ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 66/2014/QĐ-UBND
|
Long An, ngày 31
tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHUYỂN GIAO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ ỨNG
DỤNG TIẾN BỘ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày
18/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày
27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật khoa học và công nghệ;
Căn cứ Nghị quyết số 164/2014/NQ-HĐND ngày 10/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long
An khóa VIII - kỳ họp thứ 11 về chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu
khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trên địa bàn tỉnh Long An,
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định chính sách hỗ trợ
chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trên địa
bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ
ngày ký.
Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với
Sở Tài chính và các sở ngành có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện
quyết định này,
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở
ngành thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thi hành quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- TT.UBMTTQVN và các Đoàn thể tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng NC(TH+KT+VX+NC);
- Lưu: VT, SKHCN, An.
QD-CHINH SACH HT CHUYEN GIAO KHCN
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đỗ Hữu Lâm
|
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHUYỂN GIAO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ ỨNG DỤNG
TIẾN BÔ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số
66/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi hỗ trợ và đối
tượng hỗ trợ
1. Phạm vi hỗ trợ
Chính sách này hỗ trợ việc ứng dụng các kết quả đề
tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước đã
được hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu và các tiến bộ khoa học và công nghệ
khác để nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa
trên thị trường, tạo ngành nghề mới, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự nghiệp
phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi
trường trên địa bàn tỉnh Long An. Bao gồm:
a) Hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển giao
công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trong sản xuất và chế biến
hàng hóa nông sản;
b) Hỗ trợ các ứng dụng giống cây trồng vật nuôi,
quy trình lai ghép, công nghệ canh tác mới có khả năng đem lại hiệu quả cao
trong sản xuất nông nghiệp;
c) Hỗ trợ xây dựng mô bình
trình diễn các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và
xây dựng nông thôn mới.
2. Đối tượng được hỗ trợ
a) Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế
có hoạt động liên quan đến khoa học và công nghệ theo phạm vi hỗ trợ tại Khoản
1, Điều 1 Quy định nay. Ưu tiên hỗ trợ cho các tổ chức, tập thể ứng dụng, chuyển
giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ.
b) Các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam định cư ở
nước ngoài và người nước ngoài không thuộc đối tượng điều chỉnh tại quy định
này.
Điều 2. Điều kiện hỗ trợ
Các dự án xây dựng mô hình, các đề tài nghiên cứu,
các dự án sản xuất thử nghiệm, các dự án đổi mới công nghệ, các chương trình tập
huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ được hỗ trợ
phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Phải có tính mới, tính tiên tiến, tính phù hợp,
tính hiệu quả và tính bền vững so với công nghệ cũ.
b) Phải có tính khả thi cao và có địa chỉ áp dụng,
nhân rộng vào thực tiễn trên địa bàn tỉnh Long An.
c) Tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ phải đủ điều kiện về
nhân lực và vật lực để triển khai thực hiện các nội dung chuyển giao theo đề
án, dự án đã được duyệt. Ưu tiên các tổ chức khoa học công nghệ; các doanh nghiệp
khoa học và công nghệ, các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện mỗi mô hình, đề tài, dự án
không quá 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHÍNH
SÁCH HỖ TRỢ
Điều 3. Nội dung hỗ trợ
1. Các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ
Ưu tiên hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa
học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực sau:
1.1. Lĩnh vực công nghệ sinh học
Ưu tiên hỗ trợ các mô hình, đề tài, dự án ứng dụng
những thành tựu về công nghệ sinh học với những nội dung chủ yếu như sau:
a) Ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào, công
nghệ vi nhân giống để tạo ra các loại giống cây trồng, có đặc tính ưu việt, giống
có năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh,
phù hợp với yêu cầu của thị trường, ứng dụng công nghệ sinh sản, áp dụng phương
pháp chỉ thị phân tử, công nghệ chuyển gen trong chọn, tạo các giống vật nuôi
có năng suất, chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ sinh học trong phục tráng, bảo
tồn các giống bản địa.
b) Thử nghiệm, chọn tạo và nhân rộng các loại giống
cây trồng, có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, có
tính chống chịu cao dưới tác động của biến đổi khí hậu, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
c) Thử nghiệm và nhân rộng các mô hình nuôi gia
súc, gia cầm từ một số giống có năng suất, chất lượng cao, sức chống chịu và
kháng bệnh tốt, hoặc từ quy trình sản xuất, quy trình an toàn sinh học, đáp ứng
các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm
và đạt hiệu quả kinh tế cao.
d) Ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống thủy
sản có chất lượng cao, kháng bệnh tốt, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Chuyển giao và ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ về sinh sản nhân tạo ở một số loại thủy sản có
giá trị kinh tế cao, tạo giống có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt
ngon, khả năng kháng bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, ứng dụng
công nghệ mẫu sinh, phụ sinh trên một số đối tượng thủy sản, chủ động tạo giống
nhân tạo, phục vụ bảo tồn quỹ gien và nâng cao chất lượng giống thủy sản.
đ) Thử nghiệm một số chế phẩm, hoạt chất sinh học để
xử lý chất thải thủy sản, kháng sinh sử dụng
trong sản xuất thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả nuôi, bảo vệ môi trường, an
toàn vệ sinh sản phẩm thủy sản. Áp dụng các phương pháp phát hiện nhanh các tác
nhân nguy hiểm và tồn dư hóa chất, kháng
sinh trong thực phẩm thủy sản. Ứng dụng công nghệ sinh học để chẩn đoán nhanh,
phòng trị có hiệu quả một số bệnh nguy hiểm thường gặp ở các đối tượng nuôi thủy
sản chủ lực của tỉnh.
e) Ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và
protein trong nuôi trồng, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, trong phòng trị bệnh
thủy sản và trong sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hóa chất,
nguyên liệu hóa dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng...
g) Ứng dụng, phát triển công nghệ và chế phẩm sinh
học trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, chế biến và bảo quản
nông sản - thực phẩm, sản xuất thức ăn
chăn nuôi, làm sạch nước sinh hoạt và xử lý các phế phẩm, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất nông - thủy sản và sinh hoạt.
h) Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y -
dược để tạo ra các sản phẩm y - dược, hiệu quả chữa bệnh cao, các dịch vụ y học
công nghệ cao. Nghiên cứu thử nghiệm các chất có hoạt tính sinh học từ động vật,
thực vật và vi sinh vật để sản xuất các loại thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức
năng.
k) Ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các công
nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất nhiên liệu sinh học (khí
sinh học, xăng sinh học, diezel sinh học ...).
l) Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các chất thải
gây ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường;
lưu giữ, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, đất đai, nước, không khí vì mục tiêu phát triển
bền vững.
1.2. Lĩnh vực nuôi trồng, bảo quản và chế biến
nông - lâm - thủy sản và thực phẩm
a) Phát triển hệ thống sản xuất giống cây trồng có
khả năng kháng sâu bệnh, giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao
và các giống đặc sản, bản địa cần bảo tồn, cụ thể như: giống lúa, ngô, đậu, rau
màu, nấm ăn, dược liệu, cây công nghiệp, hoa kiểng.... ,
b) Phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản, giống
gia súc, gia cầm nhằm đáp ứng các yêu cầu về đa dạng đối tượng nuôi, giống đạt
năng suất và chất lượng cao, khắc phục hiện
tượng thoái hóa giống.
c) Phát triển, đa dạng hóa quy trình và nhân rộng
những mô hình ứng dụng công nghệ mới, nhân rộng các quy trình ứng dụng các tiến
bộ khoa học kỹ thuật, các kiểu mẫu về sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có
năng suất, chất lượng cao giảm chi phí sản
xuất, thân thiện với môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn sinh học, phù hợp với điều kiện phát triển tại địa
phương, đáp ứng; yêu cầu về nguyên liệu chế biến sau thu hoạch và thị trường
tiêu thụ.
d) Ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình nuôi
trồng, khai thác, thu hoạch, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông
- lâm - thủy sản chủ lực của địa phương nhằm giảm thất thoát, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng, nâng cao hiệu
quả của quá trình sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và
bảo vệ môi trường.
đ) Ứng dụng những công nghệ, những tiến bộ về khoa
học công nghệ trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, chế
biến thực phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế, sản
phẩm đạt giá trị gia tăng cao, đáp ứng các yêu cầu thị trường, an toàn vệ sinh
thực phẩm và thân thiện với môi trường.
e) Ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ
trong trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng và trồng cây phân tán.
g) Phát triển quy trình thực hành sản xuất tốt theo
các tiêu chuẩn tiên tiến.
1.3. Lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường
a) Tái chế chất thải sinh hoạt, thương mại - dịch vụ,
công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng... nhằm tạo ra sản phẩm hữu ích, có giá trị
kinh tế và giảm thiểu tác động đến môi trường.
b) Ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiệu quả và
phù hợp với điều, kiện thực tế của địa phương trong xử lý chất thải sinh hoạt,
thương mại - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, y tế, (bao gồm chất
thải nguy hại) nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
c) Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, hiệu
quả trong lĩnh vực sản xuất nhiên liệu, sản xuất năng lượng tái tạo.
d) Ứng dụng công nghệ sạch trong hoạt động sản xuất,
triển khai các mô hình, dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả
năng lượng.
1.4. Công nghệ
thông tin
a) Ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý nhà nước tại các ban, ngành và huyện, thị, thành
phố (quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý đô thị, hạ tầng; quản lý điện, cấp thoát nước, quản lý y tế,
giáo dục, du lịch, quản lý hành chính, quản lý văn bản đi/đến trên mạng, ứng dụng
chữ ký số vào công tác quản lý, bảo mật thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong
quản lý đề tài, dự án khoa học công nghệ...)
b) Ứng dụng công nghệ
thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho các Hợp tác xã, Hội
nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức nghề
nghiệp khác...
c) Ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (kiểm
soát chất lượng; kiểm soát quy trình sản xuất; kiểm soát, quản lý kho, giá
thành sản phẩm).
1.5. Sản xuất công nghệ, thiết bị, vật liệu
a) Phát triển các công cụ, thiết bị, cải tiến thay
thế nhập khẩu, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, phục vụ trong chế
biến nông thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ
và các sản phẩm tiêu dùng khác.
b) Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, có
hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi
trường trong khai thác, chế biến khoáng sản
làm vật liệu xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói, đá xây dựng,
than bùn... phù hợp với điều kiện phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương.
c) Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, có
hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi
trường trong sản xuất các sản phẩm thủ
công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống, đặc trưng của Long An, sản phẩm tiêu dùng mới có giá trị kinh tế, thay thế
nhập khẩu hoặc có thể xuất khẩu.
d) Ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ trong
lĩnh vực sản xuất dược phẩm, lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, điện
tử, viễn thông và bảo vệ môi trường.
2. Định mức hỗ trợ
Định mức hỗ trợ được phân bổ như sau:
a) Hỗ trợ ứng dụng đổi mới
công nghệ, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ,
trong sản xuất và chế biến hàng hóa nông sản:
Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện mô hình, đề
tài, dự án về chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến (không bao gồm đầu tư trang thiết bị công nghệ) và các mô
hình, dự án tập huấn kỹ thuật, áp dụng quy trình VietGAP & GlobalGAP.
b) Hỗ trợ các ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi,
quy trình lai ghép, công nghệ canh tác mới có khả năng đem lại hiệu quả cao
trong sản xuất nông nghiệp:
- Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí mua cây, con giống;
- Mức hỗ trợ tối đa 50% kinh phí mua vật tư, phân
bón chuyên dụng, thuốc bảo vệ thực vật cho việc thử nghiệm giống cây, con giống;
- Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập
huấn chuyển giao kỹ thuật.
c) Hỗ trợ xây dựng mô hình
trình diễn các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và
xây dựng nông thôn mới:
- Mức hỗ trợ tối đa 50% vốn đầu tư cho một đề tài,
dự án xây dựng mô hình;
- Mức hỗ trợ tối đa 70% vốn đầu tư cho một đề tài,
dự án xây dựng mô hình triển khai trên địa bàn có điều
kiện kinh tế-xã hội khó khăn (Danh
sách địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn theo quy định hiện hành);
Mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/1 đề
tài, dự án xây dựng mô hình.
Điều 4. Nguồn kinh phí
1. Vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ được bố trí
hàng năm.
2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Điều 5. Về phân cấp phê duyệt mức
hỗ trợ mô hình
1. Ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
phê duyệt định mức hỗ trợ tối đa 1,5 tỉ đồng
đối với:
a) Hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển giao
công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trong sản xuất và chế biến hàng hóa nông sản
b) Hỗ trợ các ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi,
quy trình lai ghép, công nghệ canh tác mới có khả năng đem lại hiệu quả cao
trong sản xuất nông nghiệp
2. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt định mức hỗ trợ, đối với các nội dung ở Khoản 1 điều này có định mức hỗ
trợ trên 1,5 tỉ đồng.
3. Ủy quyền cho Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ phê duyệt định mức hỗ trợ đối với các hỗ trợ xây dựng mô
hình trình diễn các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp
và xây dựng nông thôn mới.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ
quan quản lý
1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tuyên truyền, phổ biến, xác định nhu cầu
và hướng dẫn những nội dung thực hiện có liên quan đến việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ
công nghệ cho các tổ chức, cá nhân có nhu
cầu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh: tuyên truyền, phổ
biến chính sách và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực ứng dụng khoa học
và công nghệ vào phục vụ sản xuất và đai sống trên địa bàn huyện, thành phố và
lĩnh vực của ngành quản lý.
Điều 7. Trách nhiệm của các đơn
vị khác
Các tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở sản xuất kinh
doanh, các tổ chức khuyến công, khuyến nông, khuyên ngư, hội nông dân, hợp tác
xã, tổ hợp tác, các đơn vị ... trên địa bàn tỉnh Long An có nhu cầu hỗ trợ thực hiện ứng dụng, đổi mới công nghệ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ
và sản xuất thử nghiệm theo các mô hình,
dự án nêu trên có trách nhiệm nộp hồ sơ đề xuất (Mẫu 1, 2 được ban hành kèm
theo Thông tư số 15/2014/TT-BKHCN ngày 13/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và
Công nghệ), gửi về Sở Khoa học và
Công nghệ để được thẩm định, xem xét hỗ trợ.
Điều 8. Khen thưởng và xử lý vi
phạm
1. Các tổ chức, cá nhân tích cực trong việc triển
khai thực hiện Chính sách đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho địa phương sẽ được
đề nghị khen thưởng theo quy định.
2. Các tổ chức, cá nhân cố ý làm sai theo quy định
của Chính sách hoặc lợi dụng Chính sách để trục lợi thì tùy theo mức độ vi phạm
sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định
này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2020.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát
sinh, các cấp, các ngành, tổ chức kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Khoa học
và Công nghệ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh
xem xét, quyết định./.