Nghị quyết 57/NQ-CP năm 2022 về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành

Số hiệu 57/NQ-CP
Ngày ban hành 21/04/2022
Ngày có hiệu lực 21/04/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Văn Thành
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/NQ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN THỂ CHẾ LIÊN KẾT VÙNG KINH TẾ - XÃ HỘI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 6773/TTr-BKHĐT ngày 06 tháng 10 năm 2021 và Tờ trình số 1563/TTr-BKHĐT ngày 11 tháng 3 năm 2022.

QUYẾT NGHỊ:

Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng và đã được Đảng chỉ đạo tại Văn kiện các đại hội VIII, X và XI, mới đây nhất là Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên quan, bao gồm các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.

Mặc dù vậy, thể chế liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chủ trương, chính sách về liên kết vùng chậm đi vào thực thi; vai trò của chủ thể tham gia liên kết vùng, đặc biệt là chính quyền trung ương, còn mờ nhạt; và cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực và hiệu quả cao nhất. Những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng như: các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất; các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; các địa phương trong vùng chú trọng phát triển liên kết với những thành phố lớn, đóng vai trò đầu tàu (như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh), chưa quan tâm đến liên kết giữa các địa phương trong vùng; chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành; các nội dung liên kết vùng quan trọng (như liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch; liên kết đầu tư phát triển; liên kết trong việc đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng...) chưa được triển khai một cách đầy đủ.

Để khắc phục những hạn chế trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, liền mạch hơn, góp phần tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động và nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng vì sự phát triển chung của đất nước và của vùng, đồng thời quán triệt các quan điểm và nghiêm túc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Thể chế liên kết vùng phải lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng; phát huy vai trò điều phối, có tính then chốt và hiệu quả của chính quyền trung ương; huy động sự tham gia và gắn kết giữa các bên tham gia liên kết vùng trên cơ sở tôn trọng, hài hòa lợi ích, khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo, đảm bảo tạo lập và củng cố sự tin tưởng lẫn nhau.

2. Hoàn thiện thể chế liên kết vùng bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn, có kế thừa những kết quả và thực tiễn tốt trong giai đoạn trước; và ưu tiên cao nhất lợi ích của quốc gia, của toàn vùng, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng.

3. Xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi cho các chính quyền địa phương thực hiện liên kết vùng, đặc biệt trong các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng vùng; quản lý và khai thác nguồn nước; thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; phát huy văn hóa dân tộc; phòng chống tội phạm,...

4. Thể chế liên kết vùng cần đảm bảo sự vận hành đồng bộ, nhất quán, hiệu quả các quy định pháp lý về liên kết vùng và kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện chính sách vùng.

5. Thể chế liên kết vùng cần được hoàn thiện theo lộ trình, nhất quán với yêu cầu cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tránh phát sinh thủ tục và cấp trung gian.

II. MỤC TIÊU

Hoàn thiện thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tăng cường vai trò điều phối liên kết vùng của chính quyền trung ương, tạo kênh thông tin, thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững. Đồng thời, hoàn thiện thể chế liên kết vùng nhằm phát triển đồng bộ và tạo sự liên kết giữa các vùng gắn với liên kết các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; đổi mới phân cấp và nâng cao hiệu quả phối hợp trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.

III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp sau:

1. Nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2020 về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm; Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2020 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2019 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2019 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2019 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng miền Trung, định kỳ 06 tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Rà soát các quy hoạch liên quan (trong thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình) để điều chỉnh hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch ngành phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng và Luật Quy hoạch 2017.

c) Chủ động phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin của bộ, ngành, địa phương và thông tin vùng nhằm hướng tới tăng cường chia sẻ thông tin và tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nâng cao tần suất, hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu chung và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các vùng.

d) Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng và các hệ lụy do thiếu hợp tác đối với nền kinh tế quốc gia, vùng và địa phương.

đ) Rà soát, kiện toàn trong hoạt động đầu tư nâng cấp, tăng cường tiềm lực đối với các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành trung ương đóng tại các vùng kinh tế - xã hội để các cơ sở này có đủ năng lực và điều kiện để giải quyết các vấn đề đặt ra của vùng.

e) Thường xuyên trao đổi, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách phát triển vùng, từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

[...]