Thông báo 197/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 197/TB-VPCP
Ngày ban hành 05/06/2020
Ngày có hiệu lực 05/06/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Thể thao - Y tế

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 197/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NINH

Ngày 24 tháng 5 năm 2020, tại thành phố Hạ Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 371/TB-VPCP ngày 24 tháng 9 năm 2018. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty than Đông Bắc. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện xuất sắc “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt, chủ động, với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phòng chống dịch COVID-19, vừa nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhóm dẫn đầu cả nước. Quảng Ninh là tỉnh năng động, dám nghĩ, dám làm, vận dụng thành công nhiều hình thức đầu tư, tạo điều kiện thu hút nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

Quảng Ninh khẳng định được vai trò là một cực tăng trưởng mạnh toàn diện của vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 -2019 đạt khoảng 11%. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 6% trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ tăng lên 46%. Quảng Ninh là hình mẫu về chuyển đổi mô hình kinh tế thành công từ “đen” sang “xanh”, áp dụng công nghệ mới, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Thành công trong cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi công nghệ, bảo vệ tốt môi trường của Quảng Ninh đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các địa phương trên cả nước.

Thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 6.500 USD (gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 85% (thuộc nhóm cao nhất cả nước). Quảng Ninh là tỉnh thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công đầu tiên ở nước ta; là tỉnh đầu tiên thí điểm xây dựng Trung tâm Truyền thông tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 3 năm qua luôn giữ vị trí dẫn đầu các tỉnh, thành phố cả nước; 7 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Trong 3 năm 2017 - 2019, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng đầu cả nước. Toàn tỉnh có 07/13 địa phương cấp huyện, 89/98 xã (91%) đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa cao đạt trên 65% (thuộc nhóm cao nhất cả nước).

Một trong những dấu ấn của Quảng Ninh là phát triển kết cấu hạ tầng với hàng loạt công trình lớn từ sân bay đến bến cảng, hệ thống cao tốc ..., trong đó nhiều công trình được đầu tư theo hình thức PPP. Huy động vốn xã hội đạt gần 160.000 tỷ đồng, tăng hơn 87% so với năm 2015.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm; thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,36% (thấp hơn mức bình quân cả nước 4%). Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân là 14,8, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 54,6 (cao hơn mức bình quân của cả nước); trên 97% dân số được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I năm 2020 đạt 7,2% (cao gấp gần 2 lần cả nước); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,5%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4 tháng đầu năm đạt hơn 16.562 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, 100 nghìn công nhân ngành than vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn làm việc tại các hầm mỏ để khai thác, cung cấp năng lượng cho đất nước. Tỉnh đã thực hiện tốt việc khởi động các hoạt động du lịch sau ảnh hưởng dịch Covid-19.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đổi mới xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được chú trọng. Kịp thời, sáng tạo cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả chính sách, pháp luật. Tích cực chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV. Quốc phòng, an ninh trên địa bàn được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đấu tranh phòng chống tội phạm được triển khai quyết liệt. Công tác đối ngoại được tăng cường, tích cực mở rộng hợp tác phát triển du lịch và xúc tiến đầu tư.

Bên cạnh kết quả đạt được, Quảng Ninh còn một số khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới: Tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế, tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, nhưng đóng góp vào thành quả chung của đất nước còn chưa tương xứng. Du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng còn chậm so với tiềm năng, lợi thế. Thương mại biên giới phát triển chưa bền vững. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa có nhiều đột phá; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải và nước thải tại một số đô thị và một số địa bàn chưa đạt yêu cầu. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn bất cập.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra với tầm nhìn mới, tư duy sáng tạo, đột phá, không chủ quan, thỏa mãn với thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh cần nỗ lực phấn đấu, vươn lên tầm cao mới, không ngừng đổi mới, tìm ra những giải pháp đột phá về thể chế, về môi trường kinh doanh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020.

2. Quảng Ninh phải là trụ cột của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, một trung tâm phát triển không chỉ của vùng Đông Bắc mà của phía Bắc đất nước, vừa là phên dậu vững chắc, vừa là một động lực đóng góp cho phát triển đất nước; phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

3. Hỗ trợ, phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô, chất lượng cao; có chiến lược hình thành, phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế. Đẩy mạnh khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, chế biến, chế tạo, phát triển kinh tế biển... Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, xóa nghèo bền vững.

4. Rà soát hoàn thiện và tập trung thực hiện tốt các quy hoạch theo hướng xây dựng Quảng Ninh trở thành đô thị hiện đại, thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, an toàn và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, theo chuẩn mực của khu vực và thế giới. Phát triển đô thị gắn kết với nông thôn và hình thành lối sống văn minh, văn hóa, trở thành một động lực tăng trưởng mới.

5. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp gắn với chuỗi cung, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là các chuỗi cung đang chuyển dịch sau đại dịch Covid-19; đột phá trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án có tính liên kết cao, các khu kinh tế, hệ thống cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng, dịch vụ, giao thương quốc tế. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong các khu công nghiệp, khai thác và chế biến than, đô thị, vùng nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

6. Quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phát triển du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, trên nền tảng chiều sâu văn hóa; xây dựng các sản phẩm dịch vụ, du lịch đặc sắc, có sức cạnh tranh cao, là trung tâm du lịch động lực của quốc gia. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội; xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động, sáng tạo, hào sảng, văn minh, thân thiện”. Quan tâm và làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các di sản; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại di sản; không để hoạt động kinh tế gây tác động tiêu cực đến di sản.

7. Quyết tâm giữ vững thứ hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng chuẩn quốc tế; phát huy vai trò năng động, sáng tạo, quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo, với mục tiêu phát triển bền vững, chia sẻ thành quả đến người dân.

8. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường an toàn để doanh nghiệp và người dân đầu tư, sản xuất kinh doanh.

9. Tập trung chuẩn bị và tiến hành tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đi đôi với tiếp tục làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng.

10. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện để Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề nghị thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên: Đồng ý về nguyên tắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan thành lập khu kinh tế Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2020.

2. Về đề nghị cho phép Khu công nghiệp Việt Hưng (giai đoạn I và giai đoạn II) được phát triển thành Khu công nghiệp Hỗ trợ và được hưởng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 và Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ:

Đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý kiến nghị của Tỉnh theo quy định, theo hướng ủng hộ thành lập để sớm có khu công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng cao tại tỉnh Quảng Ninh.

3. Về đề nghị thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp có casino tại Khu kinh tế Vân Đồn:

[...]