Quyết định 37/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2013-2020

Số hiệu 37/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/01/2013
Ngày có hiệu lực 04/01/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tiến Phương
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 04 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2013-2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến công;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 2282/TTr-SCT ngày 24 tháng 12 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình khuyến công tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2013-2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công thương, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN CÔNG TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 04/01/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2008 - 2012

Giai đoạn 2008 - 2012, Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện đạt được một số kết quả nhất định, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm sau đều cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2008-2012 của tỉnh đạt bình quân 10,9%/năm, trong đó công nghiệp nông thôn tăng 11,27%/năm.

Có thể nói, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn qua đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; từng bước góp phần đổi mới công nghệ, cải tiến máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Việc hỗ trợ một phần kinh phí khuyến công đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mạnh dạn và đầu tư có hiệu quả, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, năng lực cạnh tranh nhằm phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững.

Kinh phí tổ chức triển khai thực hiện các nội dung chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận 5 năm (giai đoạn 2008-2012) là 43,367 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện là 8,304 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 19% tổng kinh phí (khuyến công quốc gia là 5,089 tỷ đồng chiếm 61% ngân sách nhà nước hỗ trợ, khuyến công địa phương là 3,215 tỷ đồng chiếm 39% ngân sách nhà nước hỗ trợ); kinh phí đối ứng của các đơn vị thụ hưởng là 35,064 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 81% tổng kinh phí. (Biểu số 1)

Trong 06 nội dung của chương trình được phê duyệt, 5 năm qua trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện tất cả 06 nội dung của chương trình đã đề ra. Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ trong thời gian qua chỉ chủ yếu tập trung vào đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào các khâu của quy trình sản xuất, tham gia hội chợ triển lãm, thông tin tuyên truyền… Chưa khai thác hết các tiểu nội dung của chương trình ([1]). Do những tồn tại đó, hoạt động khuyến công vẫn chưa phát huy rõ nét vai trò của mình trong phát triển công nghiệp nông thôn; ngoài ra, còn do một số nguyên nhân sau:

* Về khách quan

Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2008-2012, dự báo còn tiếp diễn trong vài năm tới; hệ thống hạ tầng của tỉnh còn thiếu và yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông... đã làm thu hẹp tình hình đầu tư, kéo theo hoạt động khuyến công khó khăn hơn trong việc tiếp cận đối tượng của chương trình.

Đặc thù của hoạt động khuyến công là xuất phát từ nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn, các đề án đào tạo nghề chủ yếu tập trung triển khai ở các địa bàn nông thôn, đối tượng lao động là bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ nhận thức chưa cao, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và triển khai thực hiện đề án tại địa phương,

* Về chủ quan

Nhận thức về vị trí, vai trò của chương trình khuyến công trong tác động đối với việc phát triển sản xuất công nghiệp của các cấp, các ngành, địa phương chưa đúng mức nên công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiệm vụ thể hiện quyết tâm chưa cao, phối hợp chưa thật chặt chẽ;

Nguồn vốn khuyến công và định mức hỗ trợ các nội dung hoạt động khuyến công bị hạn chế và thiếu, chậm về thời điểm và chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ đầu tư của các đơn vị thụ hưởng;

Hoạt động khuyến công tuy đã đi vào hoạt động hơn 7 năm nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chỉ mới đang hoàn thiện dần, chưa tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và còn nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế;

[...]