Thông tư 17-LĐ/TL năm 1958 ấn định sửa đổi chế độ thưởng hoàn thành nhiệm vụ ở các xí nghiệp Nhà nước do Bộ Lao Động ban hành.
Số hiệu | 17-LĐ/TL |
Ngày ban hành | 12/06/1958 |
Ngày có hiệu lực | 12/06/1958 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động |
Người ký | Nguyễn Văn Tạo |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
BỘ
LAO ĐỘNG |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 17-LĐ/TL |
Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 1958 |
ẤN ĐỊNH VIỆC SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ THƯỞNG HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ Ở CÁC XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: |
- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành
chính liên khu, thành phố, tỉnh |
Sau khi được Thủ tướng Phủ đồng ý và các Bộ thỏa thuận, Bộ lao động đã ra thông tư số 3-LĐ ngày 22-01-1957 tạm thời hướng dẫn thực hiện bốn loại tiền thưởng để rút kinh nghiệm, trong đó có quy định chế độ thưởng hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng đối với công nhân, và thưởng hoàn thành nhiệm vụ sau 3 tháng đối với cán bộ, nhân viên các xí nghiệp.
Qua một thời gian theo dõi việc thực hiện ở một số xí nghiệp Bộ nhận thấy chế độ thưởng hoàn thành nhiệm vụ về nội dung có những điểm chưa được cụ thể và không thích hợp, cần được sửa đổi kịp thời, nhân dịp tăng lương và cải tiến chế độ tiền lương năm nay:
a) Chế độ thưởng hoàn thành nhiệm vụ và chế độ thưởng tăng năng suất về nguyên tắc không ăn khớp với nhau. Những công nhân được thưởng tăng năng suất phải vượt mức năng suất, tức là phải vượt mức nhiệm vụ mới được thưởng. Trái lại cán bộ, nhân viên chỉ mới hoàn thành nhiệm vụ đã được thưởng.
b) Trong hoàn cảnh hiện nay, nội dung nhiệm vụ và chế độ trách nhiệm của mỗi bộ phận, mỗi cán bộ, nhân viên chưa quy định được cụ thể. Vì thế mà việc xác định thế nào là hoàn thành nhiệm vụ hay vượt mức nhiệm vụ cũng rất phức tạp khó khăn, không có căn cứ đầy đủ để khen thưởng được đúng mức, hợp lý.
Trong thời gian qua có một số xí nghiệp đã áp dụng chế độ thưởng hoàn thành nhiệm vụ sau 3 tháng, nhưng vì không quy định được nội dung công tác cụ thể cho từng bộ phận, thường dùng phương pháp bình nghị chung chung, trừu tượng để xét thưởng nên thường tràn lan, bình quân. Có nơi 100% tổng số nhân viên gián tiếp đã được thưởng, trong khi đó diện thưởng tăng năng suất cho công nhân lại hẹp. Do đó số tiền trích ra để thưởng nhiều mà tác dụng khuyến khích sản xuất thì ít, trái lại còn gây suy tỵ giữa công nhân trực tiếp sản xuất và nhân viên gián tiếp.
c) Tháng 1-1957 vì nhận thấy từ trước chưa có một chế độ khen thưởng nào để động viên cán bộ, nhân viên các xí nghiệp thi đua công tác, Bộ Lao động đã ban hành chế độ thưởng hoàn thành nhiệm vụ nhằm mục đích khuyến khích thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước. Nhưng đến tháng 4-1957 Thủ tướng Phủ ban hành thông tư 133-TTg về trích lập quỹ tiền thưởng (trong đó có phần thưởng cá nhân hàng quý và cuối năm cho công nhân và cán bộ nhân viên) cũng nhằm mục đích khuyến khích các đơn vị sản xuất đi vào hạch toán kinh tế và thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước. Mục đích hai chế độ cũng có chỗ giống nhau.
Căn cứ vào nhận định ở trên và sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Phủ, Bộ quyết định từ nay bãi bỏ chế độ thưởng hoàn thành nhiệm vụ sau 3 tháng (từng quý) đối với tất cả cán bộ, nhân viên các xí nghiệp nhà nước quy định tại thông tư số 3-LĐ ngày 22-01-1957 của Bộ Lao động (phần B, mục a và c).
a) Một số xí nghiệp đã thi hành chế độ thưởng hoàn thành nhiệm vụ đối với những công nhân trực tiếp sản xuất làm công việc phức tạp không ấn định mức được rõ ràng hay không cần thiết tăng số lượng (như các công nhân các bộ phận sản xuất điện, sửa chữa máy móc, chấm dầu lau chùi máy móc, vận chuyển, cung cấp vật liệu trong giây chuyền sản xuất v.v…) và đã thu được kết quả nhất định, khuyến khích công nhân cố gắng nâng cao không ngừng chất lượng công tác của mình đảm bảo hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp. Các xí nghiệp đó cần thiết tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm xây dựng tiêu chuẩn, nội dung công tác và sửa đổi nội quy khen thưởng để tiến tới củng cố chế độ khen thưởng được tốt. Tiêu chuẩn hay nội dung công tác phải đảm bảo tính chất tiền tiến có tác dụng động viên công nhân phát huy tính tích cực và sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Thông tư số 3-LĐ của Bộ Lao động quy định tỷ lệ thưởng từ 3% đến 10% lương bản thân và phụ cấp khu vực (nếu có). Các ngành các xí nghiệp sẽ căn cứ vào tính chất công tác, điều kiện hoàn thành nhiệm vụ mà quy định thưởng cao hay thấp cho thích hợp với từng nghề nghiệp. Nhưng số tiền thưởng cao nhất của một người không thể nhiều hơn số tiền thưởng cao nhất của một công nhân được thưởng tăng năng suất trong đơn vị.
b) Đối với những bộ phận công việc có thể định được mức thời gian hoặc mức sản lượng nhưng thời gian qua ở một số xí nghiệp vì không đi sâu nghiên cứu định mức hoặc vì chưa xác định rõ hình thức khen thưởng thích hợp nên đã thực hiện thưởng hoàn thành nhiệm vụ thì nay kiên quyết chuyển qua hình thức thưởng tăng năng suất đã quy định tại thông tư số 24-LĐ ngày 30-11-1957 của Bộ Lao động.
c) Đối với những bộ phận hay cá nhân làm việc linh tinh, không có quan hệ trực tiếp trong giây chuyền sản xuất thì không đặt vấn đề thưởng hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng nữa.
Đề nghị các Bộ, các Ủy ban Hành chính và cơ quan Lao động khu, thành phố, tỉnh có kế hoạch hướng dẫn các cơ sở củng cố và chấn chỉnh việc thực hiện chế độ thưởng hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng và bãi bỏ chế độ thưởng hoàn thành nhiệm vụ sau 3 tháng đồng thời theo dõi đúc rút kinh nghiệm, phát hiện những mắc mứu khó khăn của cơ sở gửi cho bộ Lao động để tiếp tục nghiên cứu đề nghị Chính phủ ban hành những chế độ thưởng thích hợp với yêu cầu sản xuất hiện nay.
Thông tư này thi hành kể từ ngày ban hành.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |