Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 3937/KH-UBND tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 3937/KH-UBND
Ngày ban hành 09/08/2012
Ngày có hiệu lực 09/08/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Minh Trí
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3937/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 8 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TÚY ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, Kế hoạch số 215/KH-BCA-C11 ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Bộ Công an và Chương trình hành động số 49-Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy;

Căn cứ đặc điểm tình hình hoạt động của tội phạm ma túy tại địa phương và dự báo tình hình tội phạm ma túy hoạt động trong những năm tới, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Kế hoạch thực hiện Chiến lược) với nội dung như sau:

I. THỰC TRẠNG VÀ DỰ BÁO TÌNH HÌNH TỘI PHẠM VÀ TỆ NẠN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong những năm qua, công tác phòng, chống ma túy luôn được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách thường xuyên liên tục, quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm, xác định mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu rõ ràng. Mặc dù tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp nhưng do chủ động dự báo đúng và tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời nắm bắt phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm nên đã triệt phá và làm rõ phương thức thủ đoạn hoạt động của nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn từ các tỉnh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam đưa về thành phố tiêu thụ, trung chuyển ma túy ra nước ngoài và ngược lại... Song song đó, các tụ điểm tệ nạn ma túy trong khu dân cư được tập trung chuyển hóa đáng kể, không còn tình trạng hút chích công khai như trước; số người nghiện được tập trung cai nghiện làm giảm bớt các hệ lụy do ma túy gây ra trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, dự báo tình hình mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy trong những năm tới tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, hoạt động vận chuyển, mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng đa dạng, các đường dây mua bán được tổ chức mang tính chuyên nghiệp, nhiều mắt xích, tinh vi, khép kín; việc mua bán, sử dụng ma túy nhỏ lẻ trong cộng đồng dân cư, tại các nơi công cộng, vũ trường, quán bar, nhà hàng vẫn còn diễn ra; xu hướng đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp tại các quán bar, khách sạn, nhà trọ hay ở nhà riêng ngày càng tăng, tập trung nhiều vào đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ở khu vực đô thị; tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao, hiệu quả cai nghiện tại các trung tâm và việc thí điểm điều trị thay thế các chất gây nghiện bằng thuốc Methadone chưa đem lại kết quả như mong muốn.

II. QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO

1. Quán triệt đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị theo Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030:

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, đưa nội dung này vào chương trình hoạt động, chỉ đạo thường xuyên bằng việc cụ thể hóa thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở từng đơn vị, địa phương.

- Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.

- Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, bền bỉ cũng như sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Nội dung công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải được lồng ghép, kết hợp chặt chẽ với công tác phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thực hiện chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá, giải quyết việc làm, xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư…

- Đầu tư cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của thành phố và của đất nước. Chính quyền các cấp bảo đảm việc huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng và tài trợ của quốc tế.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Coi trọng công tác phòng, chống ma túy từ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp, trường học, tập trung vào nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ và của tất cả công dân.

- Tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế trong phòng, chống và kiểm soát ma túy.

2. Phương châm và định hướng chỉ đạo:

- Chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy phải có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung các tuyến, địa bàn phường, xã trọng điểm phức tạp về ma túy; tập trung giải quyết dứt điểm các tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy ngay từ khi hình thành; giữ vững địa bàn, kiên quyết không để tái phức tạp các điểm, tụ điểm đã được giải quyết hoặc không để phát sinh điểm, tụ điểm mới.

- Hướng về cơ sở, lấy phường, xã, thị trấn, trường học, doanh nghiệp làm địa bàn tập trung chỉ đạo; triển khai đồng bộ các giải pháp, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, đẩy mạnh công tác đấu tranh, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

- Nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong công tác phòng, chống ma túy, phát huy vai trò của các cấp, các ngành, đoàn thể dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền.

- Chính quyền thành phố tạo cơ chế, chính sách và hỗ trợ nguồn lực, địa phương, đơn vị cơ sở chủ động phát huy năng lực, điều kiện, sáng tạo trong giải pháp thực hiện.

III. MỤC TIÊU - NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu chung:

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, các đoàn thể xã hội và các tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy, trên cơ sở đó phát huy vai trò của các ngành, đoàn thể, lực lượng quần chúng, huy động các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tham gia phòng, chống ma túy, làm trong sạch địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy; đồng thời nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, các đoàn thể để chủ động phòng ngừa, từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do ma túy gây ra nhằm tạo môi trường xã hội trong sạch lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Tập trung đầu tư nguồn lực cho phường, xã, thị trấn. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp: tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa nhằm hạn chế, tiến tới làm giảm phát sinh người nghiện mới và người tái nghiện; đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy; triệt phá cơ bản tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy; tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần kiềm chế, tiến tới giảm tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn phường, xã, thị trấn.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- Giảm ít nhất từ 30% đến 40% số người nghiện ma túy trong danh sách quản lý so với hiện nay.

- Phấn đấu đạt 70% số xã, phường, thị trấn, khu dân cư; 90% cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và từ 95% đến 98% số trường học phổ thông không có tệ nạn ma túy.

[...]