Thông tư 01/2008/TT-BNG hướng dẫn trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức do Bộ Ngoại giao ban hành

Số hiệu 01/2008/TT-BNG
Ngày ban hành 04/02/2008
Ngày có hiệu lực 25/02/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại giao
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NGOẠI GIAO
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 01/2008/TT-BNG

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC

Căn cứ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Nghị định số 21/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1908/TTg-QHQT ngày 20 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về ODA;
Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) như sau:

Phần 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.1. Thông tư này quy định chi tiết hướng dẫn trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế khung, điều ước quốc tế cụ thể về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi chung là điều ước quốc tế về ODA) quy định tại khoản 14 Điều 4, các Điều 9, 20, 21, 22 và điểm a khoản 1 Điều 31 của Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi là Quy chế) ban hành kèm theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ.

1.2. Thông tư này áp dụng đối với hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về ODA của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác có chương trình, dự án ODA được quy định tại khoản 15 Điều 4 của Quy chế này.

2. Trách nhiệm trình Chính phủ về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế cụ thể về ODA trong trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất trình Chính phủ.

2.1. Các trường hợp cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA (gọi chung là cơ quan chủ quản) không phải là cơ quan đề xuất trình Chính phủ quy định tại Điều 21 của Quy chế

a) Trường hợp điều ước quốc tế cụ thể về ODA vốn vay, ODA không hoàn lại được ký kết với Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho chương trình, dự án ODA thuộc cơ quan chủ quản không phải là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đó;

b) Trường hợp điều ước quốc tế cụ thể về ODA vốn vay được ký kết với nhà tài trợ không phải là WB, IMF và ADB cho chương trình, dự án ODA thuộc cơ quan chủ quản không phải là Bộ Tài chính thì Bộ Tài chính là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đó;

c) Trường hợp điều ước quốc tế cụ thể về ODA không hoàn lại được ký kết với nhà tài trợ không phải là WB, IMF và ADB cho chương trình, dự án ODA thuộc cơ quan chủ quản là cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đó;

d) Trường hợp điều ước quốc tế cụ thể về ODA không hoàn lại nêu tại điểm c của Mục này được ký kết kèm với điều ước quốc tế cụ thể về ODA vốn vay với cùng nhà tài trợ cho cùng một chương trình, dự án ODA thì Bộ Tài chính là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đó.

2.2. Cơ quan chủ quản quy định tại Mục 2.1 của Phần này có trách nhiệm:

a) Xây dựng dự thảo điều ước quốc tế cụ thể về ODA, dịch dự thảo điều ước quốc tế đó ra tiếng Việt và gửi cơ quan đề xuất; phối hợp với cơ quan đề xuất đối chiếu văn bản, bản dịch tiếng Việt của điều ước quốc tế;

b) Cung cấp cho cơ quan đề xuất các thông tin cần thiết để cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế cụ thể về ODA;

c) Tham gia hoặc chủ trì đàm phán, tổ chức lễ ký điều ước quốc tế cụ thể về ODA theo quyết định ủy quyền của Chính phủ;

d) Xây dựng kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế cụ thể về ODA gửi cơ quan đề xuất để cơ quan đề xuất trình Chính phủ phê duyệt trong trường hợp quy định tại Mục 1.1 Phần III của Thông tư này;

đ) Trường hợp cơ quan chủ quản nhận được thông báo của nhà tài trợ về việc phê chuẩn, phê duyệt, ngày hiệu lực, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ thực hiện, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế cụ thể về ODA, hoặc kết thúc chương trình, dự án ODA thuộc điều ước quốc tế thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi thông báo đó cho cơ quan đề xuất và Bộ Ngoại giao;

e) Gửi cơ quan đề xuất và Bộ Ngoại giao báo cáo hàng năm về tình hình thực hiện điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

Phần 2.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ ODA

1. Xây dựng dự thảo điều ước quốc tế về ODA   

1.1. Trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA quy định tại Điều 9 hoặc Điều 22 của Quy chế, cơ quan đề xuất có trách nhiệm xây dựng dự thảo điều ước quốc tế về ODA; trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm xây dựng dự thảo điều ước quốc tế về ODA và gửi cơ quan đề xuất.

1.2. Trường hợp cơ quan đề xuất trình Chính phủ thông qua dự thảo điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ để làm cơ sở đàm phán các điều ước quốc tế về ODA có nội dung tương tự

a) Dự thảo điều ước quốc tế về ODA trình Chính phủ bao gồm các nội dung chính cam kết của bên Việt Nam và nhà tài trợ, các phương án lựa chọn đối với vấn đề cụ thể (nếu có) và được xây dựng trên cơ sở mẫu dự thảo điều ước quốc tế của nhà tài trợ (nếu có), điều ước quốc tế về ODA đã được ký kết trước đó;

b) Trình tự, thủ tục và hồ sơ trình Chính phủ thông qua dự thảo điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ để làm cơ sở đàm phán các điều ước quốc tế về ODA có nội dung tương tự được thực hiện theo quy định tại điểm a Mục 4.2 và Mục 4.3 của Phần này.

[...]