Thông tư 17/2013/TT-BTTTT quy định về hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 17/2013/TT-BTTTT
Ngày ban hành 02/08/2013
Ngày có hiệu lực 01/10/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Bắc Son
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2013/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2013

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐIỂM BƯU ĐIỆN - VĂN HÓA XÃ

Căn cứ Luật bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Quyết định số 119/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 41/2011/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định doanh nghiệp thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu chính quốc tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bưu chính,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định về hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã bao gồm: cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, các dịch vụ kinh doanh khác và tổ chức hoạt động đọc sách, báo chí, ấn phẩm (sau đây gọi tắt là sách, báo) tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã; tiếp nhận, triển khai các chương trình, dự án phục vụ phát triển thông tin và truyền thông tại khu vực nông thôn và các chương trình, dự án khác của Nhà nước về nông thôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã.

Điều 3. Điểm Bưu điện -Văn hóa xã

1. Điểm Bưu điện - Văn hóa xã là điểm phục vụ thuộc mạng bưu chính công cộng do Nhà nước giao Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng, duy trì, quản lý để cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích và các dịch vụ kinh doanh khác theo định hướng phát triển của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động đọc sách, báo phục vụ cộng đồng.

2. Điểm Bưu điện - Văn hóa xã là điểm được ưu tiên lựa chọn để:

a) Cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trong Chương trình viễn thông công ích;

b) Đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước theo quy định về quản lý thuê bao di động trả trước;

c) Tổ chức triển khai các chương trình, dự án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn và các chương trình, dự án khác của Nhà nước về nông thôn phù hợp quy định về hoạt động tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã.

3. Việc quy hoạch hệ thống điểm Bưu điện - Văn hóa xã do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định trên cơ sở đề xuất của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Điều 4. Nhân viên điểm Bưu điện - Văn hóa xã

1. Nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã phải đáp ứng các điều kiện cơ bản sau đây:

a) Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; riêng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tối thiểu phải có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở;

b) Được đào tạo cơ bản về các nghiệp vụ bưu chính và tổ chức phục vụ đọc sách, báo;

c) Thực hiện đúng các thỏa thuận cam kết với doanh nghiệp được giao quản lý hệ thống điểm Bưu điện - Văn hóa xã.

2. Nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã được hưởng thù lao cung cấp dịch vụ, phục vụ đọc sách báo, bảo quản tài sản theo thỏa thuận với doanh nghiệp được giao quản lý hệ thống điểm Bưu điện - Văn hóa xã và các chế độ thù lao khác (nếu có).

[...]