Quyết định 952/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu Dứa phục vụ chế biến, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 952/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/05/2017
Ngày có hiệu lực 09/05/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đức Chính
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 952/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 09 tháng 5 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU DỨA PHỤC VỤ CHẾ BIẾN, THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1006/QĐ-BNN-TT ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1817/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 2211/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp Quảng Trị đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 648/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phân bổ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới năm 2017;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 59/T.Tr-SNN ngày 30 tháng 3 năm 2017 và đề nghị của Sở Tài chính tại văn bản số 1131/STC-TCDN ngày 08 tháng 5 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu Dứa phục vụ chế biến, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đề án: Đề án phát triển vùng nguyên liệu Dứa phục vụ chế biến, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020.

2. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2017 - 2020.

3. Mục tiêu:

- Nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đất trồng trọt trên cơ sở sử dụng hiệu quả các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, lao động, nguồn vốn, khoa học công nghệ… và sản phẩm đầu ra nhằm cải tạo vùng cát ven biển, tận dụng tối đa quỹ đất vùng gò đồi và miền núi, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân;

- Tăng cường tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tuyên truyền về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo mối gắn kết giữa người sản xuất với Doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Dứa;

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân;

- Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với liên kết 04 nhà trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Dứa quả giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, làm cơ sở thực hiện việc mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh;

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng thêm thu nhập cho nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu.

4. Nội dung đề án:

4.1. Đối tượng tham gia: Các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân (sau đây gọi là các tổ chức, cá nhân) tham gia hoặc hợp tác đầu tư phát triển sản xuất; tiêu thụ sản phẩm; tổ chức sơ chế, chế biến; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ liên quan đến cây Dứa.

4.2. Diện tích thực hiện: Kế hoạch diện tích chuyển đổi trồng Dứa giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn toàn tỉnh là 1.099,01 ha. Trong đó:

+ Năm 2017 tập trung xây dựng các mô hình điểm về sản xuất và tiêu thụ Dứa theo mô hình tập trung với quy mô toàn tỉnh: 99,01 ha (chi tiết theo Phụ lục I đính kèm).

+ Từ năm 2018 - 2020, đánh giá hiệu quả, mở rộng diện tích trồng Dứa ra các địa phương khác với diện tích trồng mới mỗi năm từ 200 - 300 ha, diện tích trồng xen từ 300 - 500 ha. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích trồng Dứa trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu 1.000 ha để ký kết xây dựng Nhà máy chế biến sản phẩm Dứa.

4.3. Cơ chế hỗ trợ và kinh phí thực hiện:

4.3.1. Cơ chế hỗ trợ: Năm 2017:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 30% tổng chi phí xây dựng mô hình (tập trung hỗ trợ 30% giá giống, chi phí mua chế phẩm xử lý ra hoa, chi phí mua bạt nilon để phủ luống); hỗ trợ 100% kinh phí kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện đề án và hội nghị rút kinh nghiệm;

[...]