Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ban hành

Số hiệu 61/2005/QĐ-BVHTT
Ngày ban hành 04/11/2005
Ngày có hiệu lực 29/11/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá-Thông tin
Người ký Phạm Quang Nghị
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61/2005/QĐ-BVHTT

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2010 

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA – THÔNG TIN

 

Căn cứ Nghị định số 63/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa – Thông tin;

Căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997, Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa;

Căn cứ Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Theo đề nghị của Trưởng Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa giai đoạn 2005 – 2010 của Bộ Văn hóa – Thông tin,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010 với những nội dung chính sau đây:

1. Quan điểm chỉ đạo và định hướng

a) Thực hiện xã hội hóa văn hóa nhằm huy động mọi tiềm năng trí tuệ và vật chất của toàn xã hội chăm lo đến hoạt động văn hóa ngày càng cao của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách được hưởng thụ văn hóa ở mức độ ngày càng cao trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

b) Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý văn hóa, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng nguồn lực đầu tư, đồng thời đổi mới mục tiêu, phương thực, cơ cấu và nguồn vốn đầu tư; tập trung nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu ưu tiên, chương trình quốc gia về phát triển văn hóa. Tập trung hỗ trợ đầu tư cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn.

c) Chuyển đổi toàn bộ các đơn vị sự nghiệp (công lập) thuộc ngành văn hóa - thông tin sang cơ chế cung ứng dịch vụ công ích có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức, quản lý và hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi; thực hiện đúng mục tiêu và nhiệm vụ, thường xuyên nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, sản phẩm đảm bảo quyền lợi và cơ hội sáng tạo bình đẳng của người hưởng thụ.

Xem xét chuyển một số đơn vị sự nghiệp văn hóa – thông tin hiện có (cơ sở công lập) khi có đủ điều kiện được tách một phần hoặc toàn bộ sang loại hình ngoài công lập do tập thể hoặc cá nhân quản lý trên cơ sở hoàn trả vốn Nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức nhà nước liên doanh, liên kết với nước ngoài thuộc ngành văn hóa thông tin quản lý trực tiếp được sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực theo Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dưới hình thức doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ 100%  vốn được chuyển sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu (công ty cổ phần), số doanh nghiệp không cổ phần hóa được thì chủ động chuyển sang một số hình thức như giao, khoán kinh doanh, bán đấu giá, giải thể, phá sản theo quy định hiện hành.

d) Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập dưới hình thức dân lập và tư nhân: Cá nhân, gia đình, các tổ chức kinh tế - xã hội, đoàn thể được đầu tư, tham gia vào hầu hết các hoạt động văn hóa - thông tin, trừ việc thành lập nhà xuất bản, cơ quan báo chí và đội thông tin lưu động. Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi khi đầu tư vào các hoạt động văn hóa - thông tin then chốt góp phần định hướng chính trị - tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và giá trị xã hội; vào lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc; hoặc thành lập các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.

đ) Phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa phải đi đôi với việc tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa để đảm bảo cho phát triển văn hóa - thông tin đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

e) Quá trình quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa  cần có bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng, miền; chú trọng phát triển mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở các thành phố lớn, đô thị và ở các vùng kinh tế phát triển.

2. Mục tiêu của Đề án

a) Thu hút mọi nguồn lực, thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân trong xã hội tham gia sáng tạo, cung cấp, phổ biến và tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hóa có chất lượng, phong phú, đa dạng, dân tộc và hiện đại nhằm không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

b) Đến năm 2010, các cơ sở ngoài công lập và các lực lượng tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa đảm bảo từ 40 – 60% nhu cầu dịch vụ văn hóa tuỳ theo từng loại hình, lĩnh vực và huy động vốn từ xã hội chiếm khoảng 49%.

c) Thực hiện chuyển đổi 100% số đơn vị công lập (đơn vị sự nghiệp) thuộc ngành văn hóa - thông tin đang thực hiện chế độ tự chủ tài chính áp dụng cho đơn vị có thu theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu của Chính phủ sang cơ chế cung ứng dịch vụ (đơn vị cung ứng dịch vụ văn hóa) khi có các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế mới được ban hành. Từ năm 2006, lựa chọn điểm trong số đơn vị dự kiến chuyển đổi, tiến hành xây dựng đề án, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất – con người – cơ chế chính sách, khi có đủ điều kiện sẽ thực hiện thí điểm chuyển đổi sang hình thức ngoài công lập và rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện chuyển đổi trên diện rộng.

d) Xây dựng và ban hành hệ thống các cơ chế, chính sách phù hợp với tiến trình và thúc đẩy phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

3. Nội dung quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa

a) Phát triển xã hội hóa trên cơ sở sắp xếp các đơn vị sự nghiệp hiện có của ngành văn hóa - thông tin theo định hướng:

[...]