Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 12/2001/QĐ-BCN Quy định tạm thời Nội dung chủ yếu của công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên và khoáng sản rắn đới biển nông ven bờ (0-30m nước) tỷ lệ 1/100.000 -1/50.000 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 12/2001/QĐ-BCN
Ngày ban hành 09/03/2001
Ngày có hiệu lực 24/03/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Đỗ Hải Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2001/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT VỀ TÀI NGUYÊN VÀ KHOÁNG SẢN RẮN ĐỚI BIỂN NÔNG VEN BỜ (0-30M NƯỚC) TỶ LỆ 1/100.000 -1/50.000

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 510/QĐ- CNCL ngày 31 tháng 03 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc mở nhiệm vụ Điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất vùng biển Nam Trung Bộ từ 0- 10m nước ở tỷ lệ 1/50.000, 10- 25m nước ở tỷ lệ 1/100.000;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tại Công văn số 1171CV/ĐCKS-TĐ ngày 27 tháng 12 năm 2000 về việc trình phê chuẩn và ban hành Định mức, đơn giá tạm thời cho công tác điều tra địa chất- khoáng sản rắn ven bờ tỷ lệ 1/100.000 (1/50.000) và Biên bản của Hội đồng xét duyệt Đề án- Báo cáo địa chất số 55/2000/HĐXD ngày 28 tháng 11 năm 2000;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời Nội dung chủ yếu của công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên và khoáng sản rắn đới biển nông ven bờ (0- 30m nước) tỷ lệ 1/ 100 000 - 1/ 50 000.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Quy định này.

Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng các Vụ: Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính - Kế toán, Pháp chế, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hải Dũng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC ĐIềU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT VỀ TÀI NGUYÊN VÀ KHOÁNG SẢN RẮN ĐỚI BIỂN NÔNG VEN BỜ (0-30M NƯỚC) TỶ LỆ 1/100.000 - 1/50.000
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 12/2001/QĐ-BCN ngày 9 tháng 3 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

HÀ NỘI - 2001

Chương 1:

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Đo vẽ địa chất, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất tỷ lệ 1/100.000 và 1/50.000 là bước tiếp theo của giai đoạn khảo sát do vẽ tỷ lệ 1/500.000 trong tiến trình điều tra cơ bản có hệ thống về địa chất, tài nguyên khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất thềm lục địa và phải tuân thủ theo Luật Khoáng sản (1996), Luật Hàng hải (1992), Luật Bảo vệ môi trường (1994), Công ước Quốc tế về Luật biển (1982).

Điều 2. Nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất biển tỷ lệ 1/100.000 và 1/50.000 là:

1- Đo vẽ loạt bản đồ: Bản đồ địa chất, bản đồ địa chất môi trường và bản đồ địa chất tai biến.

2- Phát hiện và đánh giá sơ bộ các loại sa khoáng, khoáng vật nặng (ilmenit, zircon, monazit), kim loại quý hiếm (thiếc, vàng), cát thủy tinh, vật liệu xây dựng, kết hạch photphorit, sắt - mangan và các khoáng sản khác.

3- Xác định diện tích phân bố, điều kiện, quy luật thành tạo các loại khoáng sản và các tiền đề dấu hiệu tìm kiếm chúng. Thành lập bản đồ phân vùng triển vọng khoáng sản ở các mức khác nhau để tiến hành công tác điều tra ở bước tiếp theo.

4- Nghiên cứu, lập các bản đồ cơ sở nhằm tìm hiểu cấu trúc địa chất, tích tụ khoáng sản, phát hiện các dấu hiệu liên quan đến tai biến địa chất và bảo vệ môi trường biển và ven biển.

Điều 3. Mức độ nghiên cứu điều tra đo vẽ địa chất khoáng sản cho từng vùng biển được xác định bởi nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội của các vùng đó.

Điều 4. Khi quyết định diện tích đo vẽ cần tính đến mức độ phức tạp của vùng, tính khả thi và thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Diện tích đo vẽ một đề án tỷ lệ 1/100.000 thay đổi từ 8000 đến 10.000km2 và tỷ lệ 1/50.000 thay đổi từ 1000 đến 1.500km2.

Điều 5. Thời gian thi công cho một đề án từ 4 đến 5 năm trong đó có 8 đến 10 tháng lập đề cương, từ 15 đến 24 tháng thực địa, từ 20 đến 30 tháng văn phòng. Công tác khoan máy trên biển được tiến hành sau khi phân tích các tài liệu địa chất và địa vật lý.

Điều 6. Khi điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên và khoáng sản biển khoảng cách giữa các trạm khảo sát từ 1,0 - 1,8km cho tỷ lệ 1/100.000 và 0,6 - 0,9km cho tỷ lệ 1/50.000. Đối với những diện tích có triển vọng khoáng sản hoặc có tiềm năng ô nhiễm, tai biến địa chất có thể đan dày thêm một số trạm. Tại một số vùng phát triển kinh tế trọng điểm và có những bức xúc về tai biến địa chất và ô nhiễm môi trường cần phải lập các trạm quan trắc định kỳ để nghiên cứu thủy thạch động lực, sự biến động địa hình đáy biển, các tai biến địa chất: xói lở bờ biển, xói mòn đáy biển, san lấp luồng lạch, ô nhiễm môi trường.

Điều 7. Khi tiến hành điều tra cơ bản địa chất phải tôn trọng và bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, các vùng bảo tồn biển, các công trình ngầm dân sự, quân sự, bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, các hoạt động kinh tế ven biển của nhân dân, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Tổ chức tiến hành điều tra cơ bản địa chất biển là các cơ quan, đơn vị địa chất có chức năng nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản biển thuộc Bộ Công nghiệp. Hình thức tổ chức trong mùa thực địa là các đội địa chất tổng hợp, đội địa vật lý. Mỗi đội địa chất tổng hợp có các tổ: địa hình, địa mạo, thủy văn, trầm tích, địa chất, địa chất ảnh, địa hóa, trọng sa, địa chất môi trường và tai biến địa chất, khoan tay và khoan máy. Việc điều phối hoạt động của các đội do Chủ nhiệm đề án đảm nhận.

Điều 9. Khối lượng công tác hoặc nhiệm vụ bước địa chất hàng năm phải được Hội đồng xét duyệt Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phê duyệt. Biên bản của Hội đồng xét duyệt đề án và báo cáo cơ sở theo quyết định phê duyệt của Bộ Công nghiệp là cơ sở để thanh toán với kho bạc nhà nước.

[...]