Kế hoạch 06/KH-UBND năm 2022 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 06/KH-UBND
Ngày ban hành 10/01/2022
Ngày có hiệu lực 10/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Phạm Văn Thành
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 10 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG NINH, GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 15/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 07/10/2021 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 423-KH/TU ngày 25/6/2020 của Tỉnh ủy về Kế hoạch thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kế hoạch số 98-KH/TU ngày 13/10/2021 của Tỉnh ủy “Thực hiện Kết luận số 81- KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”;

Căn cứ Nghị quyết số 300/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 5253/SNNPTNT-KHTC ngày 03/11/2021 và văn bản số 6326/SNNPTNT-KHTC ngày 30/12/2021; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung.

Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung cho sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ ứng dụng công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững (nông nghiệp hữu cơ, bền vững, sinh thái, thực phẩm xanh, ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, gắn với du lịch, dịch vụ, thương mại, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu...) nhằm mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, trở thành trụ cột trong cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh, từ đó tăng thu nhập của nông dân, đóng góp vào mục tiêu chung phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đồng bộ với tăng trưởng xanh phát triển đô thị và công nghiệp dịch vụ hiện đại của Tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể.

- Tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp trong GRDP của tỉnh là 3 - 5%;

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành khoảng 3,5 - 5,5%;

- Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng;

- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99%;

- Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới nước đạt 90% so với tổng diện tích gieo trồng;

- Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn đạt khoảng 5.000 USD/người/năm.

- Sản lượng lương thực khoảng 230.000 tấn/năm; Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 124.388 tấn;

- Trồng rừng tập trung trên 10.000 ha/năm; Sản lượng khai thác gỗ từ 450.000 - 550.000 m3/năm; Cấp chứng chỉ rừng bền vững khoảng 15.000 ha rừng trồng sản xuất;

- Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 177.000 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng 110.000 tấn, khai thác 67.000 tấn); Tổng giá trị sản xuất thủy sản theo giá cố định tăng trưởng khoảng 7,2%/năm (trong đó: nuôi trồng tăng 8,7%/năm; khai thác tăng 5,5%/năm)

- Cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng trong lĩnh vực thủy sản chiếm trên 60% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh; tỷ trọng chăn nuôi tăng 55%-60% trong cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi);

- Cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh phải đảm bảo đạt và vượt 15 tiêu chí theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 15/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 (tại phụ lục 3 kèm theo kế hoạch).

- Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đồng thời với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Đến hết năm 2022 có thêm 4 đơn vị cấp huyện (Hạ Long, Vân Đồn, Bình Liêu và Ba Chẽ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

[...]