Thông tư 118/2000/TT-BTC quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã, phường, thị trấn do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 118/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 22/12/2000
Ngày có hiệu lực 01/01/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 118/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 118/2000/TT-BTC NGÀY 22 THÁNG 12 NĂM 2000 QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH XÃ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH KHÁC Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật NSNN;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ về phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước và Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 87/CP ngày 19/12/1996 quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã, phường, thị trấn như sau:

Phần 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Hoạt động tài chính ở xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi chung là xã) bao gồm ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác phát sinh trên địa bàn xã.

Uỷ ban nhân dân xã tổ chức quản lý thống nhất ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã.

Quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã phải được thực hiện theo nguyên tắc tiết kiệm, dân chủ, công khai.

2. Ngân sách xã là một bộ phận của ngân sách nhà nước do Uỷ ban nhân dân xã xây dựng, quản lý; Hội đồng nhân dân xã quyết định, giám sát.

2.1. Thu ngân sách xã bao gồm các khoản thu của ngân sách Nhà nước phân cấp cho xã sử dụng và các khoản huy động đóng góp của nhân dân trên nguyên tắc tự nguyện phù hợp với quy định của pháp luật để xây dựng cơ sở hạ tầng do Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã để quản lý.

Thu ngân sách xã phân làm 3 loại: các khoản thu 100%, các khoản thu phân chia với ngân sách cấp trên và các khoản thu bổ sung từ ngân sách cấp trên.

2.2. Chi ngân sách xã bao gồm các khoản chi duy trì hoạt động của các cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể cấp xã và các khoản chi về quản lý và phát triển kinh tế - xã hội thuộc chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã.

2.3. Dự toán chi ngân sách xã được bố trí khoản dự phòng bằng 3 - 5% tổng số chi để đáp ứng các nhu cầu chi phát sinh đột xuất trong năm.

2.4. Cân đối ngân sách xã phải bảo đảm nguyên tắc chi không vượt quá nguồn thu quy định. Nghiêm cấm việc vay hoặc chiếm dụng vốn dưới mọi hình thức để cân đối ngân sách xã, trừ trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định.

3. Hoạt động tài chính khác ở xã không đưa vào ngân sách xã bao gồm: các quỹ công chuyên dùng của xã; tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã; tài chính thôn bản (chủ yếu thu, chi từ các khoản đóng góp của dân trên nguyên tắc tự nguyện do thôn bản tự huy động) và một số hoạt động tài chính khác.

4. Mọi khoản thu, chi ngân sách xã được thực hiện qua kho bạc nhà nước và được quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Xã được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước để gửi các khoản tiền không thuộc ngân sách xã, Kho bạc nhà nước không kiểm soát các khoản tiền này.

Đối với các xã có khó khăn ở miền núi và vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện quản lý thu, chi trực tiếp qua Kho bạc nhà nước; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (dưới đây gọi chung là tỉnh) phải có phương án cụ thể trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định cơ chế quản lý phù hợp và báo cáo Bộ Tài chính.

5. Thu, chi ngân sách xã phải hạch toán kế toán theo mục lục ngân sách nhà nước áp dụng đối với xã và chế độ kế toán ngân sách xã; các khoản thu, chi tài chính khác của xã phải hạch toán rành mạch theo từng loại hoạt động.

6. Uỷ ban nhân dân xã tổ chức quản lý thống nhất các hoạt động tài chính có liên quan đến các loại tài sản công của xã, tài sản của nhà nước và tài sản vắng chủ (nếu xã được giao quản lý) theo chế độ quy định.

Phần 2

NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI VÀ QUY TRÌNH QUẢN LÝ NGÂN SÁCH XÃ

I. NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI CỦA NGÂN SÁCH XÃ:

1. Nguồn thu của ngân sách xã:

1.1. Các khoản thu một trăm phần trăm (100%):

(1) Thuế môn bài thu từ các cá nhân, hộ kinh doanh từ bậc 4 đến bậc 6, kể cả số thu khoán (không áp dụng đối với phường);

(2) Các khoản phí, lệ phí quy định thu vào ngân sách xã;

(3) Chênh lệch thu lớn hơn chi từ các hoạt động sự nghiệp có thu của xã;

(4) Thu đấu thầu, thu khoán theo mùa vụ từ quỹ đất công ích 5% và hoa lợi công sản khác do xã quản lý;

[...]