Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông năm 2002

Số hiệu 43/2002/PL-UBTVQH10
Ngày ban hành 25/05/2002
Ngày có hiệu lực 01/10/2002
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43/2002/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2002

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 43/2002/PL-UBTVQH10 NGÀY 25 THÁNG 5 NĂM 2002 VỀ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Để phát triển nhanh và hiện đại hóa bưu chính, viễn thông, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính, viễn thông;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002;
Pháp lệnh này quy định về bưu chính, viễn thông.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí của bưu chính, viễn thông

Nhà nước xác định bưu chính, viễn thông là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển bưu chính, viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định hoạt động bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện (sau đây gọi là bưu chính, viễn thông); quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính, viễn thông.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Pháp lệnh này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về bưu chính, viễn thông khác với quy định của Pháp lệnh này thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Dịch vụ bưu chính" là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát bưu phẩm, bưu kiện thông qua mạng bưu chính công cộng.

2. "Dịch vụ chuyển phát thư" là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát thông tin dưới dạng văn bản được đóng gói, dán kín, có khối lượng đơn chiếc không quá hai kilôgam (02 kg) và gửi tới một địa chỉ cụ thể thông qua mạng bưu chính công cộng hoặc mạng chuyển phát.

3. "Thiết bị viễn thông" là các phương tiện kỹ thuật, bao gồm cả phần cứng và phần mềm được dùng để thiết lập mạng viễn thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.

4. "Thiết bị mạng" là thiết bị viễn thông được lắp đặt trên mạng viễn thông, bao gồm thiết bị truyền dẫn, thiết bị chuyển mạch và các thiết bị xử lý thông tin khác.

5. "Thiết bị đầu cuối" là thiết bị viễn thông được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp đến điểm kết cuối của mạng viễn thông để gửi, xử lý và nhận các thông tin dưới dạng ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh qua mạng viễn thông.

6. "Điểm kết cuối" của mạng viễn thông là điểm đấu nối vật lý thuộc mạng viễn thông theo các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm việc đấu nối thiết bị đầu cuối của người sử dụng dịch vụ vào mạng viễn thông.

7. "Dịch vụ viễn thông" là dịch vụ truyền ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh hoặc các dạng khác của thông tin giữa các điểm kết cuối của mạng viễn thông.

8. "Đường truyền dẫn" là tập hợp các thiết bị truyền dẫn được liên kết với nhau bằng đường cáp viễn thông, sóng vô tuyến điện, các phương tiện quang học và các phương tiện điện từ khác.

9. "Tài nguyên thông tin" bao gồm kho số viễn thông, phổ tần số vô tuyến điện, tài nguyên Internet (in-tơ-nét) và quỹ đạo vệ tinh.

a) "Kho số viễn thông" là tập hợp các mã và số được đánh số theo quy hoạch thống nhất trong phạm vi cả nước để bảo đảm cho hoạt động của mạng và dịch vụ viễn thông.

b) "Phổ tần số vô tuyến điện" là dãy các tần số của sóng vô tuyến điện.

c) "Tài nguyên Internet" là tập hợp các tên và số được quy hoạch thống nhất trên phạm vi toàn cầu thuộc quyền quản lý của Việt Nam để bảo đảm cho hoạt động Internet.

d) "Quỹ đạo vệ tinh" là đường chuyển động của vệ tinh trong không gian thuộc quyền quản lý của Việt Nam.

10. "Sóng vô tuyến điện" là sóng điện từ có tần số thấp hơn ba nghìn gigahéc (3000 GHz) truyền lan trong không gian không có dẫn sóng nhân tạo.

11. "Nghiệp vụ vô tuyến điện" là việc truyền dẫn, phát, thu sóng vô tuyến điện, bao gồm các nghiệp vụ vô tuyến điện cố định, di động, phát thanh, truyền hình, hàng không, hàng hải, dẫn đường (đạo hàng), định vị, vệ tinh, phát chuẩn và các nghiệp vụ khác.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ