Nghị định 21/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao

Số hiệu 21/2003/NĐ-CP
Ngày ban hành 10/03/2003
Ngày có hiệu lực 18/04/2003
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2003

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 21/2003/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 3 NĂM 2003 QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ NGOẠI GIAO

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ nhất, quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại gồm: công tác ngoại giao, biên giới lãnh thổ quốc gia, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;

3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

5. Về công tác ngoại giao:

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án về việc thiết lập hoặc đình chỉ quan hệ ngoại giao, lãnh sự với các nước và tổ chức quốc tế liên chính phủ; lập hoặc rút các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cử và triệu hồi Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc;

b) Đại diện cho Nhà nước trong quan hệ ngoại giao với các nước, tổ chức quốc tế; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Nhà nước;

c) Triển khai việc chấp thuận đại diện ngoại giao của các nước và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Quản lý hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, kể cả cơ quan lãnh sự danh dự, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế liên chính phủ đặt tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế;

d) Chủ trì chuẩn bị cho các đoàn cấp cao của Nhà nước ta đi thăm các nước hoặc dự các hội nghị quốc tế và đón tiếp các đoàn cấp cao của các nước, các tổ chức quốc tế thăm Việt Nam trong phạm vi các lĩnh vực do Bộ phụ trách theo quy định của Chính phủ;

đ) Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về các lĩnh vực do Bộ quản lý;

e) Phát ngôn quan điểm, lập trường chính thức của Việt Nam về các vấn đề quốc tế; tổ chức các cuộc họp báo quốc tế và chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cho phóng viên nước ngoài thường kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất;

g) Chủ trì việc theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí nước ngoài liên quan đến Việt Nam; theo dõi tình hình và triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài;

h) Quản lý và cấp phép cho hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài tại Việt Nam; quản lý và giải quyết các hoạt động thông tin báo chí của các đoàn đại biểu nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao;

i) Chủ trì các hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO);

k) Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế;

l) Thực hiện nhiệm vụ về lãnh sự, về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài theo phân công của Chính phủ; thực hiện các công việc về hợp pháp hoá, chứng nhận lãnh sự, quốc tịch và hộ tịch; thực hiện bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

6. Về biên giới lãnh thổ quốc gia:

a) Nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá tình hình quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia, vùng trời, vùng biển, các hải đảo và thềm lục địa của Việt Nam; đề xuất chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý thích hợp;

b) Giúp Chính phủ xác định biên giới quốc gia, xác định phạm vi chủ quyền và các quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đất liền, trên biển, trên không, các hải đảo và thềm lục địa;

[...]