Nghị định 06/CP năm 1995 Hướng dẫn Bộ Luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động

Số hiệu 06/CP
Ngày ban hành 20/01/1995
Ngày có hiệu lực 01/01/1995
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 1 năm 1995

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 06/CP NGÀY 20 THÁNG 1 NĂM 1995 QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Y tế,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 1.- Đối tượng và phạm vi được áp dụng các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động bao gồm: mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, mọi công chức, viên chức, mọi người lao động kể cả người học nghề, thử việc trong các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, trong lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp; tổ chức, cơ quan nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam.

Chương 2:

AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 2.- Luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động theo Khoản 1, Điều 96 của Bộ Luật lao động được quy định như sau:

1. Việc xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, các cơ sở sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu trữ các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động thì chủ đầu tư, người sử dụng lao động phải lập luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động. Trong luận chứng phải có những nội dung chính sau đây:

- Địa điểm, quy mô, khoảng cách từ công trình, cơ sở dến khu dân cư và các công trình khác;

- Những yếu tố nguy hiểm, có hại, sự cố có thể phát sinh trong quá trình hoạt động; các giải pháp phòng ngừa, xử lý.

Luận chứng phải được cơ quan Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động hoặc vệ sinh lao động phối hợp với các cơ quan hữu quan chấp thuận.

2. Khi thực hiện phải cụ thể hoá các yêu cầu, nội dung, biện pháp bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động theo luận chứng đã được duyệt.

Điều 3.- Việc thực hiện tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động theo khoản 2 Điều 96 của Bộ Luật lao động được quy định như sau:

1. Tiêu chuẩn, quy phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động là tiêu chuẩn, quy phạm bắt buộc thực hiện. Căn cứ tiêu chuẩn, quy phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động của Nhà nước, của ngành ban hành, người sử dụng lao động phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho từng loại máy, thiết bị, vật tư và nội quy an toàn, vệ sinh nơi làm việc.

2. Việc nhập khẩu các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động được Bộ Thương mại cho phép sau khi trao đổi và được sự nhất trí của cơ quan Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động hoặc vệ sinh lao động.

Điều 4.- Nơi làm việc có nhiều yếu tố độc hại theo Điều 97 của Bộ Luật lao động được quy định như sau:

1. Phải kiểm tra đo lường các yếu tố độc hại ít nhất mỗi năm một lần;

2. Khi thấy có hiện tượng bất thường thì phải kiểm tra và có biện pháp xử lý ngay;

3. Lập hồ sơ lưu giữ và theo dõi đúng quy định.

Điều 5.- Nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại dễ gây tai nạn lao động theo Điều 100 của Bộ Luật Lao động được quy định như sau:

1. Phải có đủ trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế thích hợp như thuốc, bông, băng, băng ca, mặt nạ phòng độc, xe cấp cứu;

2. Có phương án dự phòng xử lý các sự cố có thể xảy ra;

3. Phải tổ chức đội cấp cứu;

4. Đội cấp cứu và người lao động phải được thường xuyên tập luyện.

[...]