Luật Đường sắt 2005

Số hiệu 35/2005/QH11
Ngày ban hành 14/06/2005
Ngày có hiệu lực 01/01/2006
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

QUỐC HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do -Hạnh phúc

Số: 35/2005/QH11

Hà Nội ,ngày 14 tháng 6 năm 2005

 

LUẬT

ĐƯỜNG SẮT CỦA QUỐC HỘI  NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 35/2005/QH11 NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2005  

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về hoạt động đường sắt.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quy tắc, tín hiệu giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bao gửi là hàng hoá được gửi theo bất kỳ chuyến tàu khách nào mà người gửi không đi cùng chuyến tàu đó.

2. Cầu chung là cầu có mặt cầu dùng chung cho cả phương tiện giao thông đường sắt và phương tiện giao thông đường bộ.

3. Chạy tàu là hoạt động để điều khiển sự di chuyển của phương tiện giao thông đường sắt.

4. Chứng vật chạy tàu là bằng chứng cho phép phương tiện giao thông đường sắt được chạy vào khu gian. Chứng vật chạy tàu được thể hiện bằng tín hiệu đèn màu, tín hiệu cánh, thẻ đường, giấy phép, phiếu đường.

5. Công lệnh tải trọng là quy định về tải trọng tối đa cho phép trên một trục và tải trọng rải đều tối đa cho phép theo chiều dài của phương tiện giao thông đường sắt được quy định trên từng cầu, đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.

6. Công lệnh tốc độ là quy định về tốc độ tối đa cho phép phương tiện giao thông đường sắt chạy trên từng cầu, đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.

7. Công trình đường sắt là công trình xây dựng phục vụ giao thông vận tải đường sắt, bao gồm đường, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, ga, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện và các công trình, thiết bị phụ trợ khác của đường sắt.

8. Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, được Bộ Giao thông vận tải cho phép xây dựng và khai thác.

9. Ga đường sắt là nơi để phương tiện giao thông đường sắt dừng, tránh, vượt, xếp, dỡ hàng hoá, đón trả khách, thực hiện tác nghiệp kỹ thuật và các dịch vụ khác. Ga đường sắt có nhà ga, quảng trường, kho, bãi hàng, ke ga, tường rào, khu dịch vụ, trang thiết bị cần thiết và các công trình đường sắt khác.

10. Hàng siêu trọng là hàng không thể tháo rời, có tải trọng vượt quá tải trọng cho phép của toa xe, tuyến đường.

11. Hàng siêu trường là hàng không thể tháo rời, có kích thước vượt quá khổ giới hạn đầu máy, toa xe của khổ đường tương ứng.

12. Hoạt động đường sắt là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển, kinh doanh đường sắt, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt và những hoạt động khác có liên quan.

13. Ke ga là công trình đường sắt trong ga đường sắt để phục vụ hành khách lên, xuống tàu, xếp, dỡ hàng hóa.

14. Kết cấu hạ tầng đường sắt là công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

15 Khổ đường sắt là khoảng cách ngắn nhất giữa hai má trong của đường ray.

16. Khu đoạn là tập hợp một số khu gian và ga đường sắt kế tiếp nhau phù hợp với tác nghiệp chạy tàu.

[...]