Thông tư 23/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 23/2003/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 03/11/2003
Ngày có hiệu lực 22/11/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/2003/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘISỐ 23/2003/TT-BLĐTBXH NGÀY 03 THÁNG 11 NĂM 2003 VỀ VIỆC QUY ĐỊNH, HƯỚNG DẪN THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VÀ KIỂM ĐỊNH CÁC LOẠI MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ, CÁC CHẤT CÓ YÊU CẦUNGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Thi hành Nghị định 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động; sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động như sau:

I- PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân (gọi chung là cơ sở) có sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động (gọi chung là đối tượng) thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tại phụ lục 1 kèm theo thông tư này và Bộ Y tế quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư số 05/1999/TT-BYT ngày 27/3/1999 hướng dẫn việc khai báo, đăng ký và cấp giấy chứng nhận được sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động, trước khi đưa vào sử dụng đều phải đăng ký và kiểm định:

- Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm: Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp hoạt động công ích; doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang;

- Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân;

- Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: Doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài;

- Doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

- Hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, cá nhân;

- Các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; kể cả các tổ chức, đơn vị được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, các hội quần chúng tự trang trải về tài chính;

- Cơ sở bán công, dân lập, tư nhân thuộc các ngành văn hoá, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, thể dục thể thao và các ngành sự nghiệp khác;

- Trạm y tế xã, phường, thị trấn;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

II. KIỂM ĐỊNH

Kiểm định là việc kiểm tra, thử nghiệm, phân tích của cơ quan kiểm định nhằm đánh giá tình trạng an toàn của các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy phạm Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động,

Thủ tục kiểm định được quy định như sau:

1. Đối với cơ sở

a. Trực tiếp đề nghị với cơ quan kiểm định tiến hành kiểm định, khi có nhu cầu kiểm định đối tượng;

b. Cung cấp các tài liệu kỹ thuật liên quan đến đối tượng được kiểm định, cử người đại diện chứng kiến quá trình kiểm định;

c. Khắc phục các hiện tượng không bảo đảm an toàn liên quan đến công việc kiểm định.

2. Đối với cơ quan kiểm định

a. Khi nhận được đề nghị của cơ sở, chậm nhất là 10 ngày (ngày làm việc) phải tiến hành kiểm định. Trường hợp không thực hiện được đề nghị của cơ sở, chậm nhất là 05 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày nhận được đề nghị phải trả lời cho cơ sở bằng văn bản và nêu rõ lý do;

b. Thực hiện việc kiểm định đối tượng theo đúng quy trình kiểm định do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và tiêu chuẩn, quy phạm Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

c. Lập biên bản kiểm định và ghi đầy đủ kết quả kiểm định vào lý lịch đối tượng;

d. Khi đối tượng đủ điều kiện an toàn để đưa vào sử dụng, chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố biên bản kiểm định, cơ quan kiểm định phải cấp cho cơ sở Phiếu kết quả kiểm định (02 bản) theo mẫu quy định tại phụ lục 2 kèm theo Thông tư này;

e. Trong quá trình kiểm định, nếu phát hiện đối tượng có nguy cơ dẫn đến sự cố, tai nạn lao động thì phải ngừng việc kiểm định, báo cho cơ sở biết để có biện pháp khắc phục;

g. Trong quá trình kiểm định nếu vi phạm quy trình kiểm định, các tiêu chuẩn, quy phạm Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, mà gây thiệt hại vật chất đối với cơ sở thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

[...]