Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 20-TC/VP-1979 hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch tài chính các ngành sản xuất kinh doanh bắt đầu từ năm 1980 và một số vấn đề kế toán về sản xuất mặt hàng ngoài kế hoạch nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 20-TC/VP
Ngày ban hành 17/12/1979
Ngày có hiệu lực 01/01/1980
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Võ Trí Cao
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH

*******

 

Số: 20-TC/VP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1979

 

HƯỚNG DẪN VIỆC XÂY DỰNG VÀ TỔNG HỢP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH

CÁC NGÀNH SẢN XUẤT KINH DOANH BẮT ĐẦU TỪ NĂM 1980 VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ KẾ TOÁN VỀ SẢN XUẤT MẶT HÀNG NGOÀI KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC

Thi hành các nghị quyết của hội nghị lần thứ năm và lần thứ sáu của Ban chấp hành trung ương Đảng về việc đổi mới cách làm kế hoạch từ cơ sở lên, nghị quyết số 279-CP ngày 02/8/1979 của Hội đồng Chính phủ về chính sách khuyến khích sản xuất và lưu thông những mặt hàng không do Nhà nước quản lý và cung ứng vật tư, theo tinh thần báo cáo của Hội đồng Chính phủ trình bày trước Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 6 vừa qua về việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1980, Bộ Tài chính hướng dẫn dưới đây nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch và tổng hợp kế hoạch tài chính của các ngành sản xuất kinh doanh năm 1980.

Phần thứ nhất:

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ TỔNG HỢP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH BẮT ĐẦU TỪ  NĂM 1980

I. YÊU CẦU XÂY DỰNG VÀ TỔNG HỢP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CỦA CÁC NGÀNH SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 1980

Theo tinh thần mới của các chỉ thị và nghị quyết trung ương và Hội đồng Chính phủ về kế hoạch năm 1980 là phải kiên quyết thực hiện việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch từ cơ sở lên, các xí nghiệp quốc doanh phải xuất phát chủ yếu từ lao động, đất đai, rừng, biển, các tài nguyên thiên nhiên khác và năng lực sản xuất hiện có để xây dựng kế hoạch Nhà nước một cách tích cực, vững chắc, chủ động cân đối các mặt kế hoạch, đề ra mức phấn đấu cao hơn số kiểm tra của Nhà nước, chú trọng các kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu địa phương và vật liệu thay thế, tận dụng phế liệu phế phẩm, làm ra nhiều mặt hàng mới, bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, tăng lợi nhuận.

Trên cơ sở kế hoạch của xí nghiệp, các ngành, các cấp tổng hợp kế hoạch của ngành, cấp mình, xác định và báo cáo với Nhà nước khả năng chắc chắn làm được theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và khả năng có thể làm tăng thêm ngoài kế hoạch trong năm 1980.

Theo tinh thần trên, nội dung kế hoạch tài chính năm 1980 của từng xí nghiệp, từng ngành, từng cấp cũng phải gồm hai phần: phần kế hoạch tài chính cơ bản thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và phần kế hoạch tài chính ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

1. Đối với phần kế hoạch tài chính cơ bản thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Kế hoạch tài chính cơ bản của xí nghiệp được tính toán theo các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh chính hay phụ nằm trong nhiệm vụ thiết kế ban đầu hay thiết kế bổ sung của xí nghiệp. Đối với sản phẩm sản xuất bằng phế liệu phế phẩm đã được hưởng chế độ khuyến khích 2-3 năm liền, điều kiện sản xuất đã ổn định thì nay cơ quan chủ quản cần xem xét để ghi thành mặt hàng giao chỉ tiêu kế hoạch chính thức cho xí nghiệp. Có như vậy thì phần kinh doanh cơ bản mới khai thác được tối đa năng lực sản xuất hiện có của xí nghiệp, bảo đảm được hiệu quả sản xuất kinh doanh.

2. Đối với phần kế hoạch tài chính làm ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Các xí nghiệp mới bắt đầu tổ chức sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm, bằng nguyên liệu địa phương không do Nhà nước thống nhất quản lý để giải quyết năng lực sản xuất dôi thừa cũng cần tính toán kế hoạch sản xuất và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu về mặt tài chính là khuyến khích hoạt động sản xuất phụ ngoài kế hoạch Nhà nước nhưng không để ảnh hưởng đến kinh doanh cơ bản của xí nghiệp, phải chấp hành đúng chế độ hạch toán kinh tế và chế độ quản lý tài chính của Nhà nước. Lợi nhuận thu được về sản xuất mặt hàng này được trích vào 3 quỹ xí nghiệp theo nghị quyết số 279-CP, cụ thể là 60-65% lợi nhuận sản xuất mặt hàng ngoài kế hoạch Nhà nước được dùng cho phúc lợi tập thể và khen thưởng cho người lao động theo quyết định của giám đốc xí nghiệp, 20-30% trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo dành 15% nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết theo quyết định của cơ quan chủ quản cấp trên, có sự thỏa thuận của cơ quan tài chính cùng cấp, thì xí nghiệp mới được nộp 10% lợi nhuận này vào ngân sách Nhà nước.

Kế hoạch Nhà nước năm 1980 đòi hỏi từng Bộ chủ quản, từng ngành, từng địa phương phải xây dựng và tổng hợp từ cơ sở. Để làm việc đó từng Bộ, ngành, địa phương cần cử cán bộ về xí nghiệp hoặc mời cán bộ chuyên trách của xí nghiệp về Bộ, ngành để cùng tính toán xây dựng kế hoạch. Trên cơ sở kế hoạch đã được tính toán cùng xí nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp kế hoạch tài chính của ngành, địa phương.

II. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG VÀ TỔNG HỢP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NĂM 1980

1. Nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch tài chính cơ bản thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

a) Đối với kế hoạch tài chính cơ bản của xí nghiệp, nội dung và các biểu mẫu lập kế hoạch tài chính hàng năm và phương pháp tính toán đã được giải thích và hướng dẫn trong Chế độ báo cáo về hệ thống chỉ tiêu, biểu mẫu kế hoạch hàng năm của xí nghiệp công nghiệp quốc doanh (ban hành theo quyết định số 302-TTg ngày 07/07/1976 của Thủ tướng Chính phủ). Nay theo yêu cầu mới xí nghiệp cần bổ sung thêm các chỉ tiêu sau đây:

- Số lao động được tận dụng theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1980. Định mức năng suất lao động sẽ đạt được và số lao động còn dôi thừa.

- Năng lực sản xuất được huy động theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1980, năng lực sản xuất còn dôi thừa.

- Giá trị tài sản cố định huy động vào sản xuất năm 1980, giá trị tài sản cố định chưa dùng, được Bộ chủ quản (hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) quyết định tạm giữ lại và được miễn khấu hao, giá trị tài sản cố định ứ đọng không dùng cần điều đi và giá trị tài sản cố định cần thanh lý.

- Vốn lưu động tự có đến ngày 31 tháng 12 năm 1979, vốn lưu động ứ đọng không cần dùng, vốn lưu động định mức được sử dụng trong năm 1980 chia ra phần ngân sách cấp, phần vay ngân hàng, vòng quay vốn.

 - Giá thành và doanh thu tiêu thụ sản phẩm theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1980.

- Tích lũy thực hiện, lợi nhuận để lại xí nghiệp, lợi nhuận trả nợ ngân hàng và các khoản nợ nộp ngân sách Nhà nước thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1980.

b) Tổng hợp kế hoạch tài chính cơ bản thuộc chỉ tiêu Nhà nước của từng ngành, từng cấp. Sau khi xây dựng xong kế hoạch, các xí nghiệp bảo vệ kế hoạch trước ngành và cấp mình. Căn cứ vào kế hoạch đã được duyệt, từng ngành tổng hợp kế hoạch tài chính của ngành mình, trong đó có chi tiết theo từng xí nghiệp theo các biểu số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 đính kèm.

Biểu số 1: Tổng hợp kế hoạch Nhà nước về sản xuất sản phẩm năm 1980.

Biểu số 2: Tổng hợp kế hoạch Nhà nước về lao động và tiền lương năm 1980. Trong biểu nay chỉ tiêu lao động dôi thừa = (bằng) số lao động có mặt đến ngày 31 tháng 12 năm 1979 – (trừ) số lao động bình quân sử dụng trong kế hoạch năm 1980.

Biểu số 3: Tổng hợp kế hoạch Nhà nước về sử dụng và khấu hao tài sản cố định năm 1980. Trong biểu này chú ý cách tính các chỉ tiêu sau đây:

- Năng lực sản xuất: chỉ tiêu này phản ánh mức độ sử dụng năng lực sản xuất, công suất thiết bị máy móc một cách tổng hợp, thể hiện bằng số lượng sản phẩm có thể làm ra. Ví dụ: năng lực sản xuất ngành đường là tấn đường, ngành chè là tấn chè, ngành dệt là mét vải, ngành giấy là tấn giấy, v.v…

[...]