Thông tư 170/2004/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 119/2004/NĐ-CP về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương do Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 170/2004/TT-BQP
Ngày ban hành 15/12/2004
Ngày có hiệu lực 09/01/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Phạm Văn Trà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 170/2004/TT-BQP

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2004

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 170/2004/TT-BQP NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 119/2004/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 5 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG Ở CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ VÀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 11 tháng 5 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2004/NĐ-CP về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương (sau đây gọi tắt là Nghị định 119/CP; các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương gọi tắt là các Bộ, ngành, địa phương)
Căn cứ vào khoản 1 Điều 22 của Nghị định 119/CP, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số nội dung chủ yếu như sau:

I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VỀ CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG

1. Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 119/CP quy định: "chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân và thực thiện công tác GDQP toàn dân cho cán bộ công chức và người lao động trong các cơ quan; đơn vị thuộc Bộ, ngành quản lý; phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng (KTQP) cho các đối tượng cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật", để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trên, các Bộ, ngành cần triển khai những công việc sau:

1.1. Chỉ đạo thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức và người lao động thuộc Bộ, ngành quản lý bằng các hình thức, biện pháp, nội dung phù hợp với đặc điểm tính chất hoạt động công tác, sản xuất, kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị nhằm làm cho cán bộ, công chức và người lao động có nhận thức đúng về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nêu cao ý thức cảnh giác và trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại cơ quan, đơn vị doanh nghiệp của mình.

1.2. Căn cứ vào nội dung, chương trình, giáo trình GDQP và bồi dưỡng KTQP do Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia ban hành; từng Bộ, ngành và từng cấp xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, hình thức và công tác bảo đảm thực hiện nhiệm vụ GDQP, bồi dưỡng KTQP có hiệu quả thiết thực.

1.3. Thực hiện tốt việc bố trí, phân công cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành học tập môn GDQP và thực hiện bồi dưỡng KTQP theo phân cấp và quy định của Chính phủ.

2. Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 119/CP quy định: "Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển tinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ động viên các nguồn lực của Bộ, ngành để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống", để thực hiện nhiệm vụ trên, yêu cầu các Bộ, ngành triển khai những công việc sau:

2.1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng đánh giá, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng trên các vùng chiến lược và lập kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong các tình huống. Trong quy hoạch kinh tế - xã hội của ngành cần gắn với yêu cầu xây dựng, tích lũy tiềm lực đáp ứng cho quốc phòng theo phạm vi chức năng của ngành, lĩnh vực.

2.2. Thực hiện các kế hoạch và nhu cầu quốc phòng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ hàng năm và đột xuất, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở về các mặt nhân lực, vật tư, thiết bị, vận chuyển, đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội, thiết kế và tổ chức sản xuất sản phẩm phục vụ cho quốc phòng.

2.3. Chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân phần chuyên ngành mình theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao. Kế hoạch này phải đáp ứng nhu cầu quốc phòng về lực lượng, vật chất, phương tiện theo quy định, bảo đảm nhu cầu tối thiểu của nhân dân khi có chiến tranh, chuyển nhanh nền kinh tế từ thời bình sang tình trạng khẩn cấp hoặc thời chiến một cách có tổ chức, có kế hoạch, hạn chế đến mức thấp nhất mọi thiệt hại do địch gây ra.

3. Tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 119/CP quy định: "Phối hợp với Bộ quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân; xây dựng cơ quan, đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc", để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, các Bộ, ngành cần phối hợp chỉ dạo thực hiện những nội dung sau:

3.1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các cơ quan quản lý ngành thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong xây dựng KVPT, kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng kế hoạch B, kế hoạch động viên, chuẩn bị cơ sở hậu cần, kỹ thuật tại chỗ; chỉ đạo việc diễn tập theo chuyên ngành về quốc phòng - an ninh (QPAN) và tham gia diễn tập cùng các ban, ngành theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân các cấp.

3.2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành tham gia với các quân khu, địa phương xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng thế trận, QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND) nhất là trên các địa bàn trọng điểm, xung yếu.

3.3. Giải quyết các kiến nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực.

3.4. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân và cơ quan quân sự địa phương (QSĐP) các tỉnh (thành phố), huyện (quận) tổ chức kiểm tra và đôn đốc hướng dẫn các cơ sở thuộc Bộ, ngành quản lý ở các địa phương để thực hiện nhiệm vụ xây dựng tỉnh thành phố thành KVPT vững chắc.

4. Tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 119/CP quy định: "Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành phối hợp với cơ quan quân sự địa phương thực hiện công tác tổ chức huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ, quản lý, huy động lực lượng dự bị động viên, tuyển quân và tham gia xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Thực hiện công tác phòng thủ dân sự, động viên công nghiệp huy động tiềm lực khoa học công nghệ của Nhà nước cho công tác quốc phòng", để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, các Bộ, ngành cần tập trung triển khai những công việc sau:

4.1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền trong tổ chức, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ theo Pháp lệnh DQTV và hướng dẫn của cơ quan quân sự địa phương nơi đặt trụ sở.

4.2. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương và đơn vị quân đội nhận nguồn, đăng ký, quản lý nguồn động viên sẵn sàng nhập ngũ; thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; sắp xếp, biên chế; quản lý quân nhân dự bị theo Pháp lệnh về Dự bị động viên (DBĐV). Chỉ đạo việc thực hiện Pháp lệnh về Động viên công nghiệp (ĐVCN) đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền.

4.3. Căn cứ chỉ tiêu của Chính phủ giao về động viên phương tiện, thiết bị, về xây dựng các đơn vị chuyên môn dự bị để lập kế hoạch động viên của ngành mình, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đó; hướng dẫn và theo dõi các đơn vị cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo các chỉ tiêu được phân bổ.

4.4. Tổ chức và huy động lực lượng thực hiện công tác phòng thủ dân sự ở địa phương, cơ sở nhất là trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, cứu hộ, cứu nạn.

4.5. Tổ chức nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và huy động tiềm lực khoa học công nghệ của ngành, lĩnh vực vừa bảo đảm cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội vừa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu quốc phòng khi cần thiết.

5. Tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 119/CP quy định: "Thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo đảm ngân sách đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; thực hiện chính sách hậu phương quân đội và các chính sách khác có liên quan đến công tác quốc phòng", để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, các Bộ, ngành cần triển khai những công việc sau:

5.1. Chỉ đạo thực hiện việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách bảo đảm cho công tác quốc phòng, quân sự của Bộ, ngành hàng năm theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành.

5.2. Theo phạm vi chức năng của Bộ, ngành, nghiên cứu đề xuất tham gia ý kiến với Nhà nước trong việc ban hành các chính sách kinh tế, xã hội có liên quan đến việc củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

5.3. Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện các chính sách về củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang, chính sách hậu phương quân đội, chính sách đối với lực lượng tự vệ, DBĐV và các chính sách khác có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo quy định của pháp luật

6. Tại khoản 6 Điều 4 Nghị định 119/CP quy định: "Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng hàng năm và từng thời kỳ tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng", để thực nhiệm vụ trên yêu cầu các Bộ, ngành cần phối hợp thực hiện những công việc sau:

[...]