Quyết định 771/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Số hiệu 771/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/04/2023
Ngày có hiệu lực 21/04/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Hà Sỹ Đồng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 771/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 21 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19/11/2018;

Căn cứ Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 97/TTr-SNN ngày 11/4/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ” áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN&PTNT;
- Cục Trồng trọt;
- CT, PCT TT Hà Sỹ Đồng;
- PVP Nguyễn Cửu;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Sỹ Đồng

 

QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ

(Kèm theo Quyết định số: 771/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị)

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

I. Phạm vi áp dụng: Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ được áp dụng để tổ chức sản xuất lúa hữu cơ theo: TCVN 11041-2: 2017 (Trồng trọt Hữu cơ) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

II. Nguyên tắc chung

1. Duy trì và tăng độ phì của đất tự nhiên, sự ổn định và tơi xốp của đất, chống xói mòn đất và giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng chủ yếu qua hệ thống sinh thái đất;

2. Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo và các vật tư, nguyên liệu đầu vào không có nguồn gốc nông nghiệp;

3. Tái chế chất thải, các phụ phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật làm nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt;

4. Có tính cân bằng sinh thái tại khu vực sản xuất;

5. Duy trì sức khỏe cây trồng bằng các biện pháp phòng ngừa;

6. Không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường chung quanh;

7. Không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ;

8. Sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.

[...]