Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 78/2004/TT-BTC hướng dẫn quản lý việc rút vốn đối với nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 78/2004/TT-BTC
Ngày ban hành 10/08/2004
Ngày có hiệu lực 10/09/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 78/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2004

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VIỆC RÚT VỐN ĐỐI VỚI NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA)

- Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
- Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
- Căn cứ Nghị định số 77/2003/CP-NĐ ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về quy trình và thủ tục rút vốn ODA như sau:

Phần I.

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

I. PHẠM VI ÁP DỤNG:

1. Thông tư này áp dụng đối với việc quản lý rút vốn và các vấn đề tài chính liên quan đến rút vốn nguồn ODA vay và ODA viện trợ dưới hình thức đồng tài trợ trong các chương trình, dự án ODA vay; hoặc các chương trình/dự án viện trợ độc lập có các hình thức rút vốn phù hợp với quy định của Thông tư này. Việc rút vốn đối ứng theo đúng quy trình, thủ tục quy định tại các văn bản hiện hành.

2. Đối với các chương trình, dự án ODA có đặc thù riêng, tùy theo yêu cầu quản lý, Bộ Tài chính có thể ban hành hướng dẫn cụ thể.

3. Trường hợp một số dự án viện trợ không hoàn lại phải áp dụng phương thức Nhà tài trợ trực tiếp quản lý điều hành thực hiện dự án như được quy định trong Hiệp định/văn kiện viện trợ, thì áp dụng theo Hiệp định/văn kiện ký kết với nhà tài trợ.

4. Đối với các khoản viện trợ theo hình thức tín thác cho Chính phủ quản lý, Bộ Tài chính sẽ ban hành hướng dẫn riêng.

II. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ:

Trong Thông tư này, một số từ, cụm từ sử dụng được hiểu như sau:

1. “Chương trình, dự án” là chương trình, dự án có sử dụng nguồn vốn ODA.

2. "Chủ chương trình/dự án" là tổ chức được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng để thực hiện chương trình, dự án theo nội dung đã được phê duyệt.

3. “Ban Quản lý chương trình/dự án” (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý dự án) là cơ quan đại diện cho Chủ dự án, được toàn quyền thay mặt Chủ dự án thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ được giao từ khi bắt đầu thực hiện cho đến khi kết thúc dự án, kỳ cả việc quyết toán, nghiệm thu, bàn giao đưa dự án vào khai thác, sử dụng, và thực hiện các giao dịch rút vốn, thanh toán từ các nguồn vốn của chương trình, dự án.

4. “Ngân hàng phục vụ” là một ngân hàng thương mại được lựa chọn theo quy định hiện hành hoặc theo thoả thuận riêng giữa Chính phủ và nhà tài trợ trong Điều ước quốc tế đã ký, để phục vụ chương trình, dự án trong việc mở tài khoản giao dịch, thực hiện các thủ tục rút vốn nước ngoài (nếu có giao dịch) và thực hiện các giao dịch thanh toán.

5. “Cơ quan kiểm soát chi” là:

- Kho bạc Nhà nước các cấp (theo phân cấp thực hiện của từng chương trình, dự án) thực hiện việc kiểm soát các hoạt động chi tiêu của chương trình, dự án (i) thuộc diện Ngân sách nhà nước cấp phát kinh phí hoặc của hợp phần được Ngân sách nhà nước cấp phát thuộc các chương trình, dự án tín dụng (nếu có); và (ii) các hợp phần phi tín dụng trong các chương trình, dự án tín dụng.

- Quỹ Hỗ trợ phát triển kiểm soát chi các chương trình, dự án thuộc diện Ngân sách nhà nước cho vay lại thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển theo uỷ quyền của Bộ Tài chính.

- Các dự án vừa có hợp phần được Ngân sách nhà nước cấp phát kinh phí vừa có hợp phần được Ngân sách nhà nước cho vay lại do cùng một Ban quản lý dự án thực hiện: Bộ Tài chính xác định cơ quan kiểm soát chi tuỳ tính chất dự án, đảm bảo nguyên tắc không có hai cơ quan kiểm soát chi cùng kiểm soát một hoạt động của chương trình, dự án .

6. “Kế hoạch tài chính” là kế hoạch vốn đầu tư (đối với dự án đầu tư - xây dựng cơ bản) hoặc dự toán ngân sách hàng năm (đối với dự án hành chính sự nghiệp) để thưc hiện chương trình, dự án, bao gồm vốn ODA (nước ngoài tài trợ) và vốn đối ứng (vốn trong nước).

III. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ:

1. Nguồn vốn ODA để đầu tư cho các chương trình, dự án là nguồn của Ngân sách Nhà nước, phải được hạch toán đầy đủ vào ngân sách, và quản lý theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành.

2. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý tài chính nhà nước đối với việc rút vốn thanh toán cho chương trình, dự án, thực hiện  hạch toán thu chi Ngân sách nhà nước các nguồn vốn ODA, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chế độ quản lý tài chính, quyết toán các dự án, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị thực hiện việc bàn giao tài sản, vật tư, tiền vốn của dự án khi kết thúc.

3. Chủ chương trình, dự án chịu trách nhiệm chính trước pháp luật về việc thực hiện các chương trình, dự án theo đúng các cam kết đã quy định trong các điều ước quốc tế, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thực hiện chương trình, dự án, quản lý tài chính, thực hiện chế độ hạch toán kế toán, kiểm toán, quyết toán theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Tuỳ theo tính chất của từng chương trình, dự án cụ thể (dự án đầu tư xây dựng cơ bản, dự án hành chính sự nghiệp, dự án hỗn hợp vừa có nội dung xây dựng cơ bản, vừa có nội dung hành chính sự nghiệp, dự án tín dụng...), mà áp dụng các quy trình quản lý tương ứng về lập kế hoạch tài chính, kiểm soát chi tiêu, thanh toán, kế toán, quyết toán theo quy định hiện hành.

IV. KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH

1. Kế hoạch tài chính của chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để kiểm soát rút vốn cho chương trình, dự án. Sau khi có kế hoạch tài chính được duyệt, Ban quản lý dự án gửi kế hoạch tài chính cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và Cơ quan kiểm soát chi.

[...]