VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 207/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày
18 tháng 6 năm 2020
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI
NGHỊ VỚI LÃNH ĐẠO CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
Ngày 30 tháng 5 năm 2020, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị làm việc với lãnh
đạo các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về nhiệm vụ, giải pháp
tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa
Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình
Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận
tải, Kế hoạch và Đầu Tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi
trường, Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công
Thương, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Bí thư và Chủ tịch các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long
An, Tây Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Tiền Giang và Thành
phố Hồ Chí Minh.
Sau khi nghe các báo cáo của lãnh đạo tám tỉnh,
thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phát biểu của một số đại diện doanh
nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, phát biểu của các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ
và lãnh đạo các Bộ, cơ quan dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết
luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam là vùng
kinh tế năng động nhất của cả nước, tiếp tục khẳng định được vai trò đầu tàu
kinh tế, chiếm 45,4% GDP của cả nước. Giai đoạn 2011-2019, GRDP Vùng tăng
6,81%, đặc biệt trong những năm gần đây, GRDP của các tỉnh, thành phố thuộc
Vùng đều tăng ở mức cao. Tổng thu ngân sách nhà nước của Vùng và các địa phương
trong Vùng giai đoạn 2016-2019 đều vượt 4,3% dự toán; chiếm 42,4% tổng thu ngân
sách nhà nước, tốc độ tăng thu nội địa bình quân trên 10%/năm, cao hơn bình
quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế của Vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng
tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế so
sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao. Với những lợi thế riêng sẵn có, Vùng
KTTĐ phía Nam trở thành trung tâm thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, cùng với
sự phát triển mạnh mẽ của hơn 140 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ
cao tập trung, chiếm 42,8% về số lượng và 55% về diện tích (đến cuối năm 2019, toàn
Vùng có gần 17 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu
lực trên 164 tỷ đô la Mỹ, chiếm 55% số dự án và 45,3% tổng vốn đầu tư).
Trong 5 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã
ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế trong nước, không chỉ gây thiệt hại về kinh
tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và
lưu chuyển thương mại, mà còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.
Vùng KTTĐ phía Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể từ khi bắt
đầu giai đoạn đổi mới đến nay. Tốc độ tăng trưởng GRDP cả Vùng và tất cả các địa
phương trong Vùng đều giảm mạnh. Hầu hết các chỉ số phát triển công nghiệp, xuất
nhập khẩu, thu ngân sách, phát triển doanh nghiệp ... đều tăng chậm lại hoặc giảm
so với cùng kỳ năm trước. Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, các địa phương thuộc
Vùng KTTĐ phía Nam đã triển khai thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được kết quả đáng khích lệ, khống chế
không để dịch lây lan trong cộng đồng và đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người
dân và doanh nghiệp. Tất cả các địa phương đã tổ chức quán triệt, hướng dẫn tới
các cấp, các ngành triển khai chi trả kinh phí hỗ trợ trực tiếp tới người dân;
thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với
người lao động, gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế; chủ động xây dựng
kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết
yếu, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá cục bộ trong giai đoạn ứng phó khẩn
cấp đối với dịch bệnh. Các địa phương đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời
trong chỉ đạo sớm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, do vậy kết quả đạt
được trong tháng 5 năm 2020 đã có những chuyển biến tích cực, được cộng đồng quốc
tế đánh giá cao và nhân dân ngày càng tin tưởng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu
dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng
KTTĐ phía Nam đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng, tập trung thực hiện “mục tiêu
kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi,
phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân, đặc
biệt đã quyết tâm giữ nguyên các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội năm 2020 đề ra.
Mặc dù có vị trí, tiềm năng lợi thế rất lớn,
nhưng trong thời gian qua, Vùng KTTĐ phía Nam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế
như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ và chậm cải
thiện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; thiếu sự liên kết vùng; chất lượng
phát triển đô thị còn thấp, bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển
dâng; môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, đang là rào
cản lớn cho sự phát triển bền vững của Vùng KTTĐ phía Nam.
II. ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI
GIAN TỚI
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng KTTĐ phía
Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam, các Bộ, cơ quan
tập trung thực hiện một số nội dung định hướng sau:
1. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn
kéo dài và diễn biến khó lường, mặc dù đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng
các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơi là, cần luôn đề cao cảnh
giác, theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm
vụ, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan
trong cộng đồng.
2. Quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, nỗ lực
cao nhất để tiếp tục hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra và coi đây là quyết tâm chính trị của
địa phương mình để đóng góp vào kết quả chung của cả nước.
3. Vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ
hơn nữa với vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển của cả nước,
đóng góp vào sự phát triển chung vì mục tiêu tạo nên một Việt Nam hùng cường,
thịnh vượng. Các tỉnh, thành phố trong Vùng phát huy tiềm năng, lợi thế, năng lực
cạnh tranh, với phương châm hành động cụ thể, hiệu quả để Vùng KTTĐ phía Nam đi
đầu trong phát triển các mô hình kinh tế hiện đại gắn với chính quyền điện tử,
đô thị thông minh và trở thành vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực
Đông Nam Á trong tương lai gần.
4. Đặc biệt, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư
nhân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi
trường đầu tư thông thoáng. Tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh
tế cũng như cơ hội thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư thế giới. Chủ động,
sáng tạo và quyết tâm, hành động cao nhất để Vùng KTTĐ phía Nam sớm hình thành
các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút các tập đoàn lớn về công nghệ trên thế giới,
trở thành một trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP
1. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng
Đề án về cơ chế đặc thù vùng, bao gồm cả vấn đề ngân sách cho Vùng KTTĐ, trong
đó có Vùng KTTĐ phía Nam, đảm bảo tính toàn diện, phù hợp đặc trưng của Vùng
KTTĐ, tạo điều kiện cho Vùng KTTĐ phía Nam tăng tốc, phát triển bền vững.
2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp
với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, khẩn trương xây dựng Đề
án hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng quan
trọng, cấp bách của vùng KTTĐ phía Nam.
3. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu,
đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn
cho vay dự án PPP trong lĩnh vực giao thông và các dự án hạ tầng quan trọng, cấp
bách khác.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng
dẫn sớm các địa phương trong Vùng rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đâm
bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và Vùng, sử dụng đất hiệu quả,
tránh lãng phí, phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy
hoạch và pháp luật liên quan, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định
trong tháng 6 năm 2020.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy
hoạch khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của
quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới. Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, trong đó chủ động
nghiên cứu, rà soát, và tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng
giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; phối
hợp với các tỉnh, thành phố trong quá trình lập quy hoạch tỉnh giai đoạn
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
6. Tổ công tác của Chính phủ về thu hút đầu tư
trực tiếp nước ngoài khẩn trương triển khai hoạt động, tăng cường cơ chế phối hợp,
xử lý công việc; đảm bảo mọi điều kiện để kịp thời thu hút hiệu quả xu hướng dịch
chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công
nghệ có giá trị gia tăng cao. Triển khai các biện pháp phù hợp, tránh để xảy ra
tình trạng doanh nghiệp trong nước bị lợi dụng thâu tóm thông qua mua, bán, sáp
nhập và đổi tên; việc đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết chống việc thu hút đầu
tư các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô
nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ,
gian lận thương mại, giá trị gia tăng thấp (chủ yếu gia công, sử dụng lao động
giá rẻ ...). Đồng thời, coi trọng phát triển doanh nghiệp và các thành phần
kinh tế khác của Việt Nam, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho
doanh nghiệp trong nước phát triển.
7. Về hạ tầng cơ sở:
- Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, khẩn
trương đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm,
lan tỏa, tạo liên kết vùng (các công trình kết nối khu công nghiệp, khu chế xuất,
trục hướng tâm, vành đai, các đường kết nối cảng biển và hành lang vận tải quốc
tế).
- Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối
hợp với các cơ quan liên quan triển khai phát triển hạ tầng số hiện đại, ưu
tiên triển khai hạ tầng mạng 5G trong các khu công nghệ cao, khu công nghệ
thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột
phá; hướng dẫn các địa phương xây dựng, phát triển chính quyền số gắn liền với
đô thị thông minh.
8. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai
thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số
42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại
dịch Covid-19;
Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải
pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn
đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19;
Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; Chỉ
thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản
xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh; chỉ đạo đẩy mạnh
cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực
tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người
dân, doanh nghiệp.
IV. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỤ THỂ CỦA
ĐỊA PHƯƠNG
Giao các Bộ, cơ quan liên quan sớm nghiên cứu,
xem xét giải quyết cụ thể, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính
phủ. Kết quả giải quyết báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 7 năm
2020.
(Tổng hợp kiến nghị cụ thể kèm theo)
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam và các Bộ, cơ quan liên quan biết,
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: CT, GTVT, KHĐT, NNPTNT, TC, TNMT, TTTT, VHTTDL, NHNNVN;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng
Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang;
- Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐTCP, các Cục, Vụ: CN, ĐMDN,
KTTH, KGVX, NN, TKBT, TH, V.I, KSTT;
- Lưu: Văn thư, QHĐP (2b).NQ
|
BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|
PHỤ LỤC
TỔNG HỢP KIẾN NGHỊ CỦA CÁC TỈNH
(Kèm theo Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)
I. TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
1. Về công tác quản lý đất
công nằm xen kẽ trong khu đất của người dân khi thực hiện Dự án và việc thực hiện
công tác quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030:
Tỉnh kiến nghị xem xét cho phép UBND tỉnh được
quyết định thu hồi đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án không
thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất thực hiện dự án, công
trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, có phần
diện tích đất công do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ (không tập trung) hoặc tỷ lệ
diện tích đất công do Nhà nước quản lý chiếm không quá 30% diện tích đất toàn Dự
án. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định chỉ đạo việc lập quy
hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 về kế hoạch sử dụng đất hàng năm
cấp huyện trên để UBND tỉnh có cơ sở chỉ đạo UBND cấp huyện khẩn trương thực hiện
việc phê duyệt lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030.
2. Về thủ tục thuê mặt nước
trước cảng dự án cảng biển, cảng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh:
Tỉnh kiến nghị cho phép các Dự án đã được cơ
quan có thẩm quyền cho phép triển khai đầu tư theo quy hoạch được duyệt, được
phép thuê khu vực mặt nước trước cảng không qua đấu giá đất mặt nước để đầu tư
công trình cầu bến và vùng nước neo đậu tàu làm hàng tại cảng; tương tự như trường
hợp cho thuê mặt nước trước cảng Hyosung tại khu vực Cái Mép không qua đấu giá.
3. Về quy định đối với tài sản
công:
Tỉnh kiến nghị xem xét sửa đổi bổ sung quy định
của Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày
26/12/2017 của Chính phủ: (i) Quy định được sử dụng tài sản công đã đầu tư xây
dựng mới hoặc sử dụng tài sản hiện có để cho thuê, liên doanh, liên kết để thực
hiện chính sách xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để người
dân được thụ hưởng chất lượng dịch vụ ngày càng cao; (ii) Quy định các Trung
tâm văn hóa - học tập cộng đồng được sử dụng tài sản để cho thuê, liên doanh,
liên kết tương tư như các đơn vị sự nghiệp.
4. Về quy định đối với sắp xếp
các cơ sở nhà, đất:
Tỉnh kiến nghị xem xét bổ sung Nghị định số
167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ theo hướng sau khi được cơ quan có
thẩm quyền sắp xếp các cơ sở nhà, đất được sử dụng tài sản dôi dư để cho thuê
tài sản, liên doanh, liên kết nhằm khai thác tài sản công hiệu quả.
5. Về quy định đối với các
loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa:
Tỉnh kiến nghị giao Bộ Tài chính phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các điều kiện theo tiêu chí, quy mô, tiêu
chuẩn theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 và Quyết định số
693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi
cho các cơ sở xã hội hóa được hưởng các ưu đãi theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP.
6. Về quy định đối với địa
bàn ưu đãi đầu tư (thị xã Phú Mỹ):
Tỉnh kiến nghị: (i) Chấp thuận khi chính sách
pháp luật chưa được sửa đổi phù hợp thì địa bàn thị xã Phú Mỹ được đổi tên từ
huyện Tân Thành vẫn là địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; (ii) Giao
Bộ KHĐT sớm sửa đổi Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư (cập nhật địa bàn thị xã Phú
Mỹ, thay thế cho huyện Tân Thành) tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015
của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014 và có hướng dẫn cụ thể đối với
việc chuyển tiếp các chính sách ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi tên địa
giới hành chính.
7. Về quy định đối với việc
hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư tại địa bàn khác với địa bàn đặt
trụ sở chính:
Tỉnh kiến nghị khi thực hiện Thông tư số
130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, cơ quan thuế đã giải quyết hoàn thuế cho các
dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng). Tuy nhiên, theo kiến nghị của Kiểm
toán nhà nước không cho hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư mở rộng cùng địa
bàn do Luật không quy định điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào địa
bàn tỉnh và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sử dụng vốn để đầu tư và sản
xuất kinh doanh ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị Bộ
Tài chính hướng dẫn cụ thể về đối tượng dự án đầu tư được hoàn thuế; phù hợp với
hướng dẫn Thông tư số 130/2016/TT-BTC.
8. Về quy định đối với việc
xác định cụ thể tiêu chí, quy trình lựa chọn đối tác đầu tư khi thực hiện chuyển
đổi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp:
Tỉnh kiến nghị: (i) Sớm ban hành Nghị định quy định
chi tiết về việc chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước nắm giữ 100%
vốn điều lệ thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên; (ii) Cho phép UBND tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu vận dụng khoản 3 Điều 6 Nghị định số
126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ để quyết định tiêu chí, trình
tự lựa chọn nhà đầu tư góp vốn thành lập Công ty TNHH hai thành viên trong trường
hợp thực hiện việc sắp xếp chuyển đổi công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bà
Rịa - Vũng Tàu thành công ty TNHH hai thành viên trong khi Nghị định chưa được
ban hành.
9. Về vốn thực hiện dự án cầu
Phước An:
Tỉnh kiến nghị xem xét, có ý kiến giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét bố trí 2.000 tỷ đồng vốn Ngân sách Trung ương
cho dự án cầu Phước An trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
để Tỉnh triển khai, khởi công xây dựng công trình trong năm 2021.
10. Về dự án Đường cao tốc
Biên Hòa - Vũng Tàu:
a) Đối với thành phần 1 của Dự án (dài 46,8km,
Biên Hòa - Phú Mỹ - cụm cảng Cái Mép - Thị Vải):
Tỉnh kiến nghị xem xét, giao Bộ Kế hoạch Đầu tư,
Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, cân đối nguồn vốn Ngân sách Trung
ương hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh
Đồng Nai khoảng 4.723 tỷ đồng (diện tích đất thu hồi khoảng 335ha). Phần kinh
phí xây dựng và các chi phí khác khoảng 7.592 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư BOT thực
hiện. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hỗ trợ kinh phí cho dự án đoạn tuyến cao tốc đi
qua tỉnh dài 3,2km (phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 232 tỷ
đồng) và bố trí Ngân sách tỉnh đầu tư đoạn tuyến nhánh dài 8,8km từ đường cao tốc
vào cảng Cái Mép - Thị Vải với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.791 tỷ đồng.
b) Đối với thành phần 2 của Dự án (đoạn từ Phú Mỹ
- Vũng Tàu dài 28km và 2,8km đường nối):
Tỉnh kiến nghị xem xét: (i) Giữ nguyên đầu tư đường
cao tốc, giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động huy động, thu xếp nguồn vốn và
quyết định đầu tư đối với đoạn tuyến từ nút giao Phú Mỹ đến nút giao Vũng Vằn
(Thành phố Bà Rịa) có chiều dài 20 Km; (ii) Cho phép tách ra khỏi quy hoạch đường
cao tốc để Tỉnh quyết định đầu tư đoạn còn lại từ nút giao Vũng Vằn đến Vũng
Tàu dài 8km (nối 02 đô thị Bà Rịa và Vũng Tàu) như tuyến đường trục chính đô thị
theo đúng quy hoạch xây dựng.
11. Về vốn thực hiện dự án
đầu tư Đường 991B:
Tỉnh kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính xem xét cân đối bố trí cho Tỉnh số vốn còn lại 2.432 tỷ đồng trong kế
hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để hoàn thành dự án.
12. Về tuyến đường sắt Biên
Hòa - Vũng Tàu:
Tỉnh kiến nghị xem xét giao cho tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu nghiên cứu dự án tuyến đường sắt kết nối Cảng Cái Mép - Thị Vải theo
hình thức PPP.
13. Về đầu tư các tuyến đường
vành đai 3, vành đai 4 kết nối các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:
Tỉnh kiến nghị giao các Bộ, ngành sớm thúc đẩy dự
án tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh:
Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An (theo Quyết định số
2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
14. Về bổ sung các dự án
vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia:
Tỉnh kiến nghị giao Bộ Công thương tiếp tục xem
xét việc bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 04 dự án còn lại (Nhà
máy nhiệt điện Bà Rịa 2, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3.1, Tổ hợp điện khí hóa lỏng
LNG - Cái Mép hạ, Nhà máy điện khí LNG Long Sơn).
15. Về việc nâng cấp sân
bay Cỏ Ống (Côn Đảo):
Tỉnh kiến nghị xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ
Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan, sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết
Cảng Hàng không Côn Đảo và triển khai đầu tư Dự án nâng cấp sân bay Cỏ Ống nhằm
đáp ứng yêu cầu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện
Côn Đảo.
16. Về quy hoạch vị trí sân
bay Hồ Tràm tại xã Lộc An - huyện Đất Đỏ:
Tỉnh kiến nghị xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Quốc
phòng sớm tổ chức họp Hội đồng thẩm định làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch.
17. Về phát triển hạ tầng
Logistic phục vụ Cảng Cái Mép - Thị Vải:
Tỉnh kiến nghị Bộ Quốc Phòng thống nhất chủ
trương di dời Trường Sỹ quan Lục quân II và cho phép Tỉnh quy hoạch, sử dụng
khu đất trường bắn Lam Sơn tại thị xã Phú Mỹ để xây dựng Trung tâm Logistics
Lam Sơn phục vụ Cảng Cái Mép - Thị Vải.
18. Về việc bổ sung 01 khu
công nghiệp trên địa bàn:
Tỉnh kiến nghị cho phép bổ sung 01 KCN với quy
mô khoảng 1.000 ha tại huyện Xuyên Mộc để chuẩn bị các điều kiện dư địa và thu
hút đầu tư các nhà đầu tư đến với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong giai đoạn 2021-2030.
19. Về dự án Trung tâm
thương mại tổng hợp Lotte Vũng Tàu của Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte
Việt Nam:
Tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm báo
cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty Lotte Việt Nam tiếp tục thuê khu đất
10.400 m2 tại đường Ba tháng Hai, Thi Sách, Phường 8, Thành phố Vũng
Tàu để triển khai Dự án Trung tâm thương mại tổng hợp Lotte Vũng Tàu theo quy định
tại điểm i, khoản 1, Điều 118 Luật Đất đai năm 2018; và không phạt Công ty
Lotte Việt Nam về việc chậm nộp tiền thuê đất.
20. Về việc giải quyết khiếu
nại của Ông Nguyễn Văn Tổng và 14 hộ dân tại Phường 11, Thành phố Vũng Tàu:
Tỉnh kiến nghị xem xét lại nội dung vụ việc khiếu
nại của ông Nguyễn Văn Tổng và các hộ dân tại Phường 11, Thành phố Vũng Tàu bị
Nhà nước thu hồi 5,4ha đất nông nghiệp nhằm bảo đảm việc giải quyết đúng bản chất
vụ việc, không làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
II. TỈNH BÌNH DƯƠNG
1. Về các dự án khu công
nghiệp, khu dân cư phục vụ khu công nghiệp của các Công ty cao su trên địa bàn
tỉnh (Văn bản mật số 100/UBND-KTN ngày 14/8/2019):
Tỉnh kiến nghị xem xét chấp thuận cho các Công
ty cao su (thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam) trên địa bàn tỉnh được thực
hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà không thông qua đấu giá
quyền sử dụng đất.
2. Về các tuyến đường giao
thông:
a) Về bổ sung vốn thực hiện một số công trình
giao thông:
Tỉnh kiến nghị bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính
phủ hoặc ODA cho một số công trình giao thông huyết mạch, mang tính kết nối giữa
tỉnh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: cầu Bạch Đằng 2 (970 tỷ đồng),
đường Thủ Biên - Đất Cuốc (1.000 tỷ đồng).
b) Về việc bổ sung các dự án trong kế hoạch vốn
trung hạn giai đoạn 2021 - 2025:
Tỉnh kiến nghị đưa vào kế hoạch vốn trung hạn
giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các dự án (Đường Vành Đai 3; Đường Vành
Đai 4; Đường cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; mở rộng Quốc lộ 13
thuộc thành phố HCM (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Vĩnh Bình).
c) Về việc xây dựng cầu bắc qua sông Sài Gòn
trên tuyến Vành đai 4:
Tỉnh kiến nghị sớm triển khai đầu tư xây dựng cầu
bắc qua sông Sài Gòn trên tuyến Vành đai 4 nhằm tạo điều kiện phát triển, kết nối
giao thông trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
d) Về việc kéo dài 1,8km tuyến Metro số 1 Thành
phố Hồ Chí Minh bằng vốn vay ODA của Nhật Bản:
Tỉnh kiến nghị ủng hộ tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng
Nai thực hiện kéo dài 1,8km tuyến Metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh bằng vốn vay
ODA của Nhật Bản).
3. Về dự án Cải tạo, mở rộng
Quốc lộ 13:
Tỉnh kiến nghị chấp thuận Dự án cải tạo, mở rộng
Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương là phát sinh của Dự án BOT Quốc lộ
13 hiện hữu và tiếp tục giao cho nhà đầu tư dự án BOT Quốc lộ 13 tiếp tục đầu
tư thực hiện dự án cải tạo, mở rộng do thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ sẽ phát sinh nhiều
khó khăn, vướng mắc (Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu không có tỷ
lệ sở hữu vốn trên 49% cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư).
4. Về điều chỉnh, bổ sung
quy hoạch phát triển các khu công nghiệp:
a) Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III
(1.000ha):
Tỉnh kiến nghị chấp thuận điều chỉnh ranh giới
quy hoạch Khu công nghiệp VSIP III theo hướng kết nối đồng bộ với đường giao
thông, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, giảm thiểu tác động của phát
triển công nghiệp đến cộng đồng dân cư, không thay đổi nội dung về tổng diện
tích, về địa điểm đầu tư nhằm tạo điều kiện triển khai dự án.
b) Dự án Khu công nghiệp Cây Trường:
Tỉnh kiến nghị chấp thuận cho Bình Dương được cập
nhật điều chỉnh ranh giới quy hoạch Khu công nghiệp Cây Trường (700ha) có điều
chỉnh vào hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt tại Công văn số 1563/TTg-KTN ngày 31/8/2016, không thay đổi tổng diện
tích, phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ
cuối (2016-2020) của tỉnh Bình Dương đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết
số 59/NQ-CP ngày 17/05/2018.
5. Về một số vướng mắc
trong công tác bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư dự án Đại học Quốc gia
thành phố Hồ Chí Minh.
a) Về nộp tiền sử dụng tại khu tái định cư Đại học
Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh:
Tỉnh kiến nghị xem xét, chấp thuận cho phép Đại
học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được tạm nợ tiền sử dụng đất khi thực hiện
giao đất tái định cư và sẽ nộp tiền sử dụng đất khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,
bố trí nguồn vốn cho dự án do tổng mức đầu tư dự án đã được Thủ tướng Chính phủ
chấp thuận không có kinh phí tiền sử dụng đất mà Chủ đầu tư phải nộp (khoảng
trên 350 tỷ đồng).
b) Về chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân
chưa nhận tiền:
Tỉnh kiến nghị xem xét chấp thuận đề xuất của Đại
học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về việc được sử dụng lãi suất ngân hàng từ
việc gửi tiết kiệm để chi trả cho các hộ dân (Trước đây khi tiến hành chi trả
tiền bồi thường cho các hộ dân, một số trường hợp chưa đồng ý nhận tiền bồi thường
nên Chủ đầu tư đã gửi số tiền này vào Ngân hàng thương mại nhà nước với hình thức
tiết kiệm).
III. TỈNH BÌNH PHƯỚC
1. Về đầu tư tuyến Cao tốc
Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư và tuyến đường sắt từ
Dĩ An đi Hoa Lư:
Tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư
các tuyến đường này nhằm giảm áp lực vận tải cho các tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ
14 phục vụ phát triển các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh
Tây Nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long.
2. Về tháo gỡ khó khăn về
chỉ tiêu đất ở:
Tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giải
quyết tháo gỡ khó khăn về chỉ tiêu đất ở, tạm phân bổ 1.000ha đất ở tại đô thị
và 1.364ha đất ở tại nông thôn trong Quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 -
2030 để cấp quyền sử dụng đất cho dân và doanh nghiệp.
3. Về điều chỉnh khu công
nghiệp:
Tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép tỉnh
được điều chỉnh quy hoạch và mở rộng 3 Khu công nghiệp của tỉnh, cụ thể: Khu
công nghiệp Minh Hưng - Sikico từ 655ha lên 1.000ha; Khu công nghiệp Minh Hưng
III từ 291,44ha lên 577,53ha; Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú từ 190,20ha lên
317ha.
IV. TỈNH ĐỒNG NAI
1. Về cơ chế, chính sách
phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:
a) Về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án
giao thông và lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long:
Tỉnh kiến nghị ưu tiên quy hoạch đầu tư các công
trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, định hướng lĩnh vực ưu tiên phát triển từng
địa phương. Trước mắt kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến
đường giao thông huyết mạch kết nối liên vùng để tạo động lực phát triển kinh tế
- xã hội vùng như: Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên
Khương, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; mở rộng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ
Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, kéo
dài tuyến đường sắt đô thị từ Quận 9 - TP. HCM đến tỉnh Bình Dương và TP. Biên
Hòa; hệ thống cảng biển nhóm 5 nhằm kết nối có hiệu quả với Cảng HKQT Long
Thành.
b) Về việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách
nhà nước:
Tỉnh kiến nghị phân cấp mạnh hơn nữa về quản lý
kinh tế và quản lý ngân sách để các tỉnh trong vùng có nguồn lực đầu tư phát
triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển; đồng
thời, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho các địa phương có điều tiết lớn
về ngân sách Trung ương (theo hướng mức để lại cho địa phương cao hơn mức
chi ngân sách nhà nước bình quân đầu người so với các địa phương khác vì các địa
phương này hàng năm đón nhận số lượng lớn dân số tăng cơ học, và nhu cầu chi đầu
tư phát triển rất lớn nhằm giữ vững tốc độ tăng trưởng cao để tăng thêm nguồn lực
đầu tư hạ tầng, giải quyết các công trình an sinh xã hội cấp bách, tái đầu tư để
bồi dưỡng nguồn thu).
2. Về điều chỉnh, bổ sung
quy hoạch các Khu công nghiệp:
Tỉnh kiến nghị: (i) Chấp thuận đưa KCN Biên Hòa
1 ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN của tỉnh Đồng Nai, chuyển đổi KCN Biên
Hòa 1 thành Khu đô thị - Thương mại - Dịch vụ; (ii) Bổ sung thêm 02 KCN là: KCN
Phước An quy mô 330ha, và KCN Phước Bình 2 quy mô 590ha vào quy hoạch phát triển
KCN tỉnh Đồng Nai đến năm 2020.
3. Về kinh phí đầu tư xây
dựng tuyến đường liên cảng từ KCN Ông Kèo đến cảng Việt Thuận Thành:
Tỉnh kiến nghị hỗ trợ ngân sách Trung ương khoảng
2.060 tỷ đồng cho tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện giai đoạn 1 của dự án đường
liên cảng từ KCN Ông Kèo đến cảng Việt Thuận Thành (chiều dài 14,25km) tại huyện
Nhơn Trạch, góp phần từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông, thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai, rút ngắn hành trình và tiết giảm
chi phí vận tải hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh trong các khu công nghiệp của
huyện Nhơn Trạch, khai thác tiềm năng hệ thống cảng biển Nhóm V trên địa bàn tỉnh.
4. Về việc hỗ trợ kinh phí
phát triển kinh tế xã hội tỉnh:
Tỉnh kiến nghị xem xét hỗ trợ ngân sách cho tỉnh
Đồng Nai số tiền 1.000 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết
số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, các khoản giảm, giãn từ các năm trước,
các nhiệm vụ phát sinh cần thiết và cấp bách trong năm 2020.
5. Về vướng mắc, chồng
chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật:
Tỉnh kiến nghị chỉ đạo các Bộ, ngành có liên
quan kịp thời có văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện, áp dụng pháp luật
đúng quy định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về các vướng mắc,
chồng chéo của hệ thống pháp luật, trong đó tập trung phân tích vướng mắc giữa
Luật Đầu tư với Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường,
Luật Khoáng sản, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị để ổn định
sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.
V. TỈNH LONG AN
1. Về việc chuyển mục đích
sử dụng đất trồng lúa (1.671,26 ha của
37 dự án);
Tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm
xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng
đất trồng lúa của Tỉnh (1.671,26ha của 37 dự án: 16 dự án cụm công nghiệp, 21 dự
án khu dân cư đô thị).
2. Về vốn giải phóng mặt bằng
dự án Đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa):
Tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm bố trí vốn giải
phóng mặt bằng và vốn trung hạn 2021 - 2025 để đầu tư Dự án này, sớm đưa vào
khai thác sử dụng trước năm 2023.
3. Về triển khai các dự án
đường vành đai 3 và vành đai 4 - Hồ Chí Minh:
Tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm triển khai để tạo
điều kiện kết nối giao thông thuận lợi giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh
Đồng bằng sông Cửu Long.
4. Về hỗ trợ vốn đầu tư trục
giao thông động lực Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang:
Tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn ngân sách
Trung ương đầu tư 03 cầu bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây (dự kiến
khoảng 2.000 tỷ đồng). Tỉnh Long An sẽ thực hiện việc đầu tư xây dựng tuyến đường
bằng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
5. Về dự án Mở rộng Quốc lộ
62 và Quốc lộ N1:
Tỉnh kiến nghị Chính phủ phân bổ vốn chuẩn bị dự
án đầu tư và bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để thực
hiện đầu tư xây dựng tuyến đường này.
6. Về cao tốc Thành phố Hồ
Chí Minh - Trung Lương:
Tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm cho triển khai việc
thu phí để tạo nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông.
VI. TỈNH TÂY NINH
1. Về Hội đồng vùng và
phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:
Tỉnh kiến nghị cho phép thành lập Hội đồng vùng
và kính mời 01 đồng chí đại diện Thường trực Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng
vùng để tổ chức hoạt động được tốt hơn; có ngân sách chung cho cả Vùng để giải
quyết những vấn đề chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
2. Về hạ tầng trong Vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam:
Tỉnh kiến nghị có sự phối hợp để giải quyết kết
nối hạ tầng trong Vùng. Ví dụ: đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với các
tình trong Vùng, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Chơn Thành - Đức Hòa, đường vành
đai 3, 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đường này kết nối các tỉnh trong Vùng. Hiện
nay, đang triển khai lập quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng, xin có những cơ
chế đồng bộ, cụ thể để triển khai thực hiện liên kết vùng ngày càng tốt hơn.
VII. TỈNH TIỀN GIANG
1. Về hạ tầng cơ sở:
Tỉnh kiến nghị bên cạnh việc phải đẩy nhanh tiến
độ xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (hoàn thành vào cuối năm 2020), tỉnh
cần xem xét Dự án Trục động lực TPHCM - Long An - Tiền Giang (54.5km, nối từ đường
Phạm Hùng - TPHCM qua Long An (34.5 km) đến ngã ba Trung Lương (Tiền Giang) -
có kết nối với đường vành đai 3, 4 của TPHCM đã được thống nhất giữa 3 tỉnh, có
tính liên thông cao giữa các cảng biển (Long An, Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép)
hay sân bay Long Thành đã nhiều lần được đề nghị được đưa vào quy hoạch mạng lưới
đường bộ quốc gia nhưng chưa được xem xét. Ý kiến gần nhất của Bộ Giao thông vận
tải là để rút ngắn thời gian triển khai thì thay vì đưa vào quy hoạch quốc gia
thì 3 tỉnh (TPHCM, Long An, Tiền Giang) chia Dự án thành 3 dự án của địa phương
(đưa vào quy hoạch tỉnh) để có thể tự triển khai. Ngoài ra, có thể xem xét đưa
các Dự án vào danh mục cấp bách, để rút gọn thủ tục đầu tư, hoặc kêu gọi đầu tư
theo hình thức PPP.
Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xây dựng danh mục
các công trình cấp quốc gia, cấp vùng nhất là các công trình về kết cấu hạ tầng
để tập trung chỉ đạo theo quy chuẩn thống nhất, tạo điều kiện cho hình thành và
thực hiện cơ chế chỉ huy, quản lý thống nhất trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp
cho chính quyền địa phương thống nhất quản lý theo lãnh thổ.
2. Về giá lợn heo:
CPI của tỉnh tăng trong tháng 5 một phần đến từ
việc giá thịt heo tăng, cần tiếp tục nghiên cứu xem xét việc tái đàn một cách
an toàn, đàn lợn của Tỉnh hiện giảm 38% so với cùng kỳ.
3. Về môi trường:
Xâm hạn mặn, sạt lở đất, Tỉnh cần có các dự án cụ
thể liên quan tới biến đổi khí hậu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê
duyệt./.