KẾ HOẠCH
CÔNG TÁC KIỂM TRA, RÀ SOÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM
2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1808 /QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2013
của Ủy ban nhân dân thành phố)
Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác tư
pháp năm 2013 theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2013 của Ủy
ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh
tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2013; Báo cáo số 16/BC-BTP ngày 19 tháng
01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2013 và
phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác tư pháp năm 2013;
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch công
tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2013 với những nội dung
sau:
I. NỘI DUNG CÔNG TÁC
1. Kiểm tra, xử lý văn bản
quy phạm pháp luật:
a) Công tác tự kiểm tra:
- Tổ chức tự kiểm tra 100% văn bản quy phạm pháp
luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 01
tháng 10 năm 2012 đến ngày 30 tháng 9 năm 2013.
- Tổ chức tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành có nội dung thuộc bí mật nhà nước ban
hành từ từ 01 tháng 10 năm 2011 đến 30 tháng 9 năm 2013.
b) Công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền:
Kiểm tra 100% văn bản quy phạm pháp luật do Ủy
ban nhân dân quận, huyện ban hành gửi đến Sở Tư pháp để kiểm tra; văn bản quy
phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, Hội đồng nhân dân xã,
thị trấn ban hành gửi đến Phòng Tư pháp quận, huyện để kiểm tra; kịp thời phát
hiện, xử lý những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo quy định.
c) Tổ chức kiểm tra chuyên đề tại cơ quan ban
hành, soạn thảo văn bản:
- Tổ chức Đoàn liên ngành do Sở Tư pháp làm Trưởng
đoàn kiểm tra công tác kiểm tra, rà soát văn bản tại các đơn vị sau:
+ Ủy ban nhân dân quận 1, 2, 3, 5, 10, 12, quận
Tân Phú và huyện Cần Giờ;
+ Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền
thông, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Nội dung kiểm tra: Việc thực hiện công tác soạn
thảo, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại đơn vị; kiểm tra văn bản
quy phạm pháp luật thuộc Danh mục văn bản còn hiệu lực do Ủy ban nhân dân quận,
huyện ban hành.
2. Rà soát văn bản quy phạm
pháp luật:
a) Thực hiện rà soát thường xuyên các văn bản
quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân
dân quận, huyện ban hành khi cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản mới, hoặc
tình hình kinh tế - xã hội thay đổi làm cho văn bản không còn phù hợp;
b) Tổ chức rà soát chuyên đề theo yêu cầu của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương.
3. Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:
a) Tổ chức rà soát văn bản phục vụ việc cập nhật
hiệu lực văn bản theo quy định của Quy chế quản lý, sử dụng Trang Thông tin điện
tử Công báo thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 68/2009/QĐ-UBND
ngày 21 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Thực hiện thường xuyên việc rà soát và cập nhật
vào Cơ sở dữ liệu Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đối
với văn bản do Ủy ban nhân dân quận, huyện ban hành, văn bản hướng dẫn do Sở,
ngành ban hành còn hiệu lực thi hành.
4. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn
nghiệp vụ:
a) Tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch công tác
rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật năm 2013.
b) Tổ chức Hội nghị tập huấn, triển khai thực hiện
Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát,
hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
5. Ban hành quy định về kinh
phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm
pháp luật:
Soạn thảo, ban hành Quy định về mức chi kinh phí
bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm
pháp luật theo quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17
tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp Quy định việc lập dự toán, quản
lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà
soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
II. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp:
a) Tổ chức tự kiểm tra đối với văn bản quy phạm
pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước
của ngành Tư pháp.
b) Tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền đối với văn
bản do Ủy ban nhân dân quận, huyện gửi đến Sở Tư pháp để kiểm tra (cả năm).
c) Quyết định thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra
về công tác kiểm tra, rà soát văn bản tại quận, huyện, Sở, ngành; xây dựng kế
hoạch và tổ chức kiểm tra; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả kiểm tra
(Tháng 7 năm 2013).
d) Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố
xác định danh mục văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước
trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt để kiểm tra. Chủ trì phối hợp với
Công an thành phố, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tổ chức tự kiểm tra văn bản
theo trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 42/2009/QĐ-TTG ngày 16 tháng
3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về kiểm tra, xử lý văn bản
quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước (Quý 4/2013).
e) Tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch công tác
kiểm tra, rà soát văn bản năm 2013 (tháng 4 năm 2013) và Hội nghị tập huấn về
Nghị định số 16/2013/NĐ-CP (được tổ chức sau khi Bộ Tư pháp đã ban hành Thông
tư Hướng dẫn và tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện Nghị định số
16/2013/NĐ-CP trên cả nước).
g) Thực hiện công tác rà soát văn bản phục vụ việc
cập nhật hiệu lực văn bản vào Cơ sở dữ liệu Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
thành phố (báo cáo 6 tháng/lần);
h) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thành phố,
Ủy ban nhân dân quận, huyện rà soát các quy định pháp luật về các chuyên đề
sau:
- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục trẻ em (theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại
Công văn số 10242/VP-VX ngày 22 tháng 12 năm 2012);
- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách
dân số, sức khỏe sinh sản theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong
lĩnh vực dân số sinh sản (theo Quyết định số 3905/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm
2012 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến
lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn
2011-2015);
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về nghề
công tác xã hội (theo Quyết định số 1511/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2011 của Ủy
ban nhân dân thành phố Về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số
32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề
án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn thành phố);
- Rà soát, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi các văn
bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy chồng chéo, không phù hợp; đồng
thời bổ sung những quy định chế tài nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác đấu
tranh phòng, chống tội phạm về tệ nạn ma túy (theo Kế hoạch số 3937/KH-UBND
ngày 09 tháng 08 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức thực hiện
Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng
đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh);
- Rà soát văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân thành phố ban hành có nội dung liên quan đến các quy định của Luật
Giám định tư pháp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp (theo Quyết
định số 230/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp
trên địa bàn thành phố Hồ chí Minh);
Thời gian thực hiện: trong năm 2013, chậm
nhất là đến hết Quý II năm 2014.
k) Chủ trì soạn thảo và tham mưu cho Ủy ban nhân
dân thành phố ban hành quy định về mức chi kinh phí đảm bảo cho công tác kiểm
tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (Quý 4/2013).
2. Thủ trưởng các Sở -
ngành thành phố:
a) Tổ chức tự kiểm tra đối với các văn bản do Ủy
ban nhân dân thành phố ban hành có nội dung thuộc lĩnh vực được giao phụ trách
nêu tại điểm a khoản 1 Mục I Kế hoạch này (thực hiện cả năm, báo cáo kết quả 6
tháng/lần).
b) Chủ động rà soát thường xuyên văn bản do Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành có nội dung thuộc lĩnh vực được
giao phụ trách (thực hiện cả năm, báo cáo kết quả 6 tháng/lần); phối hợp với Sở
Tư pháp thực hiện việc rà soát văn bản nêu tại điểm b khoản 3 Mục I và điểm h
khoản 1 Mục II Kế hoạch này.
d) Tổ chức rà soát đối với văn bản hướng dẫn do
mình ban hành và gửi văn bản điện tử để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hệ thống văn
bản quy phạm pháp luật trên Công báo điện tử thành phố đối với những văn bản
còn hiệu lực thi hành.
e) Cử cán bộ, công chức tham gia Đoàn liên ngành
do Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn để thực hiện công tác kiểm tra rà soát văn bản tại
quận, huyện, Sở, ngành và tự kiểm tra văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân
dân quận - huyện:
a) Chỉ đạo tổ chức công tác tự kiểm tra và kiểm
tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền (quy định tại Mục I Kế hoạch
này);
b) Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện Kế hoạch kiểm
tra văn bản tại các quận, huyện (điểm c khoản 1 Mục I Kế hoạch này).
c) Tổ chức rà soát thường xuyên 6 tháng/lần đối
với văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực; gửi đầy đủ văn bản quy phạm pháp
luật do mình ban hành (văn bản điện tử) để cập nhật trên Trang Hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật của thành phố;
d) Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc rà
soát văn bản theo chuyên đề.
4. Trung tâm Công báo
thành phố:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ủy ban nhân
dân các quận, huyện, Sở, ngành thành phố thực hiện cập nhật văn bản vào Cơ sở dữ
hiệu Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thành phố;
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí bảo đảm cho công
tác kiểm tra và rà soát văn bản áp dụng mức chi theo quy định của Thông tư liên
tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư
pháp về quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo
đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp
luật.
2. Giao Sở Tài chính hướng dẫn
việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác
kiểm tra, rà soát văn bản thực hiện Kế hoạch này theo quy định./.