Thông tư 049-TTg năm 1959 về việc giám đốc và quản lý quỹ tiền lương đối với các xí nghiệp quốc doanh do Phủ Thủ Tướng ban hành.

Số hiệu 049-TTg
Ngày ban hành 14/02/1959
Ngày có hiệu lực 01/03/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 049-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIÁM ĐỐC VÀ QUẢN LÝ QUỸ TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Để bảo đảm tốt công tác lãnh đạo sản xuất, đẩy mạnh việc chấp hành chế độ hạch toán kinh tế, đồng thời tăng cường công tác quản lý tài chính và tiền tệ, ngày 19 tháng 3 năm 1958 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 148-TTg giao cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng quốc gia Việt Nam tiến hành công tác kiểm soát quỹ tiền lương đối với các cơ quan Nhà nước và các xí nghiệp quốc doanh.

Nay, Thủ tướng phủ ra thông tư này giải thích mục đích, nội dung, nguyên tắc việc giám đốc và quản lý quỹ tiền lương để các Bộ và các xí nghiệp sản xuất chấp hành.

I. - MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA CỦA VIỆC QUẢN LÝ QUỸ TIỀN LƯƠNG

Hiện nay, nền kinh tế quốc dân ngày càng phát triển, số công nhân, viên chức ngày càng tăng, quỹ tiền lương cũng tăng lên không ngừng. Để đảm bảo cân đối giữa chỉ tiêu tiền lương và chỉ tiêu lao động, để sử dụng hợp lý và tiết kiệm quỹ tiền lương, tránh tình trạng vượt kế hoạch tiền lương mà sản lượng không vượt, dẫn tới mất cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng của kế hoạch phân phối và thu nhập quốc dân, ảnh hưởng đến việc tái sản xuất mở rộng của nền kinh tế quốc dân. Việc giám đốc và quản lý quỹ tiền lương là một yêu cầu cấp thiết nhằm mục đích:

1. Giúp đỡ các xí nghiệp quốc doanh giữ vững tiêu chuẩn lương bình quân, tránh hiện tượng chi tiền lương vượt quá mức quỹ tiền lương đã ấn định, đảm bảo cân đối giữa chỉ tiêu tiền lương và chỉ tiêu lao động của xí nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng đắn kế hoạch lao động tiền lương, thực hiện và thực hiện vượt mức kế hoạch sản xuất của Nhà nước.

2. Thúc đẩy các xí nghiệp quốc doanh tăng cường chế độ hạch toán kinh tế, tiến lên sử dụng hợp lý và tiết kiệm quỹ tiền lương; nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm bớt chi phí lưu thông, nâng cao tích lũy xã hội chủ nghĩa; giữ vững các chỉ tiêu cân đối với mức thực hiện kế hoạch trong từng xí nghiệp, góp phần đảm bảo các chỉ tiêu quan trọng: sản lượng, lao động, tiền lương và lợi nhuận của kế hoạch kinh tế quốc dân, để mở rộng tái sản xuất và nâng cao không ngừng mức sống của nhân dân.

3. Góp phần tăng cường quản lý tiền mặt, điều hòa lưu thông tiền tệ và do đó củng cố giá trị đồng tiền.

II. - NỘI DUNG, NGUYÊN TẮC GIÁM ĐỐC VÀ QUẢN LÝ QUỸ TIỀN LƯƠNG VÀ TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH QUẢN LÝ

1. Nội dung quản lý quỹ tiền lương:

- Các Bộ chủ quản, các ngành chủ quản, các xí nghiệp không được tự ý điều chỉnh chỉ tiêu lao động và chỉ tiêu quỹ tiền lương hàng năm mà Nhà nước đã ấn định.

- Kế hoạch tiền lương của các xí nghiệp phải luôn luôn ăn khớp với kế hoạch lao động và kế hoạch sản xuất. Kế hoạch tiền lương cả năm, có chia ra từng qúy, và từng tháng. Kế hoạch từng quý từng tháng có thể thay đổi lên xuống quanh chỉ tiêu cả năm, nhưng chỉ tiêu cả năm không được vượt chỉ tiêu Nhà nước đã duyệt hàng năm do Bộ, ngành chủ quản và trên cơ sở đó, Bộ và ngành đã quy định cho từng xí nghiệp. Trường hợp chỉ tiêu sản xuất điều chỉnh lại, ảnh hưởng đến kế hoạch lao động và kế hoạch tiền lương đến kế hoạch lao động và kế hoạch tiền lương cả năm, phải được Bộ chủ quản xét duyệt, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thẩm tra lại và đồng ý được thi hành.

- Nếu do cải thiện kỹ thuật hợp lý hóa tổ chức sản xuất mà bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản xuất, rút bớt được quỹ tiền lương, thì đối với số tiền tiết kiệm được đó, xí nghiệp được quyền sử dụng bổ sung cho vốn lưu động mở rộng sản xuất, sau khi được Bộ hoặc cơ quan chủ quản xí nghiệp và Bộ Tài chính xét kỹ và chuẩn y.

2. Nguyên tắc giám đốc, quản lý quỹ tiền lương: nói chung phải căn cứ vào các chỉ tiêu sản lượng, chỉ tiêu lao động, chỉ tiêu tiền lương… đã được Nhà nước duyệt, tiến hành giám đốc trước và sau khi trả tiền lương, để giữ vững các chỉ tiêu cân đối với mức thực hiện kế hoạch hàng tháng, hàng quý, hàng năm trong từng xí nghiệp.

Nhưng căn cứ vào trình độ tổ chức, quản lý sản xuất của các xí nghiệp hiện nay, việc giám đốc và quản lý quỹ tiền lương hiện nay, việc giám đốc và quản lý quỹ tiền lương phải làm từng bước, đi dần từ thấp lên cao, từ lỏng đến chặt.

Ngân hàng quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc giám đốc và quản lý tiền lương của các xí nghiệp quốc doanh, phải căn cứ vào những nguyên tắc nêu ra trên đây phối hợp chặt chẽ với các Bộ và cơ quan chủ quản xí nghiệp, đi sát từng đơn vị xí nghiệp, căn cứ vào trình độ cán bộ, trình độ tổ chức, những đặc điểm và khó khăn của từng đơn vị xí nghiệp, để cùng các Bộ chủ quản xí nghiệp và cơ quan chủ quản xí nghiệp đề ra những biện pháp kiểm soát cho thích hợp và linh hoạt để tiến hành nhiệm vụ của mình làm sao vừa bảo đảm cấp phát lương đều đặn kịp thời cho các xí nghiệp, vừa kiểm soát đôn đốc việc thi hành chỉ tiêu quỹ tiền lương ở các xí nghiệp được đúng tinh thần nguyên tắc đã định.

Việc kiểm soát phải tiến hành khi các xí nghiệp xin rút tiền lương và sau khi các xí nghiệp đã thực hiện việc trả lương. Các xí nghiệp có trách nhiệm cung cấp cho Ngân hàng những tài liệu cần thiết để làm nhiệm vụ trên đây. Trường hợp một xí nghiệp nào đó không chấp hành đúng chỉ tiêu quỹ tiền lương, xin chi quá mức số tiền lương đã định trong xí nghiệp không tăng hoặc không đạt chỉ tiêu sản lượng, Ngân hàng có thể tạm thời không phát số tiền lương vượt quá mức đó, đồng thời báo cho Bộ hoặc cơ quan chủ quản xí nghiệp biết và Ngân hàng chỉ phát thêm sau khi được Bộ hoặc cơ quan chủ quản xí nghiệp chính thức đề nghị trả. Trường hợp vì thay đổi kế hoạch mà phải tăng quỹ tiền lương thì phải được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thông qua như đã nói trên và gửi Ngân hàng trước ngày xin rút lương.

III. - PHẠM VI THI HÀNH

Tất cả các xí nghiệp quốc doanh công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thương nghiệp, bưu điện và vận tải chịu sự kiểm soát của Ngân hàng quốc gia Việt Nam về việc sử dụng quỹ tiền lương. Riêng về quỹ tiền lương đối với các công ty xây lắp và các công trường kiến thiết tự làm của các đơn vị xí nghiệp thì do Ngân hàng kiến thiết Bộ Tài chính căn cứ vào thể lệ và nguyên tắc đã định để giám đốc và quản lý.

Các xí nghiệp quốc doanh chịu sự giám đốc và quản lý quỹ tiền lương phải có những điều kiện sau đây:

a) Phải là đơn vị có quỹ tiền lương riêng.

b) Phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng và mọi khoản chi về tiền lương thông qua Ngân hàng.

IV. - ĐỂ BẢO ĐẢM VIỆC GIÁM ĐỐC VÀ QUẢN LÝ QUỸ TIỀN LƯƠNG THI HÀNH TỐT, CÁC NGÀNH CẦN PHẢI LÀM

1. Ngân hàng quốc gia Việt Nam cần phối hợp với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và các Bộ chủ quản quy định thể lệ cụ thể và thích hợp với từng loại xí nghiệp, với trình độ hạch toán kinh tế của từng xí nghiệp và hướng dẫn thi hành.

2. Các Bộ chủ quản, các ngành chủ quản, cơ quan chủ quản xí nghiệp phải nắm vững tinh thần việc quản lý quỹ tiền lương, nắm vững chỉ tiêu quỹ tiền lương của Bộ mình, ngành mình, lãnh đạo hướng dẫn các xí nghiệp trực thuộc làm cho đúng.

3. Các Ban Giám đốc, Ban chấp hành Công đoàn xí nghiệp phải thông qua phong trào cải tiến quản lý xí nghiệp làm cho công nhân thông hiểu việc giám đốc và quản lý quỹ tiền lương và tích cực chấp hành.

 

KT.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

[...]