Thông tư 21/2008/TT-BTC hướng dẫn phương thức và mức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 21/2008/TT-BTC |
Ngày ban hành | 04/03/2008 |
Ngày có hiệu lực | 31/03/2008 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Trương Chí Trung |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Giao thông - Vận tải |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2008/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2008 |
Căn cứ Nghị định
số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một
số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ về quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 84/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về
phương thức và mức thu phí, giá thuê sử dụng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu
tư;
Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức thu phí và mức thu phí, giá thuê sử dụng kết
cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư như sau:
1. Thông tư này hướng dẫn về phương thức thu phí và mức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
3. Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư bao gồm:
- Hệ thống cầu, cống, hầm các loại.
- Hệ thống đường: đường sắt chính tuyến, đường sắt trong ga, đường sắt vào bãi hàng hoá, đường sắt xếp dỡ hàng hoá, các đoạn đường bộ vào ga và các đoạn đường bộ vào bãi hàng thuộc hệ thống đường của ngành đường sắt quản lý, ghi, kè, hàng rào đường sắt, hệ thống thoát nước, tường chắn, hệ thống cọc mốc biển báo, công trình tác nghiệp đầu máy, toa xe và các công trình phụ trợ khác cần thiết cho việc tổ chức chạy tàu.
- Các thiết bị thuộc hệ thống thông tin, tín hiệu: Tín hiệu ra, vào ga, hệ thống cáp tín hiệu, hệ thống cáp thông tin, thiết bị khống chế chạy tàu, hệ thống điều khiển và khống chế tập trung, hệ thống các đường truyền tải, hệ thống nguồn, các trạm tổng đài, nhà trực thông tin tín hiệu-điện, hệ thống cấp điện.
- Hệ thống kiến trúc: Nhà khách đợi tàu, nhà bán vé, nhà kho hành lý, hàng hoá, quảng trường ga, sân ga, hàng rào khu ga, cánh dơi, bãi hàng, chòi gác ghi, chòi gác chắn, chòi gác cầu, chòi gác hầm, các thiết bị gác chắn đường ngang.
4. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác về phí, giá thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
II. PHÍ SỬ DỤNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA DO NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ
1. Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Hàng tháng, trong vòng 20 ngày đầu của tháng tiếp theo, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm kê khai khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt phải nộp là 8% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện trong tháng với cơ quan thuế nơi đóng trụ sở chính theo Mẫu 01/PHLP ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.
2. Chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải nộp tiền phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt vào Ngân sách Trung ương theo chương, loại, khoản, mục và tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành tại Kho bạc nhà nước trên địa bàn.
3. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt được hạch toán khoản tiền phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt phải nộp vào chi phí hợp lý kinh doanh vận tải đường sắt khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
4. Chậm nhất không quá ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm kê khai quyết toán với cơ quan thuế nơi đóng trụ sở chính khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt theo mẫu 02/PHLH ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính.
III. GIÁ THUÊ SỬ DỤNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA DO NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ
1. Danh mục dịch vụ Nhà nước quy định khung giá.
Danh mục dịch vụ quy định trong khung giá cho thuê công trình kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (không liên quan đến chạy tàu) bao gồm:
- Dịch vụ cho thuê kho, bãi;
- Dịch vụ cho thuê địa điểm bán hàng;
- Dịch vụ cho thuê địa điểm quảng cáo;
- Dịch vụ khác có sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.
2. Trình tự lập, trình, thẩm định phương án khung giá.
2.1. Tổng công ty đường sắt Việt Nam lập phương án khung giá, trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, thẩm định và có ý kiến bằng văn bản đề nghị Bộ Tài chính quy định khung giá dịch vụ cho thuê sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
2.2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá bao gồm:
- Công văn của Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính quy định khung giá dịch vụ cho thuê sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.