Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Thông tư 143/2009/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho xuất, cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ và viện trợ do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 143/2009/TT-BTC
Ngày ban hành 15/07/2009
Ngày có hiệu lực 29/08/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Sỹ Danh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 143/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO XUẤT, CẤP HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA ĐỂ CỨU TRỢ, HỖ TRỢ VÀ VIỆN TRỢ

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ và viện trợ như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về lập dự toán, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước chi cho công tác xuất, cấp hàng dự trữ quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và các nhiệm vụ đột xuất, bức thiết khác của Nhà nước (sau đây gọi tắt là xuất cấp hàng cứu trợ).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ xuất, cấp hàng cứu trợ từ nguồn dự trữ quốc gia có sử dụng tiền từ ngân sách Nhà nước để phục vụ xuất cấp hàng cứu trợ.

Các trường hợp xuất cấp hàng cứu trợ không sử dụng tiền từ ngân sách Nhà nước thì áp dụng theo mức chi do nhà tài trợ quy định hoặc áp dụng theo mức chi được thống nhất giữa nhà tài trợ, Bộ Tài chính và đơn vị thực hiện xuất hàng. Trường hợp chưa thoả thuận được mức chi thì áp dụng theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Phương thức và địa điểm giao, nhận hàng cứu trợ

3.1. Xuất cấp hàng cứu trợ được giao trên phương tiện người nhận tại cửa kho dự trữ hoặc giao trên phương tiện bên giao tại trung tâm tỉnh hoặc huyện, thị của địa phương nơi được nhận hàng (trừ trường hợp có quy định khác của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

3.2. Địa phương, đơn vị nhận hàng cứu trợ có trách nhiệm bố trí phương tiện, nhân lực bốc dỡ nhận hàng cứu trợ tại địa điểm giao hàng được quy định tại khoản 3.1 nêu trên.

Điều 4. Nguồn kinh phí

Kinh phí đảm bảo cho việc xuất cấp hàng cứu trợ được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Trường hợp chưa được bố trí hoặc dự toán đã giao còn thiếu thì Bộ, ngành trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Điều 5. Nội dung chi

5.1. Chi phí xuất hàng tại cửa kho dự trữ, bao gồm:

- Chi phí phục vụ cho công tác triển khai thực hiện;

- Chi kiểm tra danh mục, quy cách, số lượng, chất lượng hàng hóa; hồ sơ, tài liệu có liên quan;

- Chi đóng gói, hạ kiêu, bốc xếp qua cân, bốc giao lên phương tiện, chi phí thuê phương tiện bốc dỡ (nếu có);

- Chi lắp đặt, nổ thử máy tại chỗ, hướng dẫn sử dụng;

- Chi phí công tác phí, làm đêm, thêm giờ; thông tin liên lạc...;

- Chi mua sắm, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các trang thiết bị, dụng cụ dùng trong quá trình xuất cấp hàng cứu trợ;

- Chi phí in ấn tài liệu, văn phòng phẩm;

- Chi phí khác có liên quan đến xuất hàng tại cửa kho dự trữ.

5.2. Chi phí chỉ đạo, giao nhận, bao gồm:

- Chi hội nghị triển khai; hội nghị sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ (nếu có);

- Chi phí đi lại phục vụ cho công tác ký kết hợp đồng, giao nhận, thanh quyết toán hợp đồng giao nhận;

- Chi các hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng;

[...]