghiệp: 1,161đ + 46đ = 1.207đ. Giá bán buôn công nghiệp quy định: 2.065đ. Mức thu quốc doanh phải nộp: 2.065đ-1207đ = 858 đồng.

b) Đối với mặt hàng sản xuất theo kế hoạch tự làm thì giá thành được tính đủ theo giá nguyên vật liệu thực tế đã mua, tính đủ khấu hao cơ bản, khấu hao sửa chữa lớn, và các chi phí khác theo quy định thống nhất của Nhà nước. Còn lợi nhuận định mức và mức thu quốc doanh thì theo Quyết định số 25-CP tính như sau:

- "Lợi nhuận định mức (tính theo số tuyệt đối) của sản phẩm tự làm được tính gấp từ 2 đến 4 lần lợi nhuận định mức đối với sản phẩm sản xuất theo kế hoạch Nhà nước giao". Theo thí dụ trên, lợi nhuận định mức cho 1 tấn đường do xí nghiệp tự làm được tính tối thiểu bằng 46đ x 2 lần = 92đ và tối đa bằng 46đ x 4 lần = 184 đồng.

- Giá bán buôn công nghiệp và sản phẩm tự làm về nguyên tắc phải đảm bảo mức thu quốc doanh nộp theo giá chỉ đạo, cụ thể mức thu quốc doanh nộp theo giá chỉ đạo của 1 tấn đường tự làm là 858 đồng.

- Lấy mức ấy trừ khỏi giá bán buôn công nghiệp rồi trừ đi giá thành của sản phẩm tự làm sẽ tìm ra số lợi nhuận thực tế. Nếu số lợi nhuận thực tế bằng mức lợi nhuận khuyến khích trong phạm vi tối thiểu và tối đa quy định (từ 92 đồng đến 184 đồng/1 tấn đường như tính toán trên) thì xí nghiệp được giữ nguyên lợi nhuận đó làm mức lợi nhuận khuyến khích.

- Trường hợp số lợi nhuận thực tế của sản phẩm tự làm vượt quá giới hạn tối đa quy định (vượt quá 184đ/1 tấn đường) thì toàn bộ số chênh lệch vượt đó phải nộp vào ngân sách Nhà nước và coi như khoản thu quốc doanh nộp thêm.

- Trường hợp số lợi nhuận thực tế của sản phẩm tự làm chưa đảm bảo mức tối thiểu quy định (dưới 92 đồng /1 tấn đường) thì xí nghiệp được nâng số lợi nhuận thực tế lên bằng mức tối thiểu và giảm bớt mức tương ứng về thu quốc doanh nộp ngân sách Nhà nước.

Trong trường hợp này, xí nghiêp chỉ được phép giảm mức thu quốc doanh phải nộp và nâng số lợi nhuận thực tế lên sau khi có sự kiểm tra và xét duyệt của các Sở, Ty Tài chính địa phương.

Trường hợp sản phẩm theo kế hoạch tự làm không trùng hợp với mặt hàng chính được giao theo kế hoạch Nhà nước tức không có sẵn lợi nhuận định mức của mặt hàng tương tự bán theo giá chỉ đạo để nhân lên gấp đôi hay gấp 4 lần cho sản phẩm tự làm. Trong trường hợp này, mức lợi nhuận khuyến khích của sản phẩm tự làm (tính theo số tuyệt đối) vẫn căn cứ vào lợi nhuận định mức của mặt hàng chính để quy định, nhưng đã loại trừ yếu tố nguyên vật liệu.

Thí dụ: Xí nghiệp nước chấm x có mặt hàng chính trong kế hoạch Nhà nước giao là nước chấm, nhưng có sản phẩm tự làm là dấm. Ta có số liệu sau đây:

Mặt hàng

Tổng giá thành

Trong đó giá nguyên vật liệu

Lợi nhuận định mức

Nước chấm (1lít)

Dấm (1lít)

1,30đ

1,14đ

0,85đ

0,97đ

0,036đ

x

Giá thành đã trừ giá nguyên vật liệu của 1 lít nước chấm: 1,30đ - 0,85đ = 0,45đ.

Giá thành đã trừ giá nguyên vật liệu của 1 lít dấm: 1,14đ - 0,97đ = 0,17đ.

Sau khi loại trừ yếu tố nguyên vật liệu, nếu bảo đảm tỷ lệ lãi bằng nhau thì lợi nhuận định mức của 1 lít dấm bán theo giá chỉ đạo (x) sẽ là:

0,036đ x 0,17đ

X = 0,014đ.

0,45đ

Lợi nhuận định mức của 1 lít dấm bán theo giá thỏa thuận sẽ được quy định gấp từ 2 đến 4 lần lợi nhuận định mức bán theo giá chỉ đạo, tức là:

Từ 0,014đ x 2 lần = 0,028đ.

Đến 0,014đ x 4 lần = 0,056đ.

Sau khi tính trừ thu quốc doanh theo mức của mặt hàng chính, nếu sản phẩm tự làm vẫn bảo đảm số lợi nhuận thực tế trong phạm vi tối thiểu tối đa quy định (từ 0,028đ đến 0,056đ/1 lít dấm) thì được giữ nguyên số lợi nhuận đó làm mức lợi nhuận khuyến khích. Nếu số lợi nhuận thực tế của sản phẩm tự làm vượt quá mức tối đa quy định (0,028đ) thì xí nghiệp nộp thêm số chênh lệch vượt đó. Nếu số lợi nhuận thực tế của sản phẩm tự làm dưới mức tối thiểu (0,028đ) thì mức lợi nhuận khuyến khích được nâng lên bằng mức tối thiểu và được trừ bớt mức tương ứng về thu quốc doanh sau khi có sự kiểm tra và xét duyệt của các Sở, Ty Tài chính địa phương.

[...]