Nghị định 15/2001/NĐ-CP về Giáo dục quốc phòng

Số hiệu 15/2001/NĐ-CP
Ngày ban hành 01/05/2001
Ngày có hiệu lực 16/05/2001
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Giáo dục

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 5 năm 2001

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 15/2001/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 5 NĂM 2001 VỀ GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 11 tháng 12 năm 1998;
Để nâng cao kiến thức về quốc phòng, tăng cường xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:


Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định những nội dung cơ bản của công tác Giáo dục quốc phòng cho học sinh trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, sinh viên các trường cao đẳng, đại học trong nhà trường thuộc các loại hình công lập, bán công, dân lập, tư thục; học viên trong các trường của cơ quan hành chính Nhà nước, của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội (gọi tắt là trường chính trị, hành chính, đoàn thể); cán bộ, công chức lãnh đạo chủ chốt các cấp; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; cơ cấu tổ chức, chế độ chính sách đối với công tác Giáo dục quốc phòng.

Điều 2. Vị trí, tính chất của công tác Giáo dục quốc phòng

1. Giáo dục quốc phòng thuộc nội dung của nền giáo dục quốc gia, là nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa.

2. Giáo dục quốc phòng là môn học chính khoá trong các trường, lớp đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; các trường chính trị, hành chính và đoàn thể.

Điều 3. Mục tiêu Giáo dục quốc phòng

Giáo dục quốc phòng nhằm góp phần đào tạo con người phát triển toàn diện, có đạo đức, sức khoẻ và kiến thức quốc phòng, kỹ năng quân sự cần thiết để tham gia vào sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân.

Điều 4. Yêu cầu về Giáo dục quốc phòng

1. Giáo dục quốc phòng phải hợp lý, đồng bộ, thống nhất bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng.

2. Giáo dục quốc phòng phải được thực hiện theo chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực có hệ thống, phù hợp với mục tiêu giáo dục của từng bậc học, cấp học.

Điều 5. Nguyên lý Giáo dục quốc phòng

Phải quán triệt và thực hiện đúng nguyên lý giáo dục của Đảng, Nhà nước; giáo dục phải có tính nhân dân, tính truyền thống của dân tộc, tính khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại, giáo dục lý thuyết đi đôi với thực hành.

Chương 2:

ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, THỜI GIAN, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG

Điều 6. Đối tượng, nội dung Giáo dục quốc phòng

1. Học sinh trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, sinh viên cao đẳng, đại học thuộc các loại hình công lập, bán công, dân lập, tư thục; nội dung Giáo dục quốc phòng gồm một số kiến thức cơ bản, cần thiết về: kỹ thuật, chiến thuật quân sự, phòng thủ dân sự; một số hiểu biết về Quân đội nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân, nghĩa vụ quân sự; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; quan điểm đường lối quốc phòng, công tác quốc phòng của Đảng, Nhà nước; tác động của các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực hoạt động quân sự; nghệ thuật quân sự Việt Nam; phòng chống chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam. Nội dung chương trình cụ thể cho từng đối tượng do Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

2. Học viên đào tạo trong các trường chính trị, hành chính, đoàn thể các cấp và các lớp đào tạo tại chức do các Bộ, các địa phương tổ chức. Nội dung Giáo dục quốc phòng gồm một số kiến thức cơ bản về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quốc phòng; quản lý nhà nước về quốc phòng; sự hình thành, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; chiến lược an ninh - quốc phòng một số nước liên quan đến an ninh, quốc phòng Việt Nam; phòng chống chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam; công tác tham mưu quân sự ở các Bộ, ngành và địa phương. Nội dung, chương trình cụ thể cho từng đối tượng do Bộ Quốc phòng phối hợp với các học viện, các trường chính trị, hành chính, đoàn thể Trung ương thống nhất quy định.

3. Cán bộ, công chức lãnh đạo chủ chốt các cấp của Đảng, Nhà nước.

Cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước giữ các chức vụ chủ chốt ở các cấp, được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng tại Học viện Quốc phòng hoặc ở trường Quân sự quân khu, trường Quân sự tỉnh theo phân cấp cho từng đối tượng. Nội dung, thời gian, chương trình cụ thể do Bộ Quốc phòng thống nhất với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước để quy định phù hợp với sự phát triển của tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội và quốc phòng - an ninh của đất nước trong từng thời gian.

4. Giáo dục quốc phòng cho các đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 6.

a) Học sinh Trung học cơ sở: Giáo dục quốc phòng được thực hiện ngoại khoá, vận dụng lồng ghép vào các môn học khác có nội dung gần với hoạt động quốc phòng như thể dục, giáo dục công dân, lịch sử; tổ chức tham quan các di tích lịch sử, Bảo tàng Quân đội, tổ chức hội thi, hội khoẻ Phù Đổng....

[...]