ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
67/2014/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 24 tháng 10 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT
VÀ DỊCH VỤ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN CÁC XÃ THUỘC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN
2014 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP
ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
Căn cứ Quyết định số
50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ
trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2013 của liên Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13
tháng 4 năm 2011 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số
800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của liên Bộ Tài chính và Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng
kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 của liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về
việc hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công Quốc gia và
kinh phí khuyến công địa phương;
Căn cứ Công văn số 99/KTNS-THKT
ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Thường trực HĐND tỉnh về việc quy định tạm thời
chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn thuộc Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
Theo đề nghị của liên ngành Tài
chính và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số
2552/TTr-LN/TC-NNPTNT ngày 08 tháng 10 năm 2014 về việc ban hành quy định tạm
thời các hoạt động và định mức hỗ trợ để phát triển sản xuất và dịch vụ nông
thôn trên địa bàn các xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2015 và Báo
cáo thẩm định số 1034/BC-STP ngày 02 tháng 10 năm 2014 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này "Quy định
các hoạt động và định mức hỗ trợ để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn
trên địa bàn các xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2015".
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành sau 10 ngày kể từ ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính,
Kế hoạch và Đầu tư; Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới
tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, các thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường,
thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Cao
|
QUY ĐỊNH
CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ DỊCH VỤ NÔNG
THÔN TRÊN ĐỊA BÀN CÁC XÃ THUỘC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2014 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 67/2014/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2014 của
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định các hoạt
động và định mức hỗ trợ để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa
bàn các xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng từ ngày 01/01/2014 đến 31/12/2015.
Các nội dung quy định tại Quy định này, nếu có văn
bản khác của cấp có thẩm quyền cùng điều chỉnh thì đối tượng áp dụng chỉ được
hưởng mức cao nhất của một trong các chính sách hiện hành.
Các nội dung không quy định tại quy định này được
thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng:
- Cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại (bao gồm cả
chủ gia trại chăn nuôi).
- Tổ chức: Hợp tác xã, tổ hợp tác.
Sau đây gọi chung là người sản xuất.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Mô hình trình diễn:
Là mô hình sản xuất sử dụng các giống cây trồng, vật
nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất mới lần đầu tiên
triển khai trên địa bàn xã.
2. Mô hình nhân rộng:
Là mô hình được triển khai nhân rộng sau khi đã thực
hiện mô hình trình diễn thành công.
3. Tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới:
Được hiểu là quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến
so với quy trình kỹ thuật, công nghệ đang áp dụng và có khả năng tạo ra sản phẩm
có năng suất, chất lượng cao hơn.
4. Trang trại:
Là cơ sở sản xuất của hộ gia đình, cá nhân trên
lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chí theo quy định tại Thông
tư 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về
tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
5. Gia trại (chỉ áp dụng và thực hiện trong lĩnh vực
chăn nuôi):
Là cơ sở chăn nuôi chưa đạt tiêu chí trang trại có
quy mô đàn bình quân có mặt trong năm ít nhất là:
- Đối với trâu, bò sinh sản: 10 con; trâu, bò thịt:
20 con;
- Lợn, dê sinh sản: 20 con; lợn thịt, dê thịt: 50
con;
- Gia cầm: 1.000 con;
- Chim cút: 3.000 con;
- Tổng hợp nhiều đối tượng: Giá trị sản lượng hàng
hóa ít nhất 200 triệu đồng/năm.
6. “VietGAP” là quy trình thực hành sản xuất nông
nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam.
7. Nghề mới (trong lĩnh vực đánh bắt biển):
Được hiểu là nghề mới đưa vào khai thác đánh bắt
trên biển tại địa phương mà trước đó chưa có hoặc chưa được áp dụng phổ biến.
8. Giống mới (trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng):
Là giống cây trồng đã qua khảo nghiệm cơ bản và sản
xuất thử theo quy trình trên địa bàn Tỉnh có ưu thế về năng suất, chất lượng,
khả năng chống chịu sâu bệnh được Sở Nông nghiệp-PTNT cho cơ cấu vào sản xuất.
9. Ương giống thủy sản:
Là việc nuôi ấu trùng thủy sản qua các giai đoạn biến
thái phát triển hoàn thiện để thành con giống.
10. Dưỡng giống thủy sản:
Là việc nuôi con giống thủy sản tại cơ sở sản xuất,
kinh doanh giống thủy sản trong một thời gian sau khi được đưa từ trại sản xuất
giống để phục hồi sức khỏe, tăng kích cỡ giống.
11. Cơ sở sản xuất giống thủy sản:
Là cơ sở hoạt động sản xuất giống thủy sản bằng
phương pháp sinh sản nhân tạo.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực
hiện
1. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách các cấp
và lồng ghép từ nguồn kinh phí của các Chương trình, dự án khác.
2. Hàng năm UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã và
thành phố Huế, UBND các xã bố trí một phần ngân sách để hỗ trợ phát triển sản
xuất và dịch vụ nông thôn.
3. Nguồn tài trợ, hỗ trợ khác của Doanh nghiệp, Hợp
tác xã, của các tổ chức và cá nhân.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ
HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ
Điều 4. Lĩnh vực trồng trọt,
chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
1. Đối với mô hình trình diễn: thực hiện theo quy định
tại Điều 5 Khoản 3 Điểm 3.2 mục a tiết 1 Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN
ngày 15/11/2010 của liên Bộ Tài chính, Nông nghiệp-PTNT về việc hướng dẫn chế độ
quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông
(sau đây viết tắt là TTLT 183), mức chi cụ thể như sau:
a) Đối với các xã ở địa bàn khó khăn, các xã thuộc
các huyện nghèo được hỗ trợ 100% chi phí mua giống cây trồng, vật nuôi (gọi
chung là giống, bao gồm giống thủy sản) và các vật tư thiết yếu, gồm phân bón
(trừ phân chuồng), thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả thủy sản),
văcxin, thuốc thú y (bao gồm thú y thủy sản), các loại chế phẩm dùng trong sản
xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
b) Đối với các xã thuộc địa bàn trung du miền núi,
các xã thuộc bãi ngang được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 50% chi phí mua vật
tư thiết yếu.
c) Đối với các xã thuộc địa bàn đồng bằng hỗ được
trợ 100% chi phí mua giống và 30% chi phí mua vật tư thiết yếu.
Mỗi năm không quá 01 mô hình/xã; mỗi mô hình không
quá 3 điểm trình diễn; mỗi điểm trình diễn thực hiện tối đa không quá 2 lần đối
với chu kỳ mô hình 6 tháng trở xuống, 1 lần đối với chu kỳ mô hình trên 6
tháng. Tổng mức hỗ trợ theo dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt, tối đa 50
triệu đồng/mô hình.
2. Đối với mô hình nhân rộng:
a) Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo: Hỗ trợ chi phí
mua giống cây trồng, vật nuôi (gọi chung là giống) mức tối đa 80%; hỗ trợ chi
phí mua phân bón (trừ phân chuồng), thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi
(bao gồm cả thủy sản), văcxin, thuốc thú y (bao gồm thú y thủy sản), các loại
chế phẩm dùng trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (gọi
chung là vật tư. Nếu mô hình trồng cây dài ngày, vật tư chỉ tính và hỗ trợ năm
đầu) mức tối đa 70%. Mức hỗ trợ tối đa không quá 12 triệu đồng/hộ/mô hình.
b) Đối với hộ khác: Nội dung hỗ trợ tương ứng như
điểm a khoản này với giống tối đa 50%, vật tư tối đa 30%. Mức tối đa 07 triệu đồng/hộ/mô
hình.
Điều 5. Lĩnh vực khai thác hải
sản
Hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nghề mới, mua sắm ngư lưới
cụ tăng năng lực đánh bắt, tối đa không quá 20 triệu đồng/tàu.
Đối với các tàu cá tham gia đánh bắt vùng biển xa
theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, tàu đánh bắt xa bờ, ngoài thực hiện
theo quy định tại Quyết định số 48/2010/QĐ-UBND ngày 13/7/2010 của Thủ tướng
Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản
và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP
ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản còn được
thực hiện theo quy định tại Quyết định này (nếu hội đủ điều kiện).
Điều 6. Lĩnh vực sản xuất giống
cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản
1. Sản xuất giống lúa xác nhận theo Chương trình xã
hội hóa sản xuất giống lúa xác nhận: Hỗ trợ 100% chênh lệch giá mua giống giữa
giống lúa nguyên chủng và giống lúa xác nhận; 150.000 đồng/sào chi phí công khử
lẫn theo quy trình.
2. Mở rộng diện tích gieo trồng các giống cây trồng
mới được cơ cấu (hỗ trợ 1 lần năm đầu mở rộng diện tích): Hỗ trợ
100% chênh lệch giá mua giống giữa giống mới và giống sử dụng đại trà tại địa
phương.
3. Hỗ trợ mua lợn, bò đực giống và gà, vịt giống bố
mẹ hậu bị:
Hộ gia đình mua lợn, bò đực giống ngoại và gà, vịt
giống bố mẹ hậu bị trong cơ cấu giống được phép sản xuất, kinh doanh để nuôi lấy
tinh (đối với lợn), phối giống trực tiếp (đối với bò), sản xuất con giống được
hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày
04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn
nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 (dưới đây gọi là Quyết định 50/2014/QĐ-TTg).
4. Sản xuất giống thủy sản: (Hỗ trợ
01 lần)
a) Sản xuất, ương, dưỡng giống tôm sú: Người sản xuất
đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống, ương, dưỡng giống tôm sú từ giống nhỏ hơn
giống P15 lên tôm giống từ P15 trở lên đạt công suất tối thiểu 10 triệu con giống
P15/năm được ngân sách hỗ trợ 04 triệu đồng/01 triệu tôm giống, tối đa không
quá 50 triệu đồng/cơ sở.
b) Sản xuất giống, ương, dưỡng giống cá nước ngọt:
Người sản xuất đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống, ương, dưỡng giống cá nước
ngọt đạt công suất tối thiểu 04 triệu con giống cỡ 3 cm/năm, được ngân sách hỗ
trợ 02 triệu đồng/01 triệu con giống, tối đa không quá 30 triệu đồng/cơ sở.
c) Sản xuất, ương, dưỡng giống cá mặn, lợ: Người sản
xuất đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống, ương, dưỡng giống cá mặn, lợ đạt
công suất tối thiểu 03 triệu con giống cỡ 3 cm/năm được ngân sách hỗ trợ 05 triệu
đồng/01 triệu cá giống, tối đa không quá 30 triệu đồng/cơ sở
Điều 7. Nhận chuyển giao tiến bộ
kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất
1. Tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới lần đầu tiên được
nhận chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất trên địa bàn huyện, thị xã (bao gồm cả
lĩnh vực sản xuất giống) được hỗ trợ 50% kinh phí nhận chuyển giao theo dự toán
được cấp thẩm quyền phê duyệt, tối đa không quá 150 triệu đồng/công nghệ.
2. Nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật,
công nghệ mới nhận chuyển giao vào sản xuất:
a) Hỗ trợ xử lý chất thải trong chăn nuôi (xây dựng
công trình khí sinh học, làm đệm lót sinh học): Hộ gia đình chăn nuôi đầu tư
xây dựng công trình khí sinh học, đầu tư làm đệm lót sinh học xử lý chất thải
trong chăn nuôi được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Quyết định
50/2014/QĐ-TTg.
b) Hỗ trợ lần đầu 50% chi phí mua chế phẩm, nấm, vi
sinh vật dùng trong sản xuất, tối đa không quá 05 triệu đồng/hộ/đơn vị.
3. Chương trình cải tạo đàn bò:
a) Đào tạo dẫn tinh viên: Những người có trình độ từ
sơ cấp chăn nuôi thú y trở lên, tuổi đời dưới 40 có nguyện vọng trở thành dẫn
tinh viên thụ tinh nhân tạo bò, được UBND cấp xã cử đi học được hỗ trợ 100% chi
phí đào tạo, nhưng không quá 6 triệu đồng/người. Hỗ trợ 01 lần cho dẫn tinh
viên đã qua đào tạo (có chứng chỉ) 100% kinh phí mua bình chứa Nitơ lỏng từ 1,0
đến 3,7 lít bảo quản tinh, mức tối đa không quá 05 triệu đồng/người.
b) Hỗ trợ phối giống: Hộ gia đình nuôi bò cái sinh
sản đạt tiêu chuẩn, có nhu cầu phối giống được hỗ trợ 100% kinh phí mua vật tư
phối giống nhân tạo (tinh đông lạnh giống ngoại và ni tơ lỏng, găng tay, dẫn
tinh quản) để phối giống. Mức hỗ trợ không quá 02 liều tinh/ bò thịt/năm.
c) Hỗ trợ thiến bò đực cóc: Hộ gia đình có bò đực
cóc thiến được hỗ trợ 200.000 đ/con (bao gồm công kỹ thuật thiến).
Điều 8. Áp dụng quy trình thực
hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản: (gọi chung là sản xuất theo VietGAP).
1. Sản xuất theo VietGAP:
Người sản xuất nếu đăng ký áp dụng sản xuất theo
VietGAP được hỗ trợ theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày
09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy
trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy
sản.
2. Điều kiện được hỗ trợ:
a) Trong sản xuất trồng trọt: đạt tiêu chí trang trại
hoặc có diện tích vùng tập trung ít nhất là 05 ha; trong đó sản xuất rau ít nhất
là 02 ha.
b) Trong chăn nuôi sản xuất đạt quy mô trang trại
hoặc gia trại.
c) Trong nuôi trồng thủy sản: đạt tiêu chí trang trại
hoặc có diện tích vùng nuôi tập trung ít nhất 03 ha.
3. Thủ tục đăng ký:
Hàng năm người sản xuất đăng ký, lập dự án trình cơ
quan chuyên môn thẩm định, trình UBND cấp huyện (nếu do ngân sách huyện đầu tư)
hoặc UBND tỉnh (nếu do ngân sách tỉnh đầu tư) phê duyệt. Sở Nông nghiệp và PTNT
tổng hợp, đề xuất bố trí kinh phí đối với các dự án do UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 9. Sản xuất theo mô hình
cánh đồng lớn:
Người sản xuất tổ chức sản xuất theo mô hình hợp
tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản (mô hình cánh đồng mẫu) được hỗ
trợ theo các nội dung và bằng mức tối đa theo quy định tại Quyết định số
62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách
khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản,
xây dựng cánh đồng lớn.
Điều 10. Lĩnh vực cơ giới
hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến, ngành nghề nông thôn, tiêu thụ sản phẩm nông
lâm sản và thủy sản:
1. Lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế
biến, ngành nghề nông thôn:
Các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế
biến nông lâm sản và thủy sản và ngành nghề nông thôn được xem xét hỗ trợ chi
phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản chế biến nhằm nâng cao
năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động, cụ thể như sau:
- Ở các xã thuộc địa bàn khó khăn, huyện nghèo được
hỗ trợ 100% chi phí, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/mô hình.
- Ở các xã thuộc địa bàn trung du miền núi, xã bãi
ngang hỗ trợ tối đa 75% chi phí, nhưng tối đa không quá 125 triệu đồng/mô hình.
- Ở các xã thuộc đồng bằng hỗ trợ tối đa 50%, nhưng
không quá 75 triệu đồng/mô hình.
Điều kiện được hỗ trợ: Người sản xuất phải có
phương án hoạt động (hoặc dự án đầu tư) được UBND huyện, thị xã phê duyệt.
Trong đó nêu rõ năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng thêm nếu được đầu tư.
2. Về lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm:
a) Hỗ trợ 50% chi phí xây dựng, đăng ký nhãn hiệu
hàng hóa. Tối đa không quá 35 triệu đồng/sản phẩm.
b) Hỗ trợ 50% chi phí lần đầu để giới thiệu, quảng
bá và phát triển thương hiệu sản phẩm nông lâm sản và thủy sản, sản phẩm ngành
nghề nông thôn, bao gồm: Mở trang Web, quảng bá trên phương tiện thông tin,
mua, in bao bì, nhãn mác. Mức tối đa không quá 50 triệu đồng/sản phẩm đối với Hợp
tác xã, 30 triệu đồng/sản phẩm đối với Tổ hợp tác và 20 triệu đồng/sản phẩm đối
với hộ gia đình, trang trại, gia trại.
Điều 11. Đào tạo, tập huấn; quản
lý chỉ đạo các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất:
Nội dung và định mức chi hỗ trợ đào tạo, tập huấn;
quản lý, chỉ đạo các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện theo
quy định tại Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN và Thông tư liên tịch
số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 của liên Bộ Tài chính, Công Thương về
việc hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và
kinh phí khuyến công địa phương.
Điều 12. Điều kiện và quy
trình thực hiện việc hỗ trợ các mô hình, dự án phát triển sản xuất:
Quy trình lựa chọn các mô hình, dự án được xem xét
đầu tư hỗ trợ; quy trình lập, phê duyệt kế hoạch đầu tư và điều kiện được đầu
tư thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số
51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 02/12/2013 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT,
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên
tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết
định số 800/TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục
tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và các quy định tại
Quy định này.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Giao trách nhiệm cho
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
a) Rà soát quy hoạch cây trồng, vật nuôi chủ lực
trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó tham gia cùng các địa phương trong định
hướng lựa chọn các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp, hiệu quả.
b) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
thống nhất phương án kế hoạch phân bổ kinh phí hỗ trợ hàng năm trình UBND tỉnh
phê duyệt;
c) Chủ trì, phối hợp sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính thẩm định các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ;
d) Tổ chức chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn về chuyên
môn, kỹ thuật việc thực hiện mô hình, dự án.
e) Hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện
các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của các địa phương, đơn vị.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở
Tài chính tổng hợp kế hoạch phân bổ kinh phí hàng năm hỗ trợ phát triển sản xuất,
dịch vụ nông thôn trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt đối với nguồn vốn sự
nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
b) Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định các dự
án đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ;
3. Sở Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông
nghiệp và PTNT tổng hợp kế hoạch phân bổ kinh phí hàng năm hỗ trợ phát triển sản
xuất, dịch vụ nông thôn trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt đối với nguồn vốn
sự nghiệp ngân sách tỉnh dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới.
b) Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định các dự
án đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ;
4. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông
thôn mới tỉnh:
Tổng hợp đề xuất các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển
sản xuất, dịch vụ của các địa phương; xây dựng kế hoạch phân bổ các nguồn vốn
thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp dành
cho Chương trình xây dựng nông thôn mới báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính, Sở Nông nghiệp và PTNT thống nhất, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt.
5. UBND các huyện, các thị xã:
a) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung và
định mức hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết và thực hiện; phân
công đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các mô hình; thực hiện
nghiệm thu, quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí hỗ trợ và thực hiện thanh quyết
toán vốn hỗ trợ theo quy định hiện hành; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc
thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định.
b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp
xã lập, trình phê duyệt kế hoạch đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ
nông thôn; tổ chức triển khai, nghiệm thu, đánh giá đảm bảo đúng quy trình quy
định tại Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC. Xác định loại mô
hình trình diễn hàng năm triển khai trên địa bàn các xã.
c) Hàng năm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện
đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn.
6. Các cơ quan liên quan: Theo chức
năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa
phương, đơn vị báo cáo bằng văn bản gởi về Sở Nông nghiệp và PTNT để được hướng
dẫn hoặc tổng hợp, thống nhất với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình
UBND tỉnh xem xét, quyết định./.