Công văn 4509/BVHTT-KHTC năm 2005 hướng dẫn thực hiện đề án quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010

Số hiệu 4509/BVHTT-KHTC
Ngày ban hành 07/11/2005
Ngày có hiệu lực 07/11/2005
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Văn hóa thể thao và du lịch
Người ký
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4509/BVHTT-KHTC
V/v: hướng dẫn thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm 2010

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2005

 

Kính gửi:

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Sở Văn hoá – Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin

 

Căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ, Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá và triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin đã có Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT ngày 04 tháng 11 năm 2005 phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm 2010.

Để giúp triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch đã được phê duyệt, Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn cụ thế như sau:

I- KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 90/CP VÀ NGHỊ ĐỊNH 73 VỀ XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ

Xã hội hoá các hoạt động văn hoá bước đầu đã được thực hiện rộng khắp trong phạm vi cả nước. Ngành Văn hoá - Thông tin đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, nhất là với các Hội Văn học - Nghệ thuật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nên đã huy động được nhiều lực lượng xã hội tham gia, tạo được nhiều nguồn lực cho phát triển văn hoá. Nhiều sản phẩm văn hoá, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều mô hình văn hoá thông tin cơ sở hoạt động có hiệu quả, có 24.401 đội văn nghệ quần chúng ở khu vực dân cư và hàng chục ngàn đội văn nghệ quần chúng ở khu vực cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị quân đội; có 12.091.222/17.978.782 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá; 31.494/88.477 làng, ấp và 6.002/17.047 khu phố được công nhận làng, ấp, khu phố về xây dựng văn hoá; 392/10.752 xã phường được công nhận xã phường văn hoá và 29.492/32.582 đơn vị, cơ quan được công nhận là đơn vị, cơ quan văn hoá…

Xã hội hoá các hoạt động văn hoá chuyên ngành diễn ra khá mạnh, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như xuất bản-in-phát hành có tốc độ xã hội hoá cao, phát triển khá đa dạng, số lượng xuất bản phẩm tăng nhanh, từ 2923 đầu sách (1990), với 38.208 triệu bản, lên tới 18.641 đầu sách (2003), với 243,830 triệu bản…Một số hãng phim tư nhân đã được thành lập, đã bỏ vốn sản xuất được nhiều bộ phim phục vụ xã hội với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng, góp phần tăng mức hưởng thụ về nghệ thuật điện ảnh cho nhân dân. Lĩnh vực thư viện thực hiện xã hội hoá được thông qua các hình thức liên kết, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức trong nước từ trung ương đến địa phương và sự tham gia đóng góp của nhân dân, đến nay cả nước có gần 7000 thư viện, phòng đọc sách ở cơ sở do ngành VHTT quản lý, gần 7.500 Điểm Bưu điện - Văn hoá xã, 10.000 tủ sách pháp luật, 400 tủ sách đồn biên phòng. Các lĩnh vực khác đều có sự tham gia, đóng góp của tư nhân, như nghệ thuật biểu diễn có Khoảng 100 đoàn, nhóm tư nhân, 150 rạp hát tư nhân; mỹ thuật nhiếp ảnh có 150 Gallery mỹ thuật của tư nhân; di sản văn hoá, từ 1999 - 2003 đã huy động được từ xã hội 460 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ văn hoá phát triển mạnh, hình thành một mạng lưới các cơ sở bán, cho thuê băng đĩa hình, đĩa nhạc rộng khắp. Đối với các đơn vị sự nghiệp ở Trung ương, khối nghệ thuật tự đảm bảo 23,87% kinh phí; khối văn hoá 10,21%; khối đào tạo 12,55%, khối bảo tàng 4,42%; khối thông tin 16,89%. Ở địa phương, khối nhà văn hoá tự đảm bảo 5,64% kinh phí; khối nghệ thuật 5,40%; khối thư viện 4,21%; khối bảo tồn di tích 4,42%.

Những khuyết Điểm và tồn tại:

- Việc sắp xếp, đổi mới, cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp theo hướng xã hội hoá còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

- Công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá phát triển không đồng đều ở các vùng miền, lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực và hoạt động dễ thu lợi nhuận.

- Một số lĩnh vực như in, phát hành, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá thì công tác xã hội hoá phát triển mạnh. Tuy nhiên, đã nẩy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Nguyên nhân chính của những vấn đề tồn tại trên đây là:

- Trước hết, nhận thức của các ngành, các cấp nhất là lãnh đạo các địa phương, đơn vị cơ sở chưa thật sâu sắc, chỉ đạo thiếu kiên quyết; còn mang nặng tư duy, thói quen bao cấp. Mặt khác, văn hoá là lĩnh vực nhạy cảm, mang tính định hướng tư tưởng nên còn lúng túng trong chỉ đạo, chưa lường hết được những mặt trái nảy sinh trong quá trình thực hiện và phức tạp của cơ chế thị trường.

- Thiếu quy hoạch, kế hoạch tổng thể để định hướng và xác định bước đi phù hợp cho từng vùng, từng lĩnh vực; còn mang tính tự phát, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

- Công tác quản lý, chỉ đạo còn bị động, chậm đổi mới, lúng túng, còn nhiều bất cập. Còn thiếu nhiều cơ chế, chế độ chính sách đặc thù để tạo hành lang pháp lý cho phát triển xã hội hoá các hoạt động văn hoá.

II. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC XÃ HỘI HOÁ ĐẾN NĂM 2010.

1. Mục tiêu

Huy động, thu hút mọi nguồn lực vật chất, trí tuệ, tinh thần thuộc các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; sáng tạo, cung cấp, phổ biến và tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hoá có chất lượng, phong phú, đa dạng, dân tộc và hiện đại nhằm nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Đến năm 2010 các cơ sở ngoài công lập và các lực lượng tham gia xã hội hoá đảm bảo từ 40-60% nhu cầu dịch vụ văn hoá và huy động nguồn vốn từ xã hội chiếm Khoảng 49%. Chuyển đổi 100% số đơn vị sự nghiệp ngành văn hoá thông tin sang cơ chế cung ứng dịch vụ (đơn vị cung ứng dịch vụ văn hoá) khi cơ chế mới được ban hành. Năm 2006 bắt đầu lựa chọn Điểm trong số đơn vị được dự kiến chuyển đổi hướng dẫn xây dựng đề án, chuẩn bị các Điều kiện về cơ sở vật chất - con người - cơ chế chính sách, khi có đủ diều kiện thực hiện chuyển đổi thí Điểm sang hình thức ngoài công lập và rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện chuyển đổi trên diện rộng. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức nhà nước liên doanh, liên kết với nước ngoài thuộc ngành văn hoá thông tin quản lý được tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và các quy định hiện hành.

2. Nguyên tắc phát triển xã hội hoá các hoạt động văn hoá

- Tăng nguồn lực đầu tư cho văn hoá, đồng thời đổi mới Mục tiêu, phương thức, cơ cấu và nguồn vốn đầu tư; tập trung nguồn lực cho các Mục tiêu ưu tiên và cho chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hoá; ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho các vùng nghèo, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập dưới hai hình thức dân lập và tư nhân: Ưu tiên, khuyến khích thành lập và có chính sách ưu đãi cho những hoạt động văn hoá thông tin then chốt góp phần định hướng chính trị - tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và giá trị xã hội; bảo tồn và phát triển giá trị di sản văn hoá; các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc. Khuyến khích thành lập và tạo Điều kiện ưu đãi về cơ sở vật chất, chính sách thuế cho các cơ sở vật chất, chính sách thuế cho các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.

- Có bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng, miền; chú trọng phát triển mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá ở các thành phố lớn, đô thị và ở các vùng kinh tế phát triển. Tạo mọi Điều kiện để nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của toàn xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến các đối tượng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá. Giao quyền tự chủ cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét để từng bước chuyển sang loại hình ngoài công lập các đoàn nghệ thuật, các trường đào tạo văn hoá nghệ thuật trình độ trung cấp. Khuyến khích tách một số khoa hoặc ngành đào tạo không chuyên sâu, có tính phổ thông, quần chúng để thành lập các cơ sở văn hoá nghệ thuật ngoài công lập. Khuyến khích các đơn vị, tổ chức ngoài công lập xây dựng các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở theo nguyên tắc tự tổ chức, tự quản lý và chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.

- Tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách về xã hội hoá nhằm phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2010

1. Các đơn vị sự nghiệp hiện có của ngành văn hoá thông tin

a) Trung ương

- Tiếp tục duy trì dưới hình thức công lập 10 đoàn nghệ thuật truyền thống và tiêu biểu như: Tuồng chèo, cải lương, xiếc, ca múa nhạc dân tộc, giao hưởng, múa cổ điển châu Âu (ballet), múa rối, nhạc-vũ kịch. Dự kiến chuyển Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương thành đơn vị ngoài công lập.

- Khối trường, tiếp tục duy trì và phát triển dưới hình thức công lập 16/16 trường đào tạo cán bộ văn học nghệ thuật và trường dạy nghề chuyên môn kỹ thuật đặc thù.

- Khối bảo tàng - thư viện, báo chí, viện nghiên cứu, các trung tâm và khối sự nghiệp khác tiếp tục được duy trì và phát triển dưới hình thức công lập. Riêng Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh Việt Nam, dự kiến từng bước chuyển thành đơn vị ngoài công lập; Ban quản lý Làng văn hoá du lịch Việt Nam sẽ hoạt động theo cơ chế riêng.

[...]