CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
19/CP
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 3 năm 1994
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 19/CP NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 1994 VỀ CÔNG TÁC
QUỐC PHÒNG Ở CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ VÀ CÁC ĐỊA
PHƯƠNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Điều 44, 46, 112 của
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để không ngừng củng cố nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo
vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1-
Chính phủ thống nhất quản lý công tác quốc phòng trong phạm vi cả nước theo quy
định của pháp luật.
Điều 2-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện công tác quốc phòng theo chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 3-
Công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ở các
địa phương bao gồm các vấn đề về giáo dục, động viên, tổ chức toàn dân làm công
tác quốc phòng, xây dựng và bảo vệ tiềm lực quốc phòng, chuẩn bị cho đất nước sẵn
sàng đối phó với thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ
xã hội chủ nghĩa, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, là một bộ phận quan trọng
trong toàn bộ công tác quốc phòng của Nhà nước.
Điều 4-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương phải phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể nhân dân tổ chức thực hiện công tác quốc phòng.
Chương 2:
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA
CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH,
THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VỀ CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG
Điều 5-
Nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về công tác quốc
phòng:
1. Kết hợp chặt chẽ giữa phát
triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng và an ninh, lập kế hoạch động viên
của ngành để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
trong mọi tình huống.
2. Phối hợp cùng các địa phương
tổ chức xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc.
3. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
xây dựng lực lượng tự vệ và tổ chức lực lượng tự vệ hoạt động xây dựng và quản
lý lực lượng dự bị động viên, thực hiện công tác tuyển quân và động viên công
tác phòng thủ theo sự hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và của cơ quan quân sự địa
phương.
4. Thực hiện các chính sách về củng
cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang, chính sách hậu phương quân đội.
Điều 6-
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành giúp
Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước về công tác quốc phòng; chỉ đạo hướng dẫn
và kiểm tra đôn đốc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về công tác quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ huy
các lực lượng vũ trang, chỉ đạo công tác tuyển quân, động viên cho quân đội và các
công tác quốc phòng khác. Trong quá trình hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, nếu
phát hiện các việc làm không đúng quy định của Nhà nước về công tác quốc phòng
thì có quyền chấn chỉnh, uốn nắn hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết.
Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện công tác quốc phòng ở ngành mình, chỉ đạo
các cơ quan và đơn vị trực thuộc mình thực hiện công tác quốc phòng; phát hiện
và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng những vấn đề cần
sửa đổi, bổ sung để việc chỉ đạo công tác quốc phòng thống nhất, đồng bộ và hiệu
quả.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng chỉ đạo các ngành, các cấp lập kế hoạch quốc phòng của địa phương, của
ngành và kế hoạch động viên ngành kinh tế quốc dân cho quốc phòng, tổng hợp
trình Chính phủ duyệt.
b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ
chức thực hiện các vấn đề có liên quan về kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách
nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn, đảm bảo và kiểm tra việc
thực hiện kế hoạch ngân sách của Nhà nước về quốc phòng ở Trung ương và các địa
phương.
Tổng thanh tra Nhà nước có trách
nhiệm phối hợp với thanh tra Bộ Quốc phòng, thanh tra các ngành định kỳ thanh
tra việc thực hiện công tác quốc phòng ở địa phương, ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ
và cơ quan thuộc Chính phủ.
Điều 7-
Nhiệm vụ của các địa phương về công tác quốc phòng:
1. Thực hiện việc giáo dục quốc
phòng ở địa phương.
2. Xây dựng tỉnh, thành phố, huyện,
quận thành khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu phòng thủ của địa
phương và cả nước trong mọi tình huống.
3. Chỉ đạo lực lượng vũ trang địa
phương phối hợp với công an nhân dân giữ vững an ninh chính trị và trật tự an
toàn xã hội.
4. Xây dựng bộ đội địa phương với
số lượng thích hợp, chất lượng cao, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp
làm nòng cốt cho khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.
5. Đăng ký, bảo quản nguồn động
viên và xây dựng lực lượng dự bị, thực hiện công tác tuyển quân và động viên, bảo
đảm cho việc xây dựng và phát triển quân đội nhân dân.
6. Thi hành mọi chủ trương chính
sách, pháp luật về củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, chính sách hậu phương
quân đội, động viên sức người, sức của ở địa phương cho công cuộc xây dựng, củng
cố quốc phòng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Điều 8-
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm trước Hội đồng nhân dân cấp mình và trước Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ
đạo thực hiện công tác quốc phòng ở địa phương.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình về công
tác quốc phòng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương 3:
TỔ CHỨC VÀ MỐI QUAN HỆ VỀ
CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG
Điều 9-
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính có Vụ Quốc phòng -
an ninh, Bộ Giáo dục - Đào tạo có Vụ Giáo dục quốc phòng. Các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ theo nhu cầu công tác quốc phòng phải bố trí
cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong Vụ Kế hoạch hoặc cơ quan tương ứng
làm công tác quốc phòng.
Cán bộ làm công tác quốc phòng
do cơ quan chủ quản chọn trong số cán bộ của cơ quan, hoặc đề nghị Bộ Quốc
phòng cử sỹ quan biệt phái.
Điều 10-
Thủ trưởng cơ quan quân sự ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành, các đoàn thể
làm tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp mình chỉ đạo thực hiện công tác
quốc phòng; trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương.
Ở xã, phường, đơn vị cơ sở Nhà
nước có Ban chỉ huy quân sự với chức năng và tổ chức theo quy định ở Điều 11 của
Điều lệ dân quân tự vệ ban hành kèm theo Nghị định số 29/HĐBT ngày 29 tháng 01
năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Điều 11-
Quan hệ giữa Bộ Quốc phòng với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
về công tác quốc tác phòng được quy định như sau:
Hàng năm và từng thời kỳ Bộ Quốc
phòng thông báo cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về tình
hình, âm mưu địch có liên quan và nhiệm vụ công tác quốc phòng.
Bộ Quốc phòng đề xuất các yêu cầu
về kết hợp kinh tế với quốc phòng trong các dự án quy hoạch chiến lược, kế hoạch
kinh tế - xã hội dài hạn; lập nhu cầu trong chiến tranh gửi Uỷ ban Kế hoạch Nhà
nước và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để Uỷ ban Kế hoạch
Nhà nước tổng hợp và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ mức đáp ứng nhu cầu quốc
phòng trong kế hoạch hàng năm.
Bộ Quốc phòng hướng dẫn và bồi
dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quốc
phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và xây dựng mối quan
hệ công tác với các cơ quan này.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ hàng năm và từng thời kỳ thông báo cho Bộ Quốc phòng về kế
hoạch kinh tế - xã hội, các dự án kinh tế - xã hội quan trọng có liên quan đến
quốc phòng.
Đối với những vấn đề có liên
quan trực tiếp đến công tác quốc phòng, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ cần trao đổi ý kiến với Bộ Quốc phòng trước khi trình Chính phủ.
Hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phản ánh cho Bộ Quốc phòng về kết quả thực hiện
công tác quốc phòng.
Điều 12-
Quan hệ giữa Bộ Quốc phòng với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương về công tác quốc phòng được quy định như sau:
Căn cứ vào kế hoạch chỉ đạo của
Bộ Quốc phòng, Tư lệnh các Quân khu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn các
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai thực hiện công tác quốc phòng; hàng
năm thông báo cho Uỷ ban nhân dân các địa phương về tình hình, âm mưu địch và
bàn bạc thống nhất với Uỷ ban nhân dân các địa phương về kết hợp kinh tế với quốc
phòng.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố hàng năm thông báo cho Tư lệnh Quân khu kế hoạch kinh tế - xã hội có liên
quan đến quốc phòng. Hàng năm giữa Bộ Tư lệnh Quân khu và Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hội nghị liên tịch bàn về
công tác quốc phòng.
Đối với những vấn đề có liên
quan trực tiếp đến quốc phòng, Uỷ ban nhân dân cần trao đổi ý kiến với Tư lệnh
Quân khu trước khi trình lên cấp trên.
Cơ quan quân sự địa phương phải
chấp hành chế độ thỉnh thị, báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp mình và cơ
quan quân sự cấp trên.
Điều 13-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương khi báo cáo kết quả các mặt công tác hàng năm
và từng thời kỳ lên Chính phủ phải có phần nhận xét về thực hiện công tác quốc
phòng của cơ quan mình, địa phương mình.
Chương 4:
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI
CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG Ở CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ VÀ Ở
CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Điều 14-
Kinh phí cho công tác quốc phòng ở các địa phương được trích từ ngân sách địa
phương. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ quy định tỷ lệ
trích, đáp ứng nhu cầu cần thiết của công tác quốc phòng ở các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương trong từng năm.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc động viên các đoàn thể
nhân dân, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và nhân dân đóng góp kinh phí
theo khả năng và hình thức thích hợp để hỗ trợ cho ngân sách quốc phòng - an
ninh ở địa phương.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp
có trách nhiệm quản lý và sử dụng chặt chẽ nguồn huy động đóng góp này.
Kinh phí cho công tác quốc phòng
ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ các cơ quan thuộc Chính phủ do ngân sách Nhà nước
hàng năm phân bổ cho từng cơ quan.
Các doanh nghiệp Nhà nước, tập
thể và tư nhân trích kinh phí phục vụ cho công tác quốc phòng ở đơn vị mình.
Điều 15-
Nhà nước có chế độ chính sách về xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc
phòng, chính sách hậu phương quân đội, chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh
thần đối với cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, quân dự bị động viên trong thời
gian thoát ly sản xuất để làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự, chiến đấu và phục vụ
chiến đấu, nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự thì được
hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
Các cơ quan Nhà nước, tổ chức
kinh tế, tổ chức xã hội, cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, quân dự bị động viên
và nhân dân có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo
vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được xét khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16-
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế cho Chỉ thị số 108 ngày 16
tháng 7 năm 1971 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 165/CP ngày 23 tháng 04
năm 1981 của Hội đồng Chính phủ.
Điều 17-
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc
thực hiện Nghị định này.
Điều 18-
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này.