Thông tư 22/2009/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 22/2009/TT-BTTTT
Ngày ban hành 24/06/2009
Ngày có hiệu lực 10/08/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Lê Doãn Hợp
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 22/2009/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ THUÊ BAO DI ĐỘNG TRẢ TRƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Bộ Luật Dân sự đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật An ninh Quốc gia đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 2004 của Chính phủ quy định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện;
Căn cứ Nghị định số 50/2009/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc bổ sung Điều 12a Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Viễn thông,

QUY ĐỊNH:

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này điều chỉnh các hoạt động đăng ký, lưu giữ và sử dụng các thông tin về nhân thân và số máy của cá nhân hoặc người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất trả trước, dịch vụ điện thoại trung kế vô tuyến trả trước (sau đây gọi tắt là dịch vụ di động trả trước) nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên viễn thông, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông Việt Nam và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương có liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý dịch vụ di động trả trước;

b) Doanh nghiệp thông tin di động;

c) Chủ điểm giao dịch được uỷ quyền;

d) Chủ thuê bao di động trả trước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dịch vụ di động trả trước là dịch vụ mà người sử dụng dịch vụ phải trả tiền trước cho doanh nghiệp thông tin di động thông qua hình thức nạp tiền vào thẻ SIM trả trước hoặc máy đầu cuối di động trả trước (loại không dùng thẻ SIM) hoặc các hình thức tương tự khác.

2. Doanh nghiệp thông tin di động là doanh nghiệp viễn thông được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động.

3. Chủ điểm giao dịch được uỷ quyền là doanh nghiệp, cá nhân đã ký kết hợp đồng ủy quyền tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao với doanh nghiệp thông tin di động.

4. Chủ thuê bao di động trả trước là cá nhân hoặc người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức, sử dụng dịch vụ thông tin di động trả trước, bao gồm:

a) Chủ thuê bao di động trả trước của các mạng điện thoại di động mặt đất;

b) Chủ thuê bao di động trả trước của mạng điện thoại trung kế vô tuyến;

c) Chủ thuê bao di động trả trước của các mạng viễn thông khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

5. Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động trả trước là tập hợp các trang thiết bị (bao gồm cả phần cứng và phần mềm) được liên kết với nhau để phục vụ việc cập nhật, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao của doanh nghiệp thông tin di động.

6. SIM (Subscriber Identity Module) là một thẻ điện tử thông minh được dùng trong điện thoại di động để chứa thông tin của chủ thuê bao, dịch vụ thuê bao và doanh nghiệp thông tin di động.

Điều 4. Nguyên tắc đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao

1. Phương thức, thủ tục đăng ký phải hợp lý, đơn giản; không gây phiền hà và không làm phát sinh thêm chi phí cho chủ thuê bao.

[...]