Nghị định 63/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá - Thông tin

Số hiệu 63/2003/NĐ-CP
Ngày ban hành 11/06/2003
Ngày có hiệu lực 15/07/2003
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2003

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 63/2003/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2003 QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ nhất quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Văn hoá - Thông tin là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hoá, thông tin bao gồm : di sản văn hoá, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, báo chí, xuất bản, quyền tác giả đối với tác phẩm văn học - nghệ thuật, thư viện, quảng cáo, văn hoá quần chúng, thông tin cổ động; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc lĩnh vực văn hoá, thông tin theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây :

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;

3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

5. Về di sản văn hoá:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định :

Quy hoạch mạng lưới bảo tàng; tổ chức và hướng dẫn thực hiện sau khi được phê duyệt;

Thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành;

Xếp hạng hoặc huỷ bỏ quyết định xếp hạng, khu vực bảo vệ đối với di tích quốc gia đặc biệt;

Đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Di sản văn hoá tiêu biểu của Việt Nam là Di sản văn hoá thế giới;

Cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài.

b) Quyết định theo thẩm quyền :

Ban hành quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, thăm dò và khai quật khảo cổ; tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân;

Quy định thủ tục lập hồ sơ khoa học về di sản văn hoá phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

Xếp hạng hoặc huỷ bỏ quyết định xếp hạng di tích quốc gia, bảo tàng hạng I; giao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cho bảo tàng nhà nước có chức năng thích hợp;

Phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật; phê duyệt hoặc thoả thuận việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt;

Thẩm định dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, dự án cải tạo xây dựng các công trình nằm ngoài các khu bảo vệ di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích theo quy định của pháp luật;

Cấp phép thăm dò khai quật khảo cổ; đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài; làm bản sao di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia thuộc các bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành; quản lý việc cấp phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam;

c) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá;

[...]