Thông tư 21/2012/TT-BTTTT quy định về hoạt động của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong tổ chức quốc tế về bưu chính do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 21/2012/TT-BTTTT
Ngày ban hành 17/12/2012
Ngày có hiệu lực 01/02/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Bắc Son
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 21/2012/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY BƯU ĐIỆN VIỆT NAM TRONG CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ VỀ BƯU CHÍNH

Căn cứ Luật bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật bưu chính;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Quyết định số 41/2011/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định doanh nghiệp thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu chính quốc tế;

Căn cứ Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Bưu chính Việt Nam từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bưu chính;

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định về hoạt động của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong các tổ chức quốc tế về bưu chính,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về vai trò, nội dung, quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khi tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế về bưu chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong các tổ chức quốc tế về bưu chính.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Điều ước quốc tế về bưu chính mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là điều ước quốc tế), gồm hiến chương, công ước, các thể lệ, các hiệp định, các nghị định thư cuối cùng và các quy chế, quy định khác của các tổ chức quốc tế về bưu chính.

2. Dịch vụ bưu chính quốc tế và các dịch vụ khác trong khuôn khổ điều ước quốc tế về bưu chính (sau đây gọi là dịch vụ bưu chính quốc tế) là các tác nghiệp hoặc dịch vụ bưu chính được quy định trong các điều ước quốc tế.

Điều 4. Các tổ chức quốc tế về bưu chính

Các tổ chức quốc tế về bưu chính mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (sau đây gọi là các tổ chức quốc tế về bưu chính) bao gồm:

1. Liên minh Bưu chính Thế giới, gồm Đại hội, Hội đồng Điều hành, Hội đồng Khai thác Bưu chính, Văn phòng Quốc tế và các ủy ban, hiệp hội trực thuộc.

2. Liên minh Bưu chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm Đại hội, Hội đồng Chấp hành, Văn phòng và các cơ quan, hiệp hội trực thuộc.

Điều 5. Doanh nghiệp được chỉ định tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế về bưu chính

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp được Nhà nước chỉ định thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế và tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế về bưu chính trong khuôn khổ điều ước quốc tế về bưu chính quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 6. Các nội dung tham gia hoạt động của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong các tổ chức quốc tế về bưu chính

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế về bưu chính với các nội dung sau:

1. Cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế trong khuôn khổ điều ước quốc tế về bưu chính.

2. Tham gia Hội đồng Khai thác Bưu chính và các hiệp hội trực thuộc các tổ chức quốc tế về bưu chính.

3. Thực hiện các dự án, chương trình hợp tác kỹ thuật, hoạt động phát triển bền vững về bưu chính trong phạm vi toàn cầu, khu vực.

[...]