Quyết định 51/1999/QĐ-BCN Quy định sử dụng mẫu chuẩn trong phân tích mẫu địa chất-khoáng sản rắn và Quy định kiểm tra nội bộ phòng thí nghiệm trong phân tích mẫu địa chất-khoáng sản rắn do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 51/1999/QĐ-BCN
Ngày ban hành 02/08/1999
Ngày có hiệu lực 17/08/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Giã Tấn Dĩnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51/1999/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH SỬ DỤNG MẪU CHUẨN TRONG PHÂN TÍCH MẪU ĐỊA CHẤT-KHOÁNG SẢN RẮN VÀ QUY ĐỊNH KIỂM TRA NỘI BỘ PHÒNG THÍ NGHIỆM TRONG PHÂN TÍCH MẪU ĐỊA CHẤT-KHOÁNG SẢN RẮN”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tại Công văn số 432/CV-ĐCKS-TD ngày 17 tháng 6 năm 1999,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này các Quy định sau:

1. Quy định sử dụng mẫu chuẩn trong phân tích mẫu địa chất-khoáng sản rắn.

2. Quy định kiểm tra nội bộ phòng thí nghiệm trong phân tích mẫu địa chất-khoáng sản rắn.

Điều 2: Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các Quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho các phòng thí nghiệm phân tích mẫu địa chất-khoáng sản rắn thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Thủ trưởng đơn vị có hoạt động phân tích mẫu địa chất-khoáng sản rắn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
 - Như Điều 4,
 - Lưu VP, CNCL.

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Giã Tấn Dĩnh

 

QUY ĐỊNH

KIỂM TRA NỘI BỘ PHÒNG THÍ NGHIỆM TRONG PHÂN TÍCH MẪU ĐỊA CHẤT-KHOÁNG SẢN RẮN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/1999/QĐ-BCN ngày 02/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Kiểm tra nội bộ phòng thí nghiệm là hình thức kiểm tra độ lặp lại của các kết quả phân tích định lượng bằng cách đánh giá sai số ngẫu nhiên mắc phải giữa các kết quả phân tích mẫu kiểm tra và mẫu cơ bản của một lô mẫu (lô mẫu là một nhóm mẫu thuộc cùng một đối tượng địa chất hoặc có tính chất hóa lý, có thành phần chung gần giống nhau và dạng khoáng vật của các cấu tử cần xác định tương tự nhau).

Điều 2. Kiểm tra nội bộ phòng thí nghiệm áp dụng bắt buộc cho tất cả các dạng phân tích định lượng các nguyên tố hóa học, oxit, các hợp phần chứa trong các loại mẫu địa chất và khoáng sản rắn được thực hiện bằng các phương pháp: hóa học, hóa lý, nung luyện, quang phổ hấp thụ nguyên tử, quang phổ plasma.

Sai số tương đối cho phép (D%) giữa kết quả phân tích mẫu kiểm tra và kết quả phân tích mẫu cơ bản có độ lặp lại không được vượt quá sai số cho phép quy định tại phụ lục 1, 2 kèm theo Quy định này.

Điều 3. Kiểm tra nội bộ phòng thí nghiệm được tiến hành bằng các hình thức: kiểm tra sóng song, kiểm tra đối song, kiểm tra bằng mẫu chuẩn.

3.1. Kiểm tra song song là hình thức phân tích tự kiểm tra, áp dụng cho tất cả các phân tích viên khi phân tích lô mẫu cơ bản cũng như khi phân tích lô mẫu kiểm tra đối song.

Phân tích mẫu kiểm tra song song nhằm đánh giá độ lặp lại các kết quả phân tích do một người thực hiện trong cùng một điều kiện và cùng một thời gian, cho phép phát hiện và loại trừ các kết quả phân tích mắc phải sai số thô.

Phương pháp phân tích mẫu kiểm tra song song là phương pháp đã sử dụng để phân tích mẫu cơ bản.

3.2. Kiểm tra đối song nhằm phát hiện sai số hệ thống trong nội bộ phòng thí nghiệm gây ra bởi thao tác kỹ thuật, điều kiện kỹ thuật tiến hành phân tích cùng một số mẫu do hai phân tích viên khác nhau thực hiện trong những điều kiện độc lập, đồng thời kiểm tra lại độ lặp lại của kết quả phân tích lô mẫu và phát hiện loại trừ bớt sai số thô.

Phân tích kiểm tra đối song có thể sử dụng phương pháp có bản chất khác với bản chất của phương pháp phân tích mẫu cơ bản, nhưng phải có độ chính xác bằng hoặc cao hơn độ chính xác của phương pháp phân tích mẫu cơ bản.

[...]