Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 112-HĐBT năm 1981 về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của chính quyền cấp xã do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 112-HĐBT
Ngày ban hành 15/10/1981
Ngày có hiệu lực 30/10/1981
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 112-HĐBT

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 112 - HĐBT NGÀY 15-10-1981 VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CHÍNH QUYỀN CẤP XÃ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ điều 107 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của chính quyền cấp xã hiện nay,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Xã là đơn vị hành chính cơ sở của Nhà nước ở nông thôn; chính quyền Nhà nước cấp xã bao gồm Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân xã được nhân dân bầu ra theo Hiến pháp và pháp luật, là cơ quan quản lý Nhà nước ở xã.

Điều 2: Chính quyền cấp xã có chức năng quản lý mọi mặt công tác của Nhà nước ở xã, nhằm bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh ở địa phương, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; bảo đảm quyền lợi của công dân, chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân trong xã; động viên mọi công dân trong xã làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Điều 3: Chính quyền Nhà nước cấp xã có những nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu như sau:

1. Về xây dựng và thực hiện kế hoạch:

- Đối với những xã đã cơ bản hoàn thành hợp tác hoá, Uỷ ban Nhân dân xã trực tiếp xây dựng và thực hiện các phần kế hoạch do xã phụ trách như sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế, xã hội và ngân sách xã; tổng hợp những chỉ tiêu chủ yếu về phát triển sản xuất, nộp thuế, bán sản phẩm cho Nhà nước, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, vay vốn ngân hàng... trong kế hoạch của hợp tác xã để dưa vào kế hoạch chung của xã, báo cáo Hội đồng Nhân dân xã quyết định và trình Uỷ ban Nhân dân huyện duyệt, kiểm tra, giúp đỡ các hợp tác xã hoàn thành kế hoạch.

- Đối với những xã đang tiến hành hợp tác hoá, Uỷ ban Nhân dân xã chỉ đạo các ban sản xuất ấp, buôn, các tập đoàn sản xuất, các hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; tổng hợp các kế hoạch đó để báo cáo Hội đồng Nhân dân xã quyết định, trình Uỷ ban Nhân dân huyện duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Quản lý ruộng đất, rừng, bãi biển và các tài nguyên thiên nhiên khác trong xã theo pháp luật quy định.

3. Quản lý dân số, hộ tịch hộ khẩu, sinh tử, giá thú theo chính sách, chế độ hiện hành; quản lý lao động, tổ chức thực hiện kế hoạch phân bố lao động, chế độ và kế hoạch huy động dân công cho Nhà nước, cho xã.

4. Quản lý và thi hành chính sách tài chính, thu thuế, thu nợ cho Nhà nước; xây dựng và quản lý thu chi ngân sách xã theo quy định chung.

5. Kiểm tra, đôn đốc các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất về các mặt công tác sau đây:

- Thực hiện kế hoạch sản xuất; chấp hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, trước hết là nghĩa vụ lương thực, thực phẩm, nghĩa vụ nộp thuế, trả nợ.

- Thi hành đúng điều lệ hợp tác xã tập đoàn sản xuất, trọng tâm là thực hiện đúng các nguyên tắc về sản xuất, phân phối, sử dụng vốn và các tài sản của tập thể, sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất và kỹ thuật của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất.

6. Thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa; quản lý thị trường, ngăn chặn mọi hành vi kinh doanh, buôn bán trái phép; đầu cơ tích trữ.

7. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; bài trừ tệ nạn xã hội, chống mọi hiện tượng tiêu cực; bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản, tính mạng của nhân dân. Đối với các cơ quan, xí nghiệp, trạm, trại, cửa hàng, kho tàng, đường giao thông, ống dẫn dầu, đường dây điện và những tài sản khác thuộc cơ quan cấp trên đặt tại xã hoặc đi qua lãnh thổ xã, Uỷ ban Nhân dân xã có trách nhiệm bảo vệ và giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đơn vị đó hoàn thành nhiệm vụ.

8. Thực hiện chế độ và kế hoạch nghĩa vụ quân sự theo đúng pháp luật và kế hoạch Nhà nước; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương; tổ chức chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; thực hiện công tác hậu phương quân đội.

9. Quản lý tiểu thuỷ nông, đường giao thông trong xã.

10. Tổ chức công tác văn hoá, thông tin, truyền thanh, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, và quản lý các cơ sở nói trên.

11. Chăm lo cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân trong xã.

12. Phát hiện và xử lý theo quyền hạn được giao những hành vi vi phạm pháp luật.

Giám sát các cơ sở kinh tế, văn hoá và các cơ quan cấp trên hoạt động tại xã, chấp hành pháp luật, chính sách Nhà nước và thi hành các nghị quyết, quyết định của chính quyền địa phương.

Uỷ ban Nhân dân xã có quyền đình chỉ thi hành những chủ trương hoặc việc làm của các tổ chức kinh tế tập thể và các tổ chức khác trực thuộc xã trái với pháp luật, xét thấy có hại cho Nhà nước và tập thể, cho quyền lợi chính đáng của xã viên và công dân, nhưng phải báo cáo ngay với Uỷ ban Nhân dân cấp huyện, hoặc thị xã biết.

Điều 4: Hội đồng Nhân dân xã là cơ quan quyền lực Nhà nước ở xã, hoạt động theo chế độ hội nghị, định kỳ 3 tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.

Hội đồng nhân dân xã thảo luận và quyết định các biện pháp để bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh ở địa phương, các công tác quan trọng có liên quan đến kế hoạch, ngân sách xã, đến nghĩa vụ và quyền lợi, có quan hệ đến đời sống, tình cảm, phong tục, tập quán... của nhân dân địa phương. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải biểu quyết theo đa số tán thành.

[...]