Thông tư 39-TC/NSĐP-1984 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 138-HĐBT-1983 về việc xây dựng và quản lý ngân sách xã do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 39-TC/NSĐP
Ngày ban hành 26/09/1984
Ngày có hiệu lực 11/10/1984
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Chu Tam Thức
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 39-TC/NSĐP

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1984

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 39-TC/NSĐP NGÀY 26-9-1984 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 138-HĐBT NGÀY 19-11-1983 VỀ VIỆC XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH XÃ.

Thi hành Nghị quyết số 138-HĐBT ngày 19-11-1983 về cải tiến chế độ phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương. Bộ Tài chính hướng dẫn việc đẩy mạnh xây dựng và đưa ngân sách xã vào dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước thống nhất trong cả nước như sau:

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG NGÂN SÁCH XÃ VÀ ĐƯA NGÂN SÁCH XÃ VÀO DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC.

Theo Hiến pháp quy định, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước ta có 4 cấp là Trung ương, tỉnh, huyện, xã.

Xã là đơn vị hành chính cơ sở của Nhà nước ở nông thôn và chính quyền Nhà nước cấp xã là cơ quan quản lý Nhà nước ở xã. Để bảo đảm cho chính quyền Nhà nước cấp xã có phương tiện tài chính, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở xã, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Điều lệ ngân sách xã kèm theo Nghị định số 64-CP ngày 8-4-1972.

Đến nay, trong cả nước đã có 85% số xã xây dựng được ngân sách xã. Nhiều xã đã tích cực khai thác tiềm năng ở xã về đất đai, tài nguyên thiên nhiên và lao động ngành nghề ở xã, từng bước tạo ra nguồn thu cho ngân sách xã. Chính quyền cấp xã đã sử dụng vốn ngân sách xã để xây dựng được nhiều công trình phục vụ lợi ích công cộng ở xã, phát triển sự nghiệp văn hoá xã hội, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa và củng cố chính quyền cấp xã.

Tuy nhiên, phong trào xây dựng ngân sách xã chưa được đồng đều trong cả nước và còn những khuyết nhược điểm cần khắc phục:

1. Chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, quận, huyện (dưới đây gọi tắt là huyện) chưa thật quan tâm đầy đủ giúp chính quyền cấp xã đẩy mạnh xây dựng ngân sách xã, ra sức khai thác tiềm năng tại xã để phát triển nguồn thu cho ngân sách xã.

Đến nay còn 15% số xã trong cả nước chưa xây dựng được ngân sách xã; nhiều xã vẫn còn trông chờ vào trợ cấp của ngân sách cấp trên để chi tiêu.

2. Việc quản lý ngân sách xã chưa được chặt chẽ; một số địa phương (tỉnh, huyện) còn buông lỏng việc quản lý ngân sách xã. Nhiều khoản thu chưa được khai thác, bồi dưỡng để tăng thu cho ngân sách; chi tiêu còn chưa tiết kiệm, chưa theo đúng chính sách chế độ, định mức chung của Nhà nước.

3. Ngân sách xã chưa được tổng hợp vào ngân sách Nhà nước nên chưa phản ánh đầy đủ tình hình thu chi của cả nước và trên từng địa bàn lãnh thổ trong ngân sách Nhà nước.

Để khắc phục những khuyết nhược điểm trên, cần đẩy mạnh xây dựng ngân sách xã và từng bước đưa ngân sách xã vào dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước nhằm:

a) Từng bước hoàn chỉnh hệ thống ngân sách Nhà nước bao gồm 4 cấp ngân sách là Trung ương tỉnh, huyện, xã.

b) Tạo điều kiện cho ngân sách huyện thật sự hoàn chỉnh bao gồm ngân sách cấp huyện và ngân sách các xã trong huyện.

c) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và tăng cường quản lý ngân sách xã theo đúng điều lệ ngân sách xã ban hành kèm theo Nghị định số 64-CP ngày 8-4-1972 của Hội đồng Chính phủ.

II. TỔNG HỢP THU CHI NGÂN SÁCH XÃ VÀO DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Nghị quyết số 138-HĐBT đã quy định "... Trước mắt, phải đưa vào dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước những khoản thu mà ngân sách xã được hưởng theo đúng chính sách chế độ Nhà nước quy định) thu về giao nộp nông sản, thu về thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp, thu sự nghiệp và lệ phí, trợ cấp của ngân sách huyện, v.v...) và những khoản chi theo đúng chính sách, chế độ Nhà nước quy định thuộc trách nhiệm chi của ngân sách xã (trợ cấp cán bộ xã, chi về hành chính, giáo dục, y tế, v.v...) Căn cứ theo điều lệ ngân sách xã thì ngân sách xã được phản ánh theo mục lục ngân sách riêng và hạch toán riêng theo chế độ kế toán ngân sách xã. Ngân sách xã có các khoản thu thường xuyên và thu không thường xuyên, chi thường xuyên và chi không thường xuyên. Vì vậy, việc đưa ngân sách xã vào dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước là một việc làm mới mẻ, phức tạp.

Khi đưa ngân sách xã vào ngân sách Nhà nước đòi hỏi phải tiến hành một số việc thống nhất từ Trung ương đến xã như phải hoàn thiện tổ chức quản lý ngân sách Nhà nước, quy định lại mục lục ngân sách, tổ chức lại công tác thống kê kế toán và chấn chỉnh lại công tác quản lý quỹ ngân sách tại Ngân hàng Nhà nước để vươn lên quản lý đến tận các xã... Do vậy, việc đưa ngân sách xã vào dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước phải tiến hành từng bước.

Trước mắt việc đưa thu chi ngân sách xã vào dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm tiến hành theo trình tự và phương pháp cụ thể sau:

1. Hàng năm cùng với việc lập dự án ngân sách huyện, Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã trong huyện lập và xét duyệt dự án ngân sách xã trên tinh thần phát huy cao độ ý thức tự lực, tự cường, tính chủ động sáng tạo, tích cực khai thác khả năng tại chỗ để tăng thu và bố trí hợp lý chi tiêu, từng bước bảo đảm tự cân đối được ngân sách xã.

2. Các khoản thu chi ngân sách xã hiện nay được lập và quyết toán theo mục lục ngân sách xã, chưa thống nhất với mục lục ngân sách Nhà nước. Để bảo đảm việc tổng hợp các khoản thu chi ngân sách xã vào ngân sách Nhà nước khớp đúng với mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành, Bộ hướng dẫn tạm thời việc sắp xếp như dưới đây:

A. VỀ THU:

1. Đưa vào loại II "thu sự nghiệp" của mục lục ngân sách Nhà nước những khoản thu dưới đây của ngân sách xã:

- Tiền lâm sản phụ đưa vào khoản 36, hạng 1.

- Thu lệ phí đò đưa vào khoản 43, hạng 2.

- Thu về các buổi biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao đưa vào khoản 47, hạng 1.

- Thu về sự nghiệp truyền thanh đưa vào khoản 50.

[...]