Quyết định 837/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 837/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/05/2022
Ngày có hiệu lực 12/05/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 837/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 12 tháng 5 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG HƯỚNG ĐẾN TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG VÀ HIỆN ĐẠI GIAI ĐOẠN 2021-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền định phương;

Căn cứ Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, về Phát triển Nông nghiệp toàn diện bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025;

Căn cứ Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 19/TTr-SNN ngày 24/01/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng hướng đến phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chỉ tịch Hội Nông dân tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG HƯỚNG ĐẾN TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG VÀ HIỆN ĐẠI GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số: 837/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Triển khai Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021-2025 với các nội dung sau:

I. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm:

a) Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền nông nghiệp theo Nghị quyết số 05-NQ/TU trong giai đoạn 2021-2025, phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

b) Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững, hiện đại có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; có các điều kiện tiệm cận với các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; hình thành hệ thống lương thực, thực phẩm phẩm bền vững, hiệu quả, linh hoạt đảm bảo an ninh lương thực; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

2. Mục tiêu:

Một số chỉ tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025 như sau:

2.1. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 4,5-5%; trong đó, cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp: trồng trọt 75-78%, chăn nuôi 18-20%, dịch vụ 4-5%.

2.2. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác nông nghiệp, nâng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích trung bình 220 triệu đồng/ha/năm; diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt 25% diện tích canh tác trong đó diện tích nông nghiệp thông minh đạt 1.000 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt 1.600 ha; giảm 40.000 ha có giá trị sản phẩm dưới 50 triệu đồng/ha/năm, đưa diện tích sản xuất kém hiệu quả xuống còn dưới 5% diện tích canh tác (tương ứng 15.000 ha).

2.3. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu mỗi năm tăng ít nhất 10% số chuỗi, số hộ tham gia và 20% giá trị nông sản qua chuỗi, đến năm 2025 có 265 chuỗi, với trên 26.700 hộ tham gia chuỗi; nâng tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi đạt 50% giá trị nông sản toàn tỉnh.

2.4. Toàn tỉnh có trên 100.000 ha và 10% đàn vật nuôi được chứng nhận sản xuất an toàn, bền vững; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm và 99% nông sản được kiểm nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

[...]