Thông tư 129/1999/TT-BTC về cơ chế quản lý vốn vay cho chương trình tín dụng chuyên ngành của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 129/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 05/11/1999
Ngày có hiệu lực 20/11/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 129/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 129/1999/TT/BTC NGÀY 05 THÁNG 11 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ VỐN VAY CHO CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHUYÊN NGÀNH CỦA NGÂN HÀNG HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN (JBIC)

Căn cứ Nghị định số 90/CP ngày 7-11-1998 của Chính phủ ban hành Qui chế vay và trả nợ nước ngoài và Nghị định 87/CP ngày 5-8-1997 của Chính phủ ban hành về qui chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA,
Căn cứ vào các Hiệp định tín dụng đã ký giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam với Quĩ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hải ngoại Nhật bản (OECF) cho Chương trình Tín dụng chuyên ngành. Quĩ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hải ngoại đã được sát nhập vào Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật bản (sau đây gọi tắt là JBIC),
Sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý nguồn vốn vay của JBIC cho chương trình Tín dụng chuyên ngành như sau:

I- QUI ĐỊNH CHUNG:

1- Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và nâng cao mức sống của dân cư (gọi tắt là Chương trình Tín dụng chuyên ngành) là chương trình sử dụng nguồn vốn vay JBIC để tiến hành xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở địa phương trong phạm vi cả nước, bao gồm các lĩnh vực theo quy định tại Hiệp định.

2- Nguồn vốn vay thuộc Chương trình Tín dụng chuyên ngành là khoản vay JBIC của Chính phủ được cân đối vào Ngân sách Nhà nước và dùng để chi đầu tư XDCB cho các tỉnh hàng năm. Các lĩnh vực, dự án thuộc Chương trình Tín dụng chuyên ngành nhưng được xác định cơ chế cho vay lại sẽ thực hiện theo Qui chế Cho vay lại ban hành theo Nghị định số 90/1998/NĐ-CP ngày 7-11-1998 của Chính phủ. Nguồn vốn này được quản lý theo qui định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật, các chế độ chi tiêu hiện hành. Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ cho phía nước ngoài khi đến hạn (bao gồm cả gốc và lãi).

3- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (được giao là Chủ Chương trình) có trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch sử dụng vốn Tín dụng Chuyên ngành cho các dự án bố trí đủ vốn đối ứng (có tham khảo tiêu chuẩn của JBIC); soạn thảo các văn bản hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương về công tác kế hoạch hoá và điều hành thực hiện các dự án ở địa phương. Chủ Chương trình thành lập Ban Quản lý chương trình chuyên trách để điều hành và giám sát việc thực hiện chương trình.

4- Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được Bộ Tài chính uỷ nhiệm thực hiện các nghiệp vụ thanh toán đối ngoại, có trách nhiệm ký thoả ước Ngân hàng với phía nước ngoài trên cơ sở của Hiệp định vay vốn JBIC.

5- UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có trách nhiệm tổ chức quản lý việc sử dụng vốn đúng chức năng của mình theo hướng dẫn của Chủ trương trình và Bộ Tài chính, phù hợp Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8-7-1999 của Chính phủ và cam kết trong Hiệp định tín dụng đã ký với JBIC.

II- NỘI DUNG CỤ THỂ:

1- Phần vốn vay của JBIC: chiếm từ 75% đến 85% giá trị công trình cho các nội dung sau:

- Phần phân bổ để thuê tư vấn nước ngoài.

- Phần phân bổ để nhập vật tư hàng hoá, thiết bị trong và ngoài nước cho các công trình.

- Phần phân bổ để thanh toán cho khối lượng thi công xây dựng công trình, thực hiện chương trình dự án trong nước.

- Phí rút vốn vay JBIC theo tỷ lệ 0,1% trên số tiền rút vốn do JBIC ghi nợ khoản vay ngay khi rút vốn.

2- Vốn đối ứng trong nước:

Vốn đối ứng trong nước có thể sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, hoặc huy động từ các nguồn khác, bảo đảm cân đối tiến độ thực hiện vốn nước ngoài trong mỗi thời kỳ kế hoạch vủa dự án. Mức vốn này phải bố trí khoảng 15-25% giá trị công trình để thanh toán cho:

- Chi phí trong nước để trả cho Người nhập khẩu: phí uỷ thác nhập khẩu, thuế nhập khẩu hàng hoá, thuế giá trị gia tăng (nếu có), chi phí tiếp nhận, cung ứng, vận chuyển hàng hoá từ cảng đến công trình (đối với dự án cần nhập khẩu hàng hoá).

- Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, thăm dò khảo sát thiết kế xây dựng dự án và phí quản lý (đối với quá trình thi công dự án).

- Phí dịch vụ ngân hàng trong nước.

- Phí bảo hiểm công trình.

- Thanh toán tiền giữ lại chờ thanh toán sau thời gian bảo hành, chờ quyết toán.

Các địa phương phải tự đảm bảo nguồn vốn đối ứng trong nước. Vốn đối ứng phải được tổng hợp trong chi cân đối ngân sách địa phương hàng năm. Nguyên tắc bố trí vốn đối ứng thực hiện như thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-BKH-BTC về cơ chế quản lý vốn đối ứng cho các chương trình dự án sử dụng vốn ODA.

3- Ký kết và thông qua hợp đồng: Việc ký kết và thông qua hợp đồng được thực hiện theo quy định dưới đây:

3.1- Đối với hợp đồng thuê tư vấn và hợp đồng mua sắm hàng hoá, vật tư thiết bị nhập khẩu:

- Chủ Chương trình chủ trì tiến hành tổ chức đấu thầu và đàm phán hợp đồng thuê tư vấn, hợp đồng mua sắm hàng hoá, vật tư thiết bị cho chương trình hoặc công trình với các nhà cung ứng hàng hoá, dịch vụ hợp lệ theo quy định của Hiệp định.

- Chủ Chương trình lựa chọn các đơn vị để uỷ thác giao dịch, ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hoá, làm các thủ tục tiếp nhận và giao hàng đến chân công trình (sau đây gọi là Nhà nhập khẩu). Chủ Chương trình trực tiếp ký kết hợp đồng thuê tư vấn nước ngoài cho cả Chương trình.

- Sau khi ký hợp đồng, Người ký hợp đồng làm hai bản sao Hợp đồng đã ký, một bản gửi cho JBIC và một bản gửi cho Bộ Tài chính để làm thủ tục thông qua hợp đồng.

[...]