Thông tư 276-VP/TH năm 1959 biện pháp tạm thời quản lý quỹ tiền lương đối với các xí nghiệp quốc doanh để làm phương hướng trong lúc tiến hành thí điểm do Ngân Hàng Quốc Gia ban hành.

Số hiệu 276-VP/TH
Ngày ban hành 17/07/1959
Ngày có hiệu lực 01/08/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng quốc gia
Người ký Tạ Hoàng Cơ
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 276-VP/TH

Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ BIỆN PHÁP TẠM THỜI QUẢN LÝ QUỸ TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH ĐỂ LÀM PHƯƠNG HƯỚNG TRONG LÚC TIẾN HÀNH THÍ ĐIỂM

Ngày 19 tháng 03 năm 1958 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 148-TTg giao cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tiến hành công tác giám đốc và quản lý quỹ tiền lương đối với các cơ quan Nhà nước và các xí nghiệp quốc doanh nhằm: đảm bảo tốt công tác lãnh đạo sản xuất, đẩy mạnh việc chấp hành chế độ hạch toán kinh tế, đồng thời tăng cường công tác quản lý tài chính và tiền tệ.

Ngày 14 tháng 02 năm 1959, Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư số 049-TTg giải thích mục đích, nội dung nguyên tắc việc giám đốc và quản lý quỹ tiền lương để các Bộ và các xí nghiệp sản xuất chấp hành.

Căn cứ vào quyết định của Chính phủ, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã tiến hành điều tra, nghiên cứu tình hình sử dụng và bố trí lao động, tiền lương ở một số xí nghiệp và đơn vị hạch toán kinh tế, dựa vào ý kiến trao đổi trong cuộc hội nghị giữa Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và đại biểu các Bộ ngày 28 tháng 5 năm 1959. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ra thông tư này tạm thời để ra biện pháp cụ thể quản lý quỹ tiền lương đối với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, để làm phương hướng trong khi tiến hành thí điểm.

I. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ QUỸ TIỀN LƯƠNG

Ngân hàng Quốc gia Việt Nam quản lý quỹ tiền lương theo nguyên tắc:

1. Trong bước đầu Ngân hàng Quốc gia Việt Nam áp dụng phương thức phát tiền cho xí nghiệp theo yêu cầu chi tiền lương trong phạm vi mức kế hoạch tiền lương tháng của xí nghiệp. Sau khi trả tiền lương rồi, sẽ dựa vào báo cáo của xí nghiệp nộp cho Ngân hàng khi rút tiền về trả lương và các báo cáo về tình hình sản xuất, tài vụ của xí nghiệp gửi đến mà phân tích. Nếu phát hiện bội chi quá quỹ tiền lương so mới mức thực hiện kế hoạch sản xuất, hoặc so với kế hoạch lao động thì một mặt góp ý kiến với xí nghiệp về biện pháp khắc phục, một mặt phản ảnh với Cục hay Bộ chủ quản biết để có biện pháp giúp đỡ xí nghiệp đó. Hiện nay ta nặng về phương thức kiểm soát sau, nghĩa là trả lương trong phạm vi kế hoạch và theo yêu cầu của xí nghiệp, sau đó mới nghiên cứu và đề xuất ý kiến sau, nếu có vấn đề.

2. Căn cứ tình hình đã nắm được là hiện nay Bộ chủ quản mới phân phối tiền lương cho xí nghiệp từng quý và xí nghiệp tự chia quỹ tiền lương ra từng tháng, cho nên ta có thể để cho xí nghiệp có quyền điều hòa trong quý. Hàng tháng trong một quý, xí nghiệp có thể bội chi hay tiết kiểm chi, nhưng ba tháng cộng lại không được vượt quá số kế hoạch tiền lương được Bộ hay Cục chủ quản phân phối trong quý đó. Trường hợp quý đó xí nghiệp có bội chi tuyệt đối, Ngân hàng chỉ phát tiền ra theo kế hoạch tiền lương quý, khi nào được Bộ hay Cục chủ quản cho điều chỉnh thì Ngân hàng sẽ phát thêm số tiền lương vượt mức. Đồng thời Bộ hay Cục chủ quản cần điều chỉnh kế hoạch tiền lương phân phối cho quý sau.

3. Trong một quý nếu tiền lương thực tế chi ít hơn mức thực hiện kế hoạch sản xuất do cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa tổ chức sản xuất mà có, thì xí nghiệp có quyền lấy khoản tiết kiệm chi đó bổ sung cho vốn lưu động để mở rộng sản xuất của xí nghiệp, nhưng phải chờ Bộ Tài chính và Cục hay Bộ chủ quản xét và đồng ý mới được làm.

Những khoản thừa của quỹ tiền lương do biên chế chưa đủ mà có, không được xem là tiết kiệm chi, số tiền thừa này do Bộ chủ quản quyết định việc giải quyết.

II. BIỆN PHÁP CỤ THỂ QUẢN LÝ QUỸ TIỀN LƯƠNG

A. Phân phối mức quỹ tiền lương.

Bộ hay Cục chủ quản của xí nghiệp khi phân phối quỹ tiền lương đã được Chính phủ phê chuẩn cho xí nghiệp về quỹ tiền lương cả năm chia ra quý cần sao gửi cho Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trung ương một bản; khi có điều chỉnh thì cũng báo cho Ngân hàng Quốc gia trung ương biết.

Xí nghiệp cần cung cấp cho Ngân hàng Quốc gia địa phương quỹ tiền lương năm có chia ra quý, do Bộ hay Cục chủ quản phân phối. Xí nghiệp dựa vào đó chia ra tháng và báo cho Ngân hàng nơi xí nghiệp mở tài khoản, để Ngân hàng làm căn cứ tiến hành quản lý quỹ tiền lương của xí nghiệp. Nếu trong quý xí nghiệp có điều chỉnh quỹ tiền lương, thì phải kịp thời báo đến Ngân hàng địa phương trước ngày đến Ngân hàng rút tiền về trả lương.

B. Kiểm soát sử dụng quỹ tiền lương.

Như trên đã nói trong tình hình hiện nay chúng ta phải đồng thời áp dụng cả hai hình thức kiểm soát trước và kiểm soát sau, nhưng hình thức kiểm soát sau là chủ yếu.

1. Kiểm soát trước:

Khi xí nghiệp đến Ngân hàng rút tiền về trả lương, phải nộp cho Ngân hàng nơi mình mở tài khoản một giấy rút tiền để trả lương nêu rõ: kế hoạch sản lượng trong tháng, ước tính thực hiện kế hoạch sản lượng trong tháng, kế hoạch lao động trong tháng, thực hiện kế hoạch lao động trong tháng, kế hoạch tiền lương trong tháng và số tiền xin rút về trả lương trong tháng (có mẫu kèm theo).

Nếu xí nghiệp mỗi tháng trả lương hai kỳ, đối với kỳ trả lương giữa tháng, xí nghiệp chưa phải nộp giấy rút tiền để trả lương, số tiền được rút coi như ứng trước không thể quá 50% kế hoạch tiền lương của tháng đó. Đối với kỳ trả lương cuối tháng, xí nghiệp khi nhận số tiền cần thiết để trả lương phải nộp giấy rút tiền để trả lương cả tháng.

Xí nghiệp khi đến rút tiền trong tài khoản tiền gửi về trả lương phải mang theo một séc trích tài khoản như thường lệ.

Xí nghiệp sau khi lập xong báo cáo toàn diện về tài vụ, sản xuất, lao động tiền lương, v.v… để báo cáo lên cấp trên thì đồng gửi cho Ngân hàng giữ tài khoản của xí nghiệp một bản.

2. Kiểm soát sau:

Kiểm soát sau là sau khi trả lương xong và khi xí nghiệp gửi báo cáo chính thức cho Ngân hàng thì cán bộ thanh tra tín dụng cần kịp thời nghiên cứu phân tích trong báo cáo và sau đó đến tận xí nghiệp để cùng cán bộ của xí nghiệp nghiên cứu thêm.

Mỗi lần nghiên cứu xong, cán bộ thanh tra tín dụng Ngân hàng lập biên bản nhận xét chủ yếu là so sánh tiền lương thực tế xin rút với tiền lương kế hoạch, so sánh tiền lương xin rút có phù hợp với số lao động sử dụng thực tế không, có phù hợp với mức thực hiện kế hoạch sản lượng không, cùng với xí nghiệp tìm ra nguyên nhân lệch lạc nếu có và đề ra biện pháp sửa chữa. Biên bản phải thông qua giám đốc xí nghiệp và các cán bộ phụ trách chính có liên quan.

Biên bản lập thành 5 bản:

1 bản xí nghiệp giữ,

1 bản cán bộ tín dụng giữ và xếp vào hồ sơ tiền lương của xí nghiệp tại Ngân hàng địa phương,

[...]