Thông tư 30/2007/TT-BCA-C11 hướng dẫn thi hành Nghị định 150/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 30/2007/TT-BCA-C11
Ngày ban hành 12/12/2007
Ngày có hiệu lực 11/01/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

BỘ CÔNG AN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 30/2007/TT-BCA-C11

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 150/2005/NĐ-CP NGÀY 12/12/2005 QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN NINH VÀ TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI

Ngày 12/12/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội (sau đây viết gọn là Nghị định số 150). Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định này như sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 150 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội (sau đây viết gọn là lĩnh vực an ninh, trật tự). Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 150, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự bao gồm các hành vi được quy định tại Chương II Nghị định này và các hành vi thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự hoặc có liên quan đến an ninh, trật tự được quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự chỉ được xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định số 150; các hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự hoặc có liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính như trong lĩnh vực: giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, phòng cháy chữa cháy, thương mại, y tế, quốc phòng, biên giới quốc gia, hải quan, thuế, bảo vệ môi trường… thì thực hiện việc xử phạt theo quy định của Nghị định trong các lĩnh vực đó, nhưng phải áp dụng các biểu mẫu xử phạt do Bộ Công an quy định.

2. Đối tượng áp dụng

a) Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây viết gọn là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự thì bị xử phạt vi phạm hành chính, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 3 Mục I của Thông tư này;

b) Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự và các quyền ưu đãi, miễn trừ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu họ có vi phạm hành chính trên lãnh thổ Việt Nam thì phải lập biên bản vi phạm hành chính và giải quyết bằng con đường ngoại giao, trừ trường hợp vi phạm nhỏ, đơn giản (như hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền dưới 100.000 đồng hoặc không có tình tiết tăng nặng) thì nhắc nhở, yêu cầu họ chấm dứt vi phạm.

3. Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

a) Người dưới 14 tuổi vi phạm hành chính;

b) Người khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc khi xem xét để ra quyết định xử phạt mà mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính;

d) Hành vi vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm;

đ) Vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ.

II. XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH; THỜI HIỆU, THỜI HẠN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ NGUYÊN TẮC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Xác định hành vi vi phạm hành chính

a) Trường hợp một người cùng một lúc thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì phải bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải xem xét người đó thực hiện một hay nhiều hành vi vi phạm. Chương II Nghị định số 150 quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, các hành vi này độc lập với nhau. Tuy nhiên, trong mỗi điểm, khoản của từng điều của Nghị định này có thể có một hoặc nhiều hành vi vi phạm. Vì vậy, khi xử phạt phải căn cứ vào cấu trúc, nội dung cụ thể của điểm, khoản, điều của Nghị định và thực tế về thời điểm, thời gian xảy ra vi phạm để xác định là một hay nhiều hành vi vi phạm, phục vụ cho việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được chính xác;

b) Đối với hành vi vi phạm phức tạp, khó xác định là vi phạm hành chính hay hình sự (có dấu hiệu tội phạm) thì phải xem xét cẩn thận về tính chất, mức độ, hậu quả, nhân thân, vi phạm lần đầu hay tái phạm. Trường hợp cần thiết thì trao đổi với Cơ quan điều tra cùng cấp để thống nhất hướng giải quyết và chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi có sự thống nhất với Cơ quan điều tra.

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính

a) Việc áp dụng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây viết gọn là Pháp lệnh) và Điều 5 Nghị định số 150. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, thì bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hành vi của người đó có dấu hiệu vi phạm hành chính; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vi phạm. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt hành chính không phải lập biên bản vi phạm hành chính mà căn cứ vào hồ sơ do các cơ quan ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án nêu trên chuyển đến để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với trường hợp không xử lý hình sự, nhưng phải xử phạt vi phạm hành chính thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện.

b) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt quy định tại Điều 69 của Pháp lệnh mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh, Điều 3 Nghị định số 150 và cần chú ý thêm một số điểm sau đây:

a) Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần, không được lập biên bản, ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với chính hành vi đó. Trường hợp tại cùng thời điểm, người có thẩm quyền xử phạt đã ra lệnh đình chỉ hành vi vi phạm mà người vi phạm vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm này, thì áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 8 Điều 9 của Pháp lệnh; nếu họ thực hiện hành vi vi phạm khác thì phải lập biên bản vi phạm hành chính để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định chung.

b) Đối với cá nhân nhiều lần vi phạm hành chính, nay tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính mà hành vi vi phạm này là lần cuối để làm căn cứ cho việc xem xét, lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác thì không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm lần cuối đó.

III. ÁP DỤNG HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ, THỦ TỤC XỬ PHẠT, THẨM QUYỀN XỬ PHẠT, TỔ CHỨC THU TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

[...]