Luật giám định tư pháp 2012

Số hiệu 13/2012/QH13
Ngày ban hành 20/06/2012
Ngày có hiệu lực 01/01/2013
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 13/2012/QH13

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2012

 

LUẬT

GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật giám định tư pháp.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

2. Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

3. Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

4. Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

5. Người giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc.

6. Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp.

7. Người giám định tư pháp theo vụ việc là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 18 và Điều 20 của Luật này, được trưng cầu, yêu cầu giám định.

8. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc là cơ quan, tổ chức đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này, được trưng cầu, yêu cầu giám định.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp

1. Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn.

2. Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời.

3. Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định.

Điều 4. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động giám định tư pháp

1. Cá nhân, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cá nhân, tổ chức khác có trách nhiệm tạo điều kiện để người giám định tư pháp thực hiện giám định theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp

1. Nhà nước đầu tư, phát triển hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực có nhu cầu giám định lớn, thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng; có chính sách ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập phát triển.

[...]
64
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ