Thông tư 01/2007/TT-BNN hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc và miền núi thuộc chương trình 135 giai đoạn 2006-2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 01/2007/TT-BNN
Ngày ban hành 15/01/2007
Ngày có hiệu lực 14/02/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hồ Xuân Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2007/TT-BNN

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2007

 

THÔNG TƯ

SỐ 01/2007/TT-BNN CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ, NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ SẢN XUẤT CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN 2006-2010

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung thực hiện “Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc và miền núi” (sau đây gọi là Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất) như sau:

Phần 1:

QUI ĐỊNH CHUNG

1. Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010 theo danh sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc thực hiện dự án phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặt biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 và các quy định tại Thông tư này.

2. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện các hoạt động thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc, tăng cường hiệu quả đầu tư, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

3. Việc lựa chọn các hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá dự án được thực hiện công khai, dân chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân và cộng đồng.

4. Nội dung Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được xây dựng phải dảm bảo thực hiện các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của Chương trình 135 và gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã, huyện và tỉnh.

5. Thực hiện lồng ghép với các hợp phần của Chương trình 135, kế thừa những kinh nghiệp của các chương trình, dự án khác đã và đang thực hiện trên địa bàn nhằm phát huy tối đa hiệu quả của dự án.

6. Đa dạng hóa các nguồn vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, của ngân sách các cấp địa phương và huy động sự tham gia đóng góp các cộng đồng dân cư trên địa bàn (ngày công lao động, vật tư, tiền...) để thực hiện dự án.

7. Tăng cường phân cấp cho xã làm chủ dự án trên cơ sở đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ cấp cơ sở. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện có trách nhiệm hướng dẫn, đào tạo giúp các xã quản lý, tổ chức thực hiện dự án.

Phần 2:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối tượng

Đối tượng được dự án hỗ trợ gồm hộ nghèo và nhóm hộ, cụ thể như sau:

1.1. Hộ nghèo: Hộ nghèo theo tiêu chí qui định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo cho giai đoạn 2006-2010.

1.2. Nhóm hộ: Nhóm hộ được dự án hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Gồm những hộ nghèo và những hộ khác đang sinh sống trên cùng địa bàn cụm dân cư thôn, bản, có cùng mối quan tâm chung đến phát triển sản xuất và tự nguyện hợp tác giúp đỡ lẫn nhau;

- Có cam kết hoặc nội quy hoạt động trong đó qui định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và đóng góp (công lao động, vật tư, tiền...) của từng thành viên trong nhóm để thực hiện dự án và có kế hoạch sử dụng nguồn vốn nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm cho các thành viên;

- Có tổ trưởng do các thành viên trong nhóm bầu ra để quản lý điều hành hoạt động của nhóm;

- Số lượng, tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm do Ủy ban nhân dân xã qui định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Hộ, nhóm hộ được lựa chọn công khai, dân chủ từ thôn, bản, trên cơ sở những hộ nghèo hơn được ưu tiên hỗ trợ đầu tư trước, Chủ tịch UBND xã lập thành danh sách hộ, nhóm hộ thông qua thường trực HĐND xã, trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt.

2. Nội dung dự án

Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngành nghề truyền thống, nguồn lực lao động, hạ tầng cơ sở, nhu cầu thị trường, các hình thức tổ chức sản xuất... Ủy ban nhân dân xã hướng dẫn người dân lựa chọn các nội dung hỗ trợ phù hợp nhằm đa dạng hóa và tăng thu nhập cho người dân. Nội dung hỗ trợ có thể bằng vật chất, trang bị kiến thức sản xuất, cung cấp thông tin thị trường... gồm các nội dung sau:

2.1. Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyên lâm, khuyến ngư và khuyến công

- Tuyên truyền các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thông tin thị trường, giá cả in ấn, phát hành và phổ biến tới các hộ dân một số quy trình sản xuất cây trồng vật nuôi, bảo quản, chế biến nông, lâm sản...;

- Bồi dưỡng, tập huấn, truyền nghề để nâng cao kiến thức, kỹ năng, quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn;

[...]