Quyết định 595/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh và vị trí các điểm dừng, đón trả khách trên tuyến đường bộ thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 595/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/03/2017
Ngày có hiệu lực 28/03/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 595/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 28 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH NỘI TỈNH VÀ VỊ TRÍ CÁC ĐIỂM DỪNG ĐÓN, TRẢ KHÁCH TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG BỘ THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 60/2015/TT-BGTVT ngày 02/11/2015 của Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1202/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh và vị trí các điểm dừng, đón trả khách trên các tuyến đường bộ thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch

1. Quan điểm quy hoạch:

a) Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh và vị trí các điểm dừng, đón trả khách trên các tuyến đường bộ thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tình hình thực tế của địa phương.

b) Phát triển hợp lý, đồng bộ về kết cấu hạ tầng, luồng, tuyến và phương tiện vận tải; tăng cường kết nối các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh với các phương thức vận tải khác; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải, từng bước xây dựng và đưa ra các giải pháp phù hợp đkhai thác kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh, tạo môi trường hoạt động kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thu hút các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư và khai thác kinh doanh.

2. Mục tiêu quy hoạch:

a) Xây dựng mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh và vị trí các điểm dừng đón, trả khách trên tuyến cố định hợp lý và thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh với quy mô phù hợp, phát huy ưu thế của các phương thức vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách với chất lượng cao, giá thành hợp lý, tiện nghi, an toàn, tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận, sử dụng và bảo vệ môi trường sinh thái; kết nối mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh với các tuyến xe buýt, tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh và vận tải hàng không.

b) Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách bằng xe ô tô trên tuyến cố định đạt 1,4% (khoảng 1,2 triệu lượt hành khách/năm) và đến năm 2030 đạt 1,7% (khoảng 2,6 triệu lượt hành khách/năm) trên tổng nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

c) Xây dựng, xác lập 128 cặp điểm dừng đón, trả khách trên hệ thống đường bộ tỉnh Lâm Đồng trước năm 2020 để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.

II. Nội dung quy hoạch

1. Quy hoạch mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh:

a) Giai đoạn đến năm 2020: toàn tỉnh có 36 tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh với tổng chiều dài khoảng 2.629 km, vận chuyển hành khách đạt khoảng 1,2 triệu lượt hành khách/năm, trong đó:

- Đối với 19 tuyến hiện hữu: giữ nguyên lộ trình, với tổng chiều dài khoảng 1.672 km; nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tần suất hoạt động đối với những tuyến có lưu lượng hành khách lớn (Chi tiết tại Phụ lục 01 đính kèm).

- Mở mới 17 tuyến với tổng chiều dài khoảng 957 km để kết nối các đầu mối giao thông lớn của tỉnh, như: bến xe liên tỉnh Đà Lạt, bến xe Đức Long Bảo Lộc, bến xe Đức Trọng đến các trung tâm huyện, thành phố khác và từ trung tâm các huyện đến trung tâm xã có nhu cầu đi lại cao với tần suất khai thác 02 chuyến/ngày (lượt đi và về) đtạo thói quen đi lại cho người dân (Chi tiết các tuyến mở mới tại Phụ lục 02 đính kèm).

b) Giai đoạn 2020 - 2030: toàn tỉnh có 47 tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, với tổng chiều dài khoảng 3.402 km, vận chuyển hành khách đạt khoảng 2,6 triệu lượt hành khách/năm, trong đó:

- Đối với 36 tuyến đang hoạt động: Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tần suất hoạt động đối với những tuyến có lưu lượng hành khách lớn.

[...]