BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11/2015/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 04 năm 2015
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH KIỂM TRA THIẾT BỊ TÍN HIỆU ĐUÔI TÀU THAY THẾ TOA XE TRƯỞNG TÀU TRÊN CÁC
ĐOÀN TÀU HÀNG
Căn cứ Luật Đường sắt năm 2005;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm
2007;
Căn cứ Nghị định số 14/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm
2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công
nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông
tư quy định kiểm tra thiết bị tín hiệu đuôi tàu thay thế toa xe trưởng tàu trên
các đoàn tàu hàng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về việc kiểm tra thiết bị
tín hiệu đuôi tàu khi thay thế toa xe trưởng tàu trên các đoàn tàu hàng (sau
đây viết tắt là Thiết bị tín hiệu đuôi tàu) hoạt động trên đường sắt quốc gia,
đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.
2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có
liên quan đến việc nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, quản lý và sử dụng
Thiết bị tín hiệu đuôi tàu hoạt động trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên
dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Thiết bị tín hiệu đuôi tàu là thiết bị điện
tử được sử dụng trên các đoàn tàu hàng không có toa xe trưởng tàu. Thiết bị gồm
hai bộ phận cơ bản: bộ phận tại đuôi tàu và bộ phận tại buồng lái để giúp lái
tàu giám sát áp suất ống hãm và thực hiện hãm khẩn tại vị trí toa xe cuối đoàn
xe trong quá trình vận hành.
2. Bộ phận tại đuôi tàu là bộ phận được lắp
đặt tại vị trí cuối đoàn tàu có các chức năng báo áp suất ống hãm, xả gió tại
toa xe cuối đoàn tàu để thực hiện nhập khẩu, báo tín hiệu đuôi tàu và truyền dữ
liệu tại đuôi tàu về bộ phận điều khiển ở buồng lái đầu máy bằng sóng vô tuyến.
3. Bộ phận tại buồng lái là bộ phận được lắp
đặt tại buồng lái của đầu máy kéo tàu có chức năng điều khiển bộ phận giám sát
tại đuôi tàu thực hiện xả gió để hãm khẩn tại toa xe cuối đoàn tàu, thu nhận
thông tin dữ liệu từ bộ giám sát tại đuôi tàu để hiển thị cho tài xế theo dõi
trong quá trình vận hành đoàn tàu.
4. Đơn vị quản lý, sử dụng Thiết bị tín hiệu
đuôi tàu là tổ chức có nhiệm vụ quản lý, sử dụng Thiết bị tín hiệu đuôi tàu
phục vụ cho công tác vận hành các đoàn tàu hàng.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT
Điều 3. Yêu cầu chung
Thiết bị tín hiệu đuôi tàu phải đảm bảo các yêu cầu
sau:
1. Giám sát được áp suất ống hãm tại toa xe cuối
đoàn tàu;
2. Giám sát được trạng thái kết nối toa xe trong
quá trình đoàn tàu vận hành;
3. Ghi lại áp suất ống hãm tại toa xe cuối đoàn tàu
trong quá trình vận hành;
4. Điều khiển việc xả gió ống hãm tại toa xe cuối
đoàn tàu để thực hiện hãm khẩn cấp;
5. Báo tín hiệu đuôi tàu.
Điều 4. Yêu cầu kỹ thuật
Thiết bị tín hiệu đuôi tàu phải bảo đảm các yêu cầu
kỹ thuật sau:
1. Thiết bị tín hiệu đuôi tàu phải gọn nhẹ, dễ mang
xách, có vỏ bọc cứng, dễ lắp đặt, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng. Thiết bị phải
hoạt động bình thường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa, nắng, gió
bão và điều kiện xóc, lắc khi lắp đặt trên đầu máy, toa xe.
2. Thiết bị tín hiệu đuôi tàu phải hiển thị rõ các
thông tin và đọc được các thông tin bằng mắt thường dưới ánh sáng ban ngày hoặc
khi có đèn chiếu sáng vào ban đêm.
3. Thiết bị tín hiệu đuôi tàu phải báo chính xác áp
suất ống hãm, sai lệch trị số áp suất hiển thị trên bộ phận tại đuôi tàu và bộ
phận tại buồng lái cho phép không quá 0,1 bar. Đồng hồ áp suất báo áp suất hãm
trên bộ phận giám sát tại đuôi tàu phải được kiểm chuẩn và dán tem kiểm tra của
cơ quan có thẩm quyền.
4. Thiết bị tín hiệu đuôi tàu phải cảnh báo cho lái
tàu biết khi áp suất ống hãm tại toa xe cuối đoàn tàu giảm áp nhỏ hơn:
a) 4,6 bar đối với đoàn tàu cấp gió ép với áp suất ống
hãm 5 bar;
b) 5,6 bar đối với đoàn tàu cấp gió ép với áp suất ống
hãm 6 bar.
5. Thiết bị tín hiệu đuôi tàu phải điều khiển được
việc xả gió ống hãm tại toa xe cuối đoàn tàu để thực hiện hãm khẩn cấp. Thời
gian nhận lệnh điều khiển từ bộ phận tại buồng lái đến bộ phận tại đuôi tàu để
kích hoạt van xả gió khẩn cấp ở đuôi tàu không quá 2 giây. Bộ phận tại đuôi tàu
khi nhận lệnh hãm phải mở van xả gió khẩn cấp và giữ van ở trạng thái mở trong
thời gian từ 15 giây đến 70 giây.
6. Thiết bị tín hiệu đuôi tàu phải truyền được
thông tin, dữ liệu và lệnh hãm của lái tàu giữa bộ phận tại đuôi tàu và bộ phận
tại buồng lái bằng sóng vô tuyến liên tục trong suốt quá trình vận hành bình
thường của đoàn tàu. Tần số phát sóng vô tuyến phải được cơ quan có thẩm quyền
cấp phép.
7. Khoảng cách truyền, nhận sóng vô tuyến giữa bộ
phận tại đuôi tàu và bộ phận tại buồng lái phải đúng theo quy định của nhà chế
tạo và không được ngắn hơn 1000 m.
8. Điện áp ắc quy phải đúng với quy định của nhà chế
tạo. Dung lượng ắc quy phải bảo đảm yêu cầu sau:
a) Đối với Thiết bị tín hiệu đuôi tàu nhập khẩu, sản
xuất, lắp ráp mới phải cấp được nguồn điện bảo đảm cho thiết bị làm việc liên tục
trong thời gian tối thiểu là 36 giờ;
b) Đối với Thiết bị tín hiệu đuôi tàu trong quá trình khai thác, sử dụng phải cấp được
nguồn điện bảo đảm cho thiết bị làm việc liên tục trong thời gian tối thiểu là
20 giờ.
9. Thiết bị tín hiệu đuôi tàu phải báo tín hiệu
đuôi tàu cả ngày lẫn đêm. Bộ phận tại đuôi tàu báo bằng đèn màu đỏ và tự động điều
chỉnh được cường độ sáng theo điều kiện của môi trường.
10. Đối với Thiết bị tín hiệu đuôi tàu có cảm biến
chuyển động, bộ phận tại buồng lái phải hiển thị tín hiệu trên màn hình để báo
cho lái tàu biết trạng thái chuyển động của toa xe cuối cùng trong quá trình đoàn tàu vận hành.
11. Đối với Thiết bị tín hiệu đuôi tàu có kết nối với
hệ thống định vị vệ tinh GPS và hệ thống đếm trục bánh toa xe trên đường sắt, bộ
phận tại buồng lái phải hiển thị số liệu hỗ trợ cho lái tàu giám sát được tính
toàn vẹn của đoàn tàu, chiều dài và sự thay đổi chiều dài đoàn tàu trong quá
trình vận hành.
12. Thiết bị tín hiệu đuôi tàu phải ghi và lưu trữ
chính xác áp suất ống hãm tại toa xe cuối đoàn tàu trong quá trình vận hành. Dữ
liệu ghi lại của thiết bị phải bảo đảm tính liên tục. Dung lượng bộ nhớ thiết bị
ghi được dữ liệu vận hành tối thiểu trong 55 giờ. Dữ liệu lưu giữ tại thiết bị
phải xuất ra và đọc được trên máy tính.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA
Điều 5. Kiểm tra Thiết bị tín
hiệu đuôi tàu nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp mới
1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra
a) Giấy đề nghị kiểm tra Thiết bị tín hiệu đuôi tàu
của đơn vị nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp thiết bị theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của giấy chứng
nhận nguồn gốc xuất xứ của Thiết bị tín hiệu đuôi tàu, bản sao tờ khai nhập khẩu
của cơ quan Hải quan (áp dụng đối với thiết
bị nhập khẩu);
c) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận
chất lượng Thiết bị tín hiệu đuôi tàu của nhà sản xuất;
d) Bản sao tài liệu kỹ thuật kèm theo Thiết bị tín
hiệu đuôi tàu có xác nhận của đơn vị nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp.
2. Nội dung, phương thức kiểm tra
Thực hiện kiểm tra đối với từng Thiết bị tín hiệu
đuôi tàu theo các nội dung sau:
a) Kiểm tra sự đầy đủ của hồ sơ theo quy định tại khoản
1 của Điều này.
b) Kiểm tra Thiết bị tín hiệu đuôi tàu khi lắp lên
đoàn tàu hàng để vận hành thực tế hoặc trên bàn thử, thiết bị kiểm tra có tính
năng tương đương. Nội dung kiểm tra phải phù hợp với quy định tại Chương II của
Thông tư này.
Điều 6. Kiểm tra định kỳ
Khi Giấy chứng nhận thiết bị tín hiệu đuôi tàu hết
hiệu lực theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này, thì thiết
bị phải được thực hiện kiểm tra định kỳ.
1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra
a) Giấy đề nghị kiểm tra của đơn vị quản lý, sử dụng
Thiết bị tín hiệu đuôi tàu theo mẫu quy định tại Phụ
lục 1 ban hành kèm Thông tư này.
b) Biên bản kiểm tra nghiệm thu thiết bị khi bảo dưỡng
định kỳ của đơn vị quản lý, sử dụng Thiết bị tín hiệu đuôi tàu.
2. Nội dung phương thức kiểm tra
Thực hiện kiểm tra đối với từng Thiết bị tín hiệu
đuôi tàu theo các nội dung sau:
a) Kiểm tra sự đầy đủ của hồ sơ theo quy định tại khoản
1 của Điều này;
b) Kiểm tra Thiết bị tín hiệu đuôi tàu khi lắp lên
đoàn tàu hàng để vận hành thực tế hoặc trên bàn thử thiết bị kiểm tra có tính
năng tương đương. Nội dung kiểm tra phải phù hợp với quy định tại Chương II của
Thông tư này.
Điều 7. Trình tự kiểm tra, cấp
giấy chứng nhận cho Thiết bị tín hiệu đuôi tàu
1. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đến Cục Đăng kiểm
Việt Nam. Thành phần hồ sơ bao gồm:
a) Đối với trường hợp kiểm tra Thiết bị tín hiệu
đuôi tàu nhập khẩu, sản xuất lắp, ráp mới: theo quy định tại khoản
1 Điều 5 của Thông tư này.
b) Đối với trường hợp kiểm tra định kỳ Thiết bị tín
hiệu đuôi tàu: theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ
sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại ngay trong ngày
làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc hướng dẫn, hoàn thiện hồ
sơ sau 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ (đối với trường hợp nộp hồ sơ
qua đường bưu chính). Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định thì thống nhất thời
gian và địa điểm kiểm tra với tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra.
3. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra thực tế
tại địa điểm đã được thống nhất với tổ chức, cá nhân nộp đăng ký kiểm tra. Nếu kết quả kiểm tra không đạt thì thông báo trả lời
tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra và nêu rõ lý do sau 01 ngày làm việc. Nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, sau 02 ngày làm
việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra thì cấp Giấy chứng nhận cho Thiết bị tín hiệu
đuôi tàu theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành
kèm theo Thông tư này.
4. Cách thức thực hiện: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ
và nhận kết quả kiểm tra trực tiếp tại trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ
thống bưu chính.
Điều 8. Thời hạn hiệu lực của
Giấy chứng nhận
1. Đối với Thiết bị tín hiệu đuôi tàu khi nhập khẩu,
sản xuất, lắp ráp mới là 24 tháng.
2. Đối với Thiết bị tín hiệu đuôi tàu trong quá
trình khai thác, sử dụng là 12 tháng.
Điều 9. Trách nhiệm của đơn vị
quản lý sử dụng Thiết bị tín hiệu đuôi tàu
1. Chịu trách nhiệm quản lý sửa chữa, bảo dưỡng,
duy trì tình trạng kỹ thuật của Thiết bị tín hiệu đuôi tàu và đảm bảo các yêu cầu
kỹ thuật được quy định tại Chương II của Thông tư này trong quá trình khai
thác, sử dụng.
2. Trả phí kiểm tra, chứng nhận Thiết bị tín hiệu
đuôi tàu theo quy định của Bộ Tài chính.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm
2015.
Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với các Thiết bị tín hiệu đuôi tàu đã nhập khẩu,
sản xuất, lắp ráp trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà chưa được kiểm tra, cấp Giấy
chứng nhận thì phải hoàn thành việc kiểm tra
định kỳ trước ngày 30 tháng 12 năm 2015.
Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng,
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng giám
đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận:
- Như Điều 12;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp)
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo GT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KHCN.
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|
PHỤ LỤC 1
MẪU GIẤY ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA THIẾT BỊ TÍN HIỆU ĐUÔI
TÀU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 11 ngày 20 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng
BGTVT)
(TÊN TỔ CHỨC/CÁ
NHÂN)
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ……………
|
Ngày ….. tháng
….. năm …..
|
GIẤY ĐỀ NGHỊ KIỂM
TRA
THIẾT BỊ TÍN HIỆU ĐUÔI TÀU
Kính gửi: (Tên Cơ sở
Đăng kiểm)
Tên Tổ chức/Cá nhân:
………………………………………………………………………………..
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………….
Điện thoại: …………………… Fax: ………………………….. Email:
…………………………….
Đề nghị Quý Cơ quan kiểm tra thiết bị:
Kiểu loại thiết bị:
………………………………………………………………………………………..
Nước sản xuất: …………………………………………………………………………………………
Năm sản xuất: …………………………………………………………………………………………
Hình thức kiểm tra:
- Nhập khẩu
£
- Sản xuất, lắp ráp
£
- Định kỳ
£
Thời gian: ………………………………………………………………………………………………..
Địa điểm: ………………………………………………………………………………………………..
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu ……
|
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
(ký tên, đóng dấu)
|
PHỤ LỤC 2
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN THIẾT BỊ TÍN HIỆU ĐUÔI TÀU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 11 ngày 20 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng
BGTVT)
BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
GIẤY CHỨNG NHẬN
THIẾT BỊ TÍN HIỆU ĐUÔI TÀU
Số:
Liên:
Căn cứ Thông tư số ... /2015/TT-BGTVT ngày
.../.../2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định kiểm tra thiết bị tín
hiệu đuôi tàu thay thế toa xe trưởng tàu trên các đoàn tàu hàng;
Căn cứ Biên bản kiểm tra số:
ngày:
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT
NAM CHỨNG NHẬN:
Kiểu, loại Thiết bị tín hiệu đuôi tàu:
…………………………………………………………………
Số hiệu: …………………………………………………………………………………………………
Đơn vị (nhập khẩu/sản xuất, lắp ráp/sử dụng):
……………………………………………………
Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………………
Hình thức kiểm tra: Nhập khẩu £ Sản xuất, lắp ráp £
Định kỳ £
THÔNG SỐ KỸ THUẬT
Điện áp ắc quy: …………………………………………………………………………………………
Tần số sóng thu, phát: …………………………………………………………………………………
Áp suất ống hãm đoàn xe lớn nhất:
…………………………………………………………………..
Khoảng cách truyền sóng lớn nhất:
……………………………………………………………….....
Thiết bị tín hiệu đuôi tàu đã được kiểm tra thỏa
mãn các quy định về yêu cầu kỹ thuật hiện hành.
Giấy chứng nhận này có giá trị đến: ………………………………………………………………..
|
………, ngày ….. tháng ….. năm ……
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
|